Các nền kinh tế châu Á phản ứng thế nào với đòn thuế từ Mỹ?

Ngày 2.4, Tổng thống Trump thông báo Mỹ sẽ đánh thuế đối ứng lên toàn bộ đối tác thương mại gồm khoảng 180 nước, vùng lãnh thổ và khối kinh tế. Mức thuế quan 10% sẽ có hiệu lực từ ngày 5.4, còn những mức thuế quan cao hơn áp đặt lên khoảng 60 nền kinh tế khác sẽ có hiệu lực từ ngày 9.4. Trong số những nền kinh tế chịu thuế đối ứng cao, có nhiều bên nằm ở khu vực châu Á.

Tại Đông Bắc Á, Trung Quốc bị đánh thuế 34%. Cộng với thuế suất trước đó, nước này chịu thuế 54%. Mức thuế mà Hàn Quốc gánh chịu là 25% trong khi Nhật Bản là 24%. Nền kinh tế Đài Loan bị áp thuế 32%.

Tại Đông Nam Á, Campuchia bị đánh thuế cao nhất ở mức 49%, Lào 48%, Việt Nam 46%, Myanmar 44%, Thái Lan 36%, Indonesia 32%, Malaysia 24%, Philippines 17%, Singapore 10%.

Một số nền kinh tế tại Nam Á cũng chịu thuế cao, gồm Sri Lanka 44%, Bangladesh 37%, Pakistan 29%, Ấn Độ 26%.

Các nền kinh tế toàn cầu phản ứng ra sao về đòn thuế đối ứng của Tổng thống Trump?

 Châu Á phản ứng

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 3.4 kêu gọi Mỹ ngay lập tức hủy bỏ các thuế suất mới, cảnh báo điều đó đe dọa sự phát triển kinh tế toàn cầu và sẽ gây thiệt hại lợi ích Mỹ cũng như chuỗi cung ứng quốc tế.

"Trung Quốc hối thúc Mỹ hủy bỏ ngay lập tức các biện pháp thuế quan đơn phương và giải quyết phù hợp những khác biệt với các đối tác thương mại thông qua đối thoại bình đẳng. Không có ai chiến thắng trong một cuộc chiến tranh thương mại và không có lối thoát cho chủ nghĩa bảo hộ", AFP trích thông báo cho hay.

Bộ Thương mại Trung Quốc cũng tuyên bố cương quyết phản đối thuế suất của Mỹ và sẽ có biện pháp đáp trả nhằm bảo vệ quyền và lợi ích

Các nền kinh tế châu Á phản ứng thế nào với đòn thuế từ Mỹ? - Ảnh 1.

Cần cẩu dỡ container từ tàu tại cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) ngày 2.4

ẢNH: AFP

Cùng ngày, quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck-soo chỉ thị chính phủ dùng toàn lực phản ứng mức thuế 25% của Mỹ. "Trước tình hình rất nghiêm trọng với việc chiến tranh thương mại toàn cầu sắp trở thành hiện thực, chính phủ Hàn Quốc phải dùng mọi năng lực để vượt qua cuộc khủng hoảng thương mại này", ông Han nói tại cuộc họp khẩn an ninh-kinh tế.

Ông Han chỉ thị phân tích tác động đối với doanh nghiệp và đàm phán với Mỹ để giảm thiểu thiệt hại, nhanh chóng thiết kế biện pháp hỗ trợ khẩn cấp dành cho các công ty và ngành nghề bị ảnh hưởng.

Các nền kinh tế châu Á phản ứng thế nào với đòn thuế từ Mỹ? - Ảnh 2.

Quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck-soo chỉ thị dốc toàn lực vượt qua cuộc khủng hoảng thương mại xuất phát từ thuế suất từ Mỹ

ẢNH: REUTERS

Tại Nhật Bản, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Muto Yoji tổ chức họp báo và cho biết đã có cuộc gặp trực tuyến với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick ngay trước thông báo của Tổng thống Trump. Ông Muto nói đã yêu cầu Mỹ miễn trừ Nhật Bản khỏi thuế mới và bày tỏ cực kỳ đáng tiếc về quyết định của Nhà Trắng.

"Chúng tôi cần quyết định điều gì tốt nhất và hiệu quả nhất cho Nhật Bản, theo cách cẩn trọng nhưng táo bạo và nhanh chóng", ông Muto nói, để ngỏ mọi lựa chọn đáp trả, theo Reuters.

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Hayashi Yoshimasa cho rằng thuế suất của Mỹ có thể vi phạm quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và hiệp định thương mại song phương.

Tại Thái Lan, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra cho hay nước này có "kế hoạch mạnh mẽ" để ứng phó và hy vọng sẽ đàm phán giảm nhẹ tác động và giảm bớt thuế suất mới.

Chính quyền Đài Loan chưa bình luận về mức thuế của Mỹ, song Phòng Thương mại Mỹ tại Đài Loan ngày 3.4 nói rằng quan hệ đối tác của vùng lãnh thổ này với Washington là động lực của thịnh vượng kinh tế chung và là trung tâm của an ninh và ổn định tại khu vực, theo Reuters.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao