Khách hàng bất bình
Thời điểm vài tuần trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ, thị trường thời trang Việt vừa sôi động với các chương trình khuyến mãi giảm giá, vừa "nóng" lên vì câu chuyện đạo nhái. Nhiều thương hiệu mở đặt hàng trước, livestream bán các "mẫu cover" (thiết kế sao chép từ thương hiệu, nhà thiết kế (NTK) khác nhưng có giá rẻ hơn) và đẩy mạnh bán qua các sàn thương mại điện tử. Các mặt hàng bị sao chép nhiều nhất là áo dài và thời trang thiết kế may sẵn.
Vào ngày 9.1, NTK Lưu Việt Anh có bài đăng trên trang cá nhân, yêu cầu một thương hiệu gỡ bỏ hình ảnh và dừng bán sản phẩm giống hệt mẫu thiết kế anh ra mắt vào tháng 5.2023. Đây là set sản phẩm gồm áo yếm và chân váy vốn là mẫu thiết kế bán chạy nhất (best seller) của bộ sưu tập Falvaon. Thiết kế này mang dấu ấn đặc trưng của thương hiệu, được rất nhiều khách hàng và người nổi tiếng mặc và khoe trên mạng xã hội nên có tính nhận diện (viral) cao. Sản phẩm nằm trong bộ sưu tập đầu tay này là niềm tự hào của Việt Anh, vốn đã và đang được thương hiệu kinh doanh xuyên suốt gần 2 năm qua.
"Tôi biết được sự việc vì khách hàng nhìn thấy nên đã chụp ảnh và gửi cho tôi. Nhìn thấy sáng tạo của mình bị sao chép gần như 100%, tôi giận run, muốn khóc. Không chỉ lòng tự trọng của tôi bị xúc phạm mà việc đạo nhái y hệt mẫu thiết kế best seller còn là hành vi "đạp đổ chén cơm" của người khác", NTK sinh năm 1997 bức xúc.
Khi Việt Anh yêu cầu giải thích, đề nghị gỡ ảnh, ngừng bán sản phẩm, người quản lý thương hiệu đã "đạo" thiết kế của Việt Anh đưa ra lý do cho việc bán mẫu trang phục kể trên là "vô tình cover nhầm", xin lỗi vì sai sót trong quá trình duyệt mẫu. Người này nói đã gỡ sản phẩm và xóa các bài đăng ngay khi nhận phản hồi của NTK. Tuy nhiên, anh phát hiện ảnh sản phẩm đạo nhái vẫn được đăng trên phần "story" và vẫn bán trên sàn thương mại điện tử. Sau nhiều lời giải thích vòng vo, người quản lý và chủ thương hiệu đã chặn mọi kênh liên lạc với Việt Anh.
Theo Việt Anh, có rất nhiều thương hiệu và NTK chân chính gặp phải tình trạng này và tâm lý chung là ai cũng ngại lên tiếng. Bản thân anh cũng không muốn làm lớn chuyện, vì thực tế không thể hễ làm ra bộ sưu tập nào cũng mang đi đăng ký sở hữu trí tuệ. Anh lên tiếng để cảnh báo khách hàng và hy vọng thương hiệu kia dừng lại sau khi bán hết lô hàng đã sản xuất. Chính khách hàng cũng đổ đồn vào các buổi livestream của thương hiệu kia để thể hiện sự bất bình, bức xúc hoặc đánh giá 1 sao.
Thiết kế tiền triệu, "mẫu cover" bán vài trăm ngàn đồng
Hà Thanh Việt cũng là NTK trẻ từng lên tiếng mạnh mẽ khi bị đạo nhái thiết kế đang được khách hàng yêu thích. Anh nêu đích danh một số thương hiệu do cảm thấy quá bất bình vì họ thản nhiên "ăn cắp" chất xám của đồng nghiệp. Đây đều là những cái tên từng được anh đánh giá cao. "Thương hiệu có đầu tư sản xuất hình ảnh, thuê KOL review đánh giá nhưng vì sao không đầu tư chất xám vào sản phẩm?", nam thiết kế đặt câu hỏi. Không những thương hiệu bán online mà cả đơn vị có đến 3 cửa hàng cũng "nhân bản" sản xuất và kinh doanh thiết kế best seller của Việt.
Ảnh chụp màn hình trao đổi giữa NTK và quản lý thương hiệu đạo nhái
Ảnh: FBNV
Trong thời trang hay bất cứ ngành nghề nào, việc học hỏi và kế thừa là bình thường. Tuy nhiên việc sao chép ý tưởng giống đến 99% thì lại khác. Không chỉ làm giảm giá trị sản phẩm khi mẫu "chính chủ" giá tiền triệu mà "mẫu cover" giá chỉ vài trăm ngàn đồng, việc đạo nhái còn ảnh hưởng đến sự sống còn của các thương hiệu thiết kế non trẻ.
Việt Anh phân tích, nếu sản phẩm bị đạo nhái có mức giá tầm cao đến cao cấp, sản lượng ít và chỉ bán theo mùa thì NTK sẽ không quá quan tâm do ít ảnh hưởng đến thương hiệu và doanh thu. Tuy nhiên, với sản phẩm hướng đến khách hàng tầm trung thì thương hiệu đạo nhái ít nhiều đang cạnh tranh trực tiếp với "chính chủ". Bên cạnh đó, họ còn có nhiều lợi thế phát triển sản phẩm nhanh hơn so với thương hiệu thiết kế nhỏ lẻ vì không tốn nhiều chi phí.
Tuy nhiên, NTK Huy Võ lại đưa ra góc nhìn khác. Anh cho rằng việc sản phẩm bị copy là sự khẳng định giá trị sáng tạo và giá trị của một thiết kế tốt. Sản phẩm nào cũng có hàng thật (authentic) và hàng nhái (fake), nhưng khách hàng tùy theo phân khúc và định vị thương hiệu hướng đến sẽ biết đâu là giá trị thật, đâu là thương hiệu họ muốn gắn bó. "Cái mình cần làm là không ngừng nâng tầm chất lượng và giá trị để tạo nên sự khác biệt không gì có thể thay thế", Huy Võ nói.
Thực tế, tồn tại giữa thị trường đầy khó khăn trong năm 2024 là một thử thách không nhỏ với các thương hiệu thời trang, đặc biệt là với các thương hiệu thiết kế trẻ. Việc "than trời" trên mạng xã hội là một cách để NTK tự bảo vệ mình và đưa ra cảnh báo chính thức để việc đạo nhái chấm dứt. Ngoài ra, khi xã hội ngày càng văn minh, tiên tiến thì việc NTK lên tiếng bảo vệ thiết kế mang dấu ấn riêng cũng sẽ ít nhiều làm thay đổi tư duy, thay đổi hành động của người làm thời trang cũng như khách hàng.