Phóng tác từ câu chuyện dân gian quen thuộc, Cây bút thần lần đầu được cặp vợ chồng Huỳnh Nhu - Huỳnh Ngân thử sức ở vai trò đạo diễn lẫn biên kịch, vừa giữ được "chất" kịch thiếu nhi quen thuộc của sân khấu nhỏ 5B và chứa đựng nhiều bài học sâu sắc, được truyền tải hết sức giản dị, vui nhộn.
Vở Cây bút thần quy tụ dàn diễn viên như NSND Mỹ Uyên, Huỳnh Nhu, Huỳnh Ngân, Kỳ Thiên Cảnh, Hồng Đào, Huỳnh Thiện Trung, bé Gia Hân, bé Xuân Nghi, bé Thiên Kim...
Chuyện kể, ngày xưa có một chàng trai nghèo tên Mã Lương được bà tiên tặng cho cây bút thần, cậu có thể vẽ ra hoa lá cỏ và một chú trâu to để vui đùa cùng mọi người. Phú ông biết chuyện bèn tìm cách chiếm đoạt cây bút. Làm đủ cách để có được bút, thế nhưng điều mà phú ông tham lam vẽ ra lại khiến mọi người... hết hồn và ông cũng được bài học nhớ đời.
Cây bút thần đã tận dụng lại tối đa các mảng miếng của các vở thiếu nhi trước đó như âm nhạc, vũ đạo, tăng tương tác với khán giả nhí..., đặc biệt là khả năng biểu diễn ảo thuật của nghệ sĩ Huỳnh Nhu. Vở được thổi vào nhiều tầng ý nghĩa không chỉ thích hợp cho trẻ nhỏ mà còn đáng ngẫm đối với ai từng là trẻ con...
Vở diễn đậm chất Nam bộ
Bối cảnh của câu chuyện diễn ra ở vùng quê thanh bình, song yếu tố quan hệ giai cấp được gia giảm và được tô đậm ở tính chất tôn vinh những giá trị truyền thống, giàu nhân văn. So với các vở kịch thiếu nhi trước, Cây bút thần mang nhiều yếu tố Nam bộ hơn. Các giai điệu hò, vè, lý, cải lương, nhạc quê hương được biến tấu vui nhộn, gần gũi với các em nhỏ.
Sân khấu cũng được mở rộng không gian diễn, vốn thường áp dụng cho những vở thể nghiệm, đòi hỏi nhiều sự dịch chuyển.
NSND Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B, chia sẻ: "'Với tôi, khi dựng kịch thiếu nhi thì yếu tố tiên quyết là bài học thông điệp. Kịch bản Cây bút thần có thế mạnh về thông điệp giáo dục cho trẻ nhỏ, đồng thời cũng mở ra cho nghệ sĩ nhiều 'dư địa' sáng tạo đối với nhân vật của mình".