Các lực lượng ủng hộ nổi dậy

Năm 1819, khi được phái đi kinh lược Thanh Hoa và Nghệ An, Lê Văn Duyệt đã chiêu dụ được hơn 900 người làm giặc cướp ra đầu thú. Ông xin tha tội cho những người này và biên họ làm lính. Hơn 420 người quê ở Thanh Hoa được lập thành chi Thanh Thuận (cũng gọi là cơ Thanh Thuận); hơn 480 người quê ở Nghệ An được lập thành cơ An Thuận. Tên của các cơ này được đặt dựa trên việc lấy một chữ của tên trấn ghép với chữ Thuận (thuận theo). Thoạt tiên, hai nhóm quân này hoạt động dưới quyền điều động của hai trấn Thanh Hoa, Nghệ An. Năm 1820, khi được bổ làm Tổng trấn Gia Định thành lần thứ hai, Lê Văn Duyệt đã đề nghị đem số quân này theo. Ông nói: "Trước kia tôi đi kinh lược Thanh Nghệ, có các phạm nhân Thanh Nghệ và Bắc Thành ra thú được miễn tội cho làm liêu thuộc, đều xin đem đi để sai phái" (Đại Nam liệt truyện chính biên sơ tập, tr.464-465). Lời tâu xin của Lê Văn Duyệt được vua Minh Mạng chấp nhận.

Các lực lượng ủng hộ nổi dậy - Ảnh 1.

Lính Tả quân thời Tự Đức

ẢNH: T.L TÁC GIẢ

Năm 1824, tại Bắc Thành còn lập thêm một lực lượng đáng chú ý nữa là các cơ Bắc Thuận. Lực lượng này được lập ra dựa trên số dân ngoại tịch ở các trấn thuộc Bắc Thành. Bấy giờ lập được 12 cơ, gọi là cơ An Bắc, rồi đổi thành 12 cơ Bắc Thuận. Bốn trong số 12 cơ này được phái đi đóng thú ở Gia Định thành. Quan viên Gia Định thành còn tâu xin nếu số lính này đến nơi mà không ai trốn thì những viên quản suất binh lính sẽ được phép thực thụ chức vụ của họ ngay, không cần phải đợi thí sai hay quyền thự đủ hạn. Binh lính mỗi năm đều được cấp quần áo, hạn 3 năm thì đổi.

Cũng trong năm 1824, một lực lượng tương tự được thành lập ngay tại Gia Định thành. Đó là các đội Hồi Lương. Lực lượng này bao gồm "tù phạm tội sung quân và tội lưu phát phối đến thành [Gia Định]". Thoạt tiên Gia Định thành chỉ đề xuất thành lập 6 đội Hồi Lương. Nhưng vua Minh Mạng lại cho phép thành lập 10 đội, tổng cộng 462 người (9 đội đầu mỗi đội 50 người, 16 người còn lại thành đội 10). Số lính này được cấp lương tháng, theo quyền điều động của Gia Định thành.

Ngoài ra, trong biên chế của Tả quân về sau cũng thấy nhắc đến các đội Lâm Xạ, Tả Thuận. Đây chắc là các đội thuộc binh do Lê Văn Duyệt chiêu mộ và thành lập riêng ngoài định lệ. Năm 1827, Liệt truyện có chép rằng: "Lê Văn Duyệt từng lập một đội thuộc binh cho vợ là Đỗ Thị, đặt ba người Cai đội, lúc viết tờ khai không ghi quê quán. Binh bộ cho là trái lệ. Đế [Minh Mạng] cười, bảo: "Trẫm với Lê Văn Duyệt há có lệ ư?", rồi chấp thuận" (Đại Nam liệt truyện chính biên sơ tập, quyển 23, tờ 11b).

NHỮNG ĐỘI QUÂN BẤT TRỊ

Lực lượng binh lính này thường bất trị và hay bỏ trốn. Riêng năm 1824, Thập trưởng thuộc cơ An Thuận là Hồ Văn Nhương đóng thú ở đồn Châu Đốc hai lần bỏ trốn. Án thủ Nguyễn Văn Thoại bắt được, đem chém luôn. Năm 1825, vua Minh Mạng than phiền rằng lính Bắc Thuận trên đường đi thú lại cướp bóc đồ vật ở các cửa hàng, chợ búa.

Trương Vĩnh Ký đặc biệt ghi lại hai mẩu chuyện cười về lính Bắc Thuận. Ông nói rằng: "bởi các ảnh ngang lắm, nên người ta ngoài lại đặt lại kêu là Bắc Nghịch" (Chuyện khôi hài, tr.8). Lính Bắc Thuận được mô tả như là bọn người láu cá ăn quịt, lại lười biếng, nghe trống cho nghỉ là liền ném dụng cụ bỏ về ngay.

Tháng 8 năm Minh Mạng thứ 13 (1832), sau khi nghe tin Lê Văn Duyệt qua đời, vua Minh Mạng lập tức sai giải tán binh lực dưới quyền của Lê Văn Duyệt. Hai vệ Tả bảo nhất, Tả bảo nhị được rút về kinh thành. Vệ Minh Ngãi lấy từ Quảng Ngãi thì trả lại cho tỉnh ấy, xóa bỏ phiên hiệu của vệ này. Lính cơ An Thuận tuy được giữ lại, nhưng cũng được lệnh cân nhắc bổ họ vào các đội Tả sai, Tả thuận, đợi khi an táng Lê Văn Duyệt xong cũng rút về kinh. Các thuộc binh, viên tử, hào mục của Lê Văn Duyệt thì bổ vào các chức khuyết trong các cơ, đội ở Gia Định thành. Ai muốn về quê quán thì giao cho sở tại ghi vào sổ để chịu sai dịch. Các đội Hồi Lương cũng được chia ra đóng ở 5 tỉnh Phan Yên, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, mỗi tỉnh 2 đội. Có lẽ ông muốn phân tán lực lượng dưới quyền của Lê Văn Duyệt - lúc này đã chết, nhưng cuối cùng lại thành ra bố trí lực lượng giúp Nguyễn Hựu Khôi xâm chiếm sáu tỉnh Nam kỳ.

Các lực lượng này đóng vai trò quan trọng trong âm mưu của Nguyễn Hựu Khôi. Một âm mưu hết sức rầm rộ mà nhiều người biết trước. (còn tiếp

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao