Xã Phan Rí Cửa quy mô dân số lớn nhất tỉnh Bình Thuận

Theo đề án sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã của Bình Thuận, cả tỉnh hiện nay có 121 xã, phường, thị trấn, giảm chỉ còn 45 đơn vị (giảm gần 63%).

Theo đó, xã Phan Rí Cửa (sáp nhập TT.Phan Rí Cửa, xã Chí Công và xã Hòa Minh, H.Tuy Phong; trung tâm hành chính đặt tại TT.Phan Rí Cửa hiện nay) là xã có mật độ dân cư đông nhất tỉnh Bình Thuận.

Theo đó, sau sáp nhập xã Phan Rí Cửa có 86.813 người; trong khi diện tích tự nhiên chỉ 67,67 km2 (mật độ trung bình 1.283 người/km2). Đây là xã có đặc điểm chủ yếu làm kinh tế biển, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.

Xã Phan Rí Cửa đông dân nhất tỉnh Bình Thuận và sự phát triển kinh tế biển - Ảnh 1.

Cửa biển Phan Rí Cửa hiện nay

ẢNH: M.CHIẾN

Theo ông Võ Minh Chiến, Bí thư Đảng ủy TT.Phan Rí Cửa (hiện nay), xã Phan Rí Cửa (mới) có khoảng 1.200 tàu thuyền với gần 5 ngàn lao động chuyên chế biến thủy sản, đánh bắt ngoài khơi; sản lượng đánh bắt có năm đạt trên 30 ngàn tấn. Ngoài ra, đây còn là vành đai của Khu du lịch quốc gia Mũi Né, hằng năm thu hút lượng khách du lịch khá đông.

Xã mới đông dân thứ 2 ở Bình Thuận cũng ở H.Tuy Phong hiện nay, đó là xã Liên Hương. Xã Liên Hương được sáp nhập từ TT.Liên Hương, xã Phước Thể, xã Phú Lạc và xã Bình Thạnh; trung tâm hành chính tại TT.Liên Hương hiện nay.

Xã Phan Rí Cửa đông dân nhất tỉnh Bình Thuận và sự phát triển kinh tế biển - Ảnh 2.

Cầu Sông Lũy về đêm, cây cầu nối đường ven biển từ Khu du lịch quốc gia Mũi Né ra H.Tuy Phong hiện nay

ẢNH: M.CHIẾN

Xã này có diện tích 128,23 km2, quy mô dân số 70.737 người (mật độ dân số 549 người/km2). Đây cũng là xã có đặc thù khoảng 60% dân số làm nghề biển, chủ yếu là xã Bình Thạnh, TT.Liên Hương và Phước Thể; riêng xã Phú Lạc có đông bà con người dân tộc Chăm chủ yếu là nghề nông và chăn nuôi. Đây cũng là xã có nhiều dự án năng lượng tái tạo của Bình Thuận như điện gió Phú Lạc, điện gió Bình Thạnh.

Một đơn vị cấp xã đông dân nữa của Bình Thuận là P.La Gi (sáp nhập các phường Tân An, Tân Thiện, Tân Bình và Bình Tân của TX. La Gi hiện nay). P.La Gi mới có trụ sở đặt tại P.Tân An hiện nay; có diện tích 68,47 km2 và quy mô dân số 60.549 người (mật độ 884 người/km2).

Trong khi đó, xã Phan Sơn được sáp nhập với xã Phan Lâm (H.Bắc Bình) lấy tên mới là xã Phan Sơn; trung tâm hành chính đặt tại xã Phan Sơn hiện nay. Đây là xã có diện tích lớn nhất tỉnh Bình Thuận với diện tích tự nhiên 584,52 km2 và quy mô dân số chỉ 7.428 người; mật độ người dân chỉ 13,54 người/km2.

Đặc điểm của xã này là vùng đồng bào dân tộc K'ho và Raglay, Chăm, Nùng. Phần lớn diện tích xã này là đất 3 loại rừng, có Nhà máy thủy điện Đại Ninh, có hồ thủy lợi Sông Lũy dung tích gần 99 triệu m3 nước và tiếp giáp với H.Đức Trọng của tỉnh Lâm Đồng. Chiều dài chính tuyến đường QL28B nối QL1 của Bình Thuận với QL20 Lâm Đồng đều đi qua xã Phan Sơn.

Xã Phan Rí Cửa đông dân nhất tỉnh Bình Thuận và sự phát triển kinh tế biển - Ảnh 3.

QL28B đang tu sửa, toàn bộ khu vực đèo Đại Ninh thuộc xã Phan Sơn, H.Bắc Bình hiện nay

ẢNH: Q.H

Xã có diện tích lớn tiếp theo là xã Hàm Thạnh (sáp nhập xã Mỹ Thạnh, xã Hàm Cần và xã Hàm Thạnh, thuộc H.Hàm Thuận Nam hiện nay); trung tâm hành chính đặt tại xã Hàm Thạnh. Xã Mỹ Thạnh mới có diện tích tự nhiên 440,70 km2 và quy mô dân số chỉ 16.306 người (mật độ 37 người/km2).

Đặc biệt, đặc khu Phú Quý của Bình Thuận là đơn vị hành chính có diện tích chỉ 18 km2 (diện tích toàn hòn đảo Phú Quý hiện nay) với quy mô dân số 32.268 người (mật độ 1.793 người/km2).

Đặc khu Phú Quý được sáp nhập 3 xã trên đảo là Tam Thanh, Ngũ Phụng và Long Hải; sau sáp nhập đặc khu Phú Quý vẫn là đơn vị hành chính cấp xã chuyên khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, xuất khẩu và đang phát triển mạnh về du lịch.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao