Chạm tay vào linh hồn gốm cổ Sa Huỳnh

Ngày 9.8.2024, Bộ VH-TT-DL công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với Nghề thủ công truyền thống, nghề làm gốm ở Sa Huỳnh, xã Phổ Khánh, TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi. Làng nghề này được xem là "truyền nhân" của các mô típ hoa văn gốm đất nung Long Thạnh, Sa Huỳnh cách đây 2.000 - 3.000 năm, đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Nghề gốm Sa Huỳnh cũng thăng trầm không kém nghề muối Sa Huỳnh, nhưng nhờ bàn tay các nghệ nhân gia truyền, nghề gốm đã phần nào tái sinh và hoạt động ngày càng bài bản hơn.

Chạm tay vào linh hồn gốm cổ Sa Huỳnh- Ảnh 1.

Sản phẩm gốm Sa Huỳnh ở thôn Vĩnh An, xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi)

ẢNH: P.A

GIỮ LỬA CHO NGHỀ GỐM

Hơn 60 năm sống với nghề gốm gia truyền, đến nay cụ Nguyễn Thị Ni (86 tuổi, ở thôn Vĩnh An, xã Phổ Khánh) vẫn chưa có ý định ngừng nghỉ. Từ nhỏ, cụ Ni được cha truyền nghề, từ cách chọn đất, nhào đất, tạo dáng gốm và cả việc nung gốm sao cho "ngon" nhất khi ra lò. Bây giờ, cụ Ni có thể ngửi mùi đất, mùi lửa để biết gốm ra sao sau khi ra lò. Với người làm gốm ở thôn Vĩnh An, cụ Ni như "cụ cả" trong nghề. Ngoài kinh nghiệm lâu năm, cụ biết nắm bắt cái tinh túy của nghề, nắm giữ bí quyết và kỹ thuật làm gốm ở đây.

Theo cụ Ni, nghề làm gốm của gia đình cụ trải qua nhiều thăng trầm. Thời kháng chiến chống Pháp, quê hương khói lửa chiến tranh nhưng gia đình cụ vẫn cho lò gốm đỏ lửa mỗi ngày, rồi gánh gốm đi đổi lúa ở Đồng Cát (H.Mộ Đức, Quảng Ngãi). Những năm thập niên 1980, gia đình cụ Ni dùng xe đạp thồ chở gốm đi bán khắp tỉnh, trong đó nhiều nhất là chợ Châu Sa (xã Tịnh Châu, TP.Quảng Ngãi). Kha khá hơn một tí, gia đình cụ mua xe lam chở gốm đi bán.

Chạm tay vào linh hồn gốm cổ Sa Huỳnh- Ảnh 2.

Sản phẩm gốm do các nghệ nhân trang trí theo hoa văn gốm cổ Long Thạnh

ẢNH: P.A

Thịnh vượng thời gian dài rồi nghề gốm ở Sa Huỳnh cũng đến thời điểm khó khăn. Các làng gốm Vĩnh An và Trung Sơn còn khoảng 10 hộ sống bằng nghề gốm. Thế nhưng, cụ Ni và những nghệ nhân khác vẫn quyết tâm duy trì nghề truyền thống của cha ông để lại. Cụ Ni truyền dạy nghề cho con gái là Mai Thị Hồng Tư và cháu trai Nguyễn Tấn Sinh.

"Dẫu thăng trầm, nhưng nghề gốm Sa Huỳnh được gìn giữ mấy trăm năm qua, là niềm tự hào của dân ở đây và không thể để mai một", cụ Ni nói.

Cùng với cụ Ni, bà Trần Thị Mỹ và nhiều nghệ nhân khác thành lập Hợp tác xã Gốm tiền sử Sa Huỳnh với 12 thành viên. Ngoài việc mưu sinh, họ tham gia để giữ "lửa" cho nghề gốm khỏi thất truyền. Tháng 10.2023, tại Festival bảo tồn và phát triển làng nghề VN (ở Hà Nội), những nghệ nhân này biểu diễn làm gốm, mô phỏng các mô típ Văn hóa Sa Huỳnh thời tiền sử... đã thu hút được sự chú ý của nhiều người.

Làng gốm ở xã Phổ Khánh hoàn toàn là gốm mộc, không sử dụng loại nước men nào. Để có những mẻ gốm chất lượng, nghệ nhân phải biết "canh lửa" trong suốt quá trình nung gốm dài từ 14 - 24 giờ. Hợp tác xã bây giờ chủ yếu kinh doanh dịch vụ du lịch trải nghiệm làm gốm, giới thiệu và bán các sản phẩm gốm gia dụng, gốm thủ công mỹ nghệ.

Theo bà Nguyễn Thị Diễm Kiều, Giám đốc Hợp tác xã Gốm tiền sử Sa Huỳnh, đến với làng gốm truyền thống Sa Huỳnh, tận tay trải nghiệm các công đoạn làm gốm xưa và nay, du khách như được chạm tay vào linh hồn của văn hóa tiền sử, cảm nhận được phần nào bức tranh đời sống của người Sa Huỳnh cổ xưa.

Ông Trần Duy Khánh, Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh, cho biết sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển nghề gốm nhằm phục vụ phát triển du lịch cộng đồng.

TRUYỀN NHÂN CỦA GỐM LONG THẠNH

Theo Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi, cuộc khai quật năm 1978 tại di tích khảo cổ Long Thạnh (P.Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ) và trong cuộc đào thám sát năm 1994 đã phát hiện được 29 bình gốm đất nung trong các mộ chum. Quảng Ngãi đã chọn 18 bình gốm đẹp nhất, hoàn hảo nhất đăng ký và đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2018. Theo đó, các bảo vật này được cho là thuộc giai đoạn sơ kỳ đồng thau (giai đoạn sớm), có niên đại cách đây khoảng 3.000 năm.

Chạm tay vào linh hồn gốm cổ Sa Huỳnh- Ảnh 3.

Đưa gốm vào lò nung

ẢNH: P.A

Những chiếc bình gốm nói trên được người Sa Huỳnh xưa làm bằng tay, kết hợp dải cuộn mà chất liệu chính là đất sét được lọc kỹ pha cát mịn. Người xưa tạo ra những chiếc bình gốm tương đối hoàn hảo với các kiểu dáng: miệng loe, cổ cao, thân bình hình con tiện, chân đế thấp; xương gốm mỏng, chắc. Áo gốm được trang trí những hoa văn: khắc vạch, in văn sò, dập thừng, tô ánh chì với những hoa văn hình chữ S gợn sóng, mô tả cuộc sống của cư dân Sa Huỳnh gắn liền với biển cả.

Ngày nay, nghề làm gốm ở làng Phổ Khánh (do nằm trong không gian Di tích quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh, nên tỉnh Quảng Ngãi đặt tên chung là nghề làm gốm Sa Huỳnh) chưa thể tạo ra những hoa văn đặc biệt như gốm cổ Long Thạnh. Các nghệ nhân chỉ đang bảo lưu kỹ thuật làm gốm truyền thống của Văn hóa Sa Huỳnh ở các khâu làm đất, tạo khí hình với kỹ thuật nặn tay kết hợp bàn xoay chậm, nung gốm trong lò thủ công với nguyên liệu từ củi là chủ yếu. Nguyên liệu ở đây là đất sét xanh và đất sét vàng, được lọc trong nước dư để loại rác rến, sạn đá và hong ráo nước để dễ tạo hình. Khi sản phẩm ra lò (mỗi lò có khoảng 2.000 - 2.500 sản phẩm), được tiêu thụ ở chợ Châu Sa (Quảng Ngãi), Đà Nẵng, Huế, Đông Hà (Quảng Trị), Hà Nội...

Do sản phẩm gốm Sa Huỳnh hoàn toàn là gốm mộc, không sử dụng men nên màu sắc tự nhiên như màu đất, thanh, đẹp, bền, giá trị sử dụng cao. Dòng gốm là sự thô phác, mộc mạc, mang đậm nét phong cách mỹ thuật dân gian, giữ được nét văn hóa truyền thống nên khách hàng khắp các tỉnh, thành trong cả nước ưa chuộng. Các nghệ nhân ở làng gốm Sa Huỳnh hiện nay đang khao khát và tìm cách học kỹ thuật tạo hoa văn trên sản phẩm gốm cổ Sa Huỳnh để làm nên nét độc đáo riêng cho sản phẩm của mình. (còn tiếp)

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao