Vụ việc Quang Linh Vlog và Hằng "du mục" bị khởi tố, bắt tạm giam có liên quan tội danh lừa dối khách hàng, theo khoản 2 điều 198 bộ luật Hình sự.
Đây không chỉ là câu chuyện cá nhân, mà vụ việc đặt ra vấn đề lớn hơn: hoạt động quảng bá trên không gian mạng thế nào để không vi phạm pháp luật?

Hằng "du mục" và Quang Linh Vlogs tại Cơ quan điều tra Bộ Công an
Vì sao Quang Linh Vlogs và Hằng 'du mục' bị bắt?
Để làm rõ những vấn đề pháp lý liên quan, phóng viên Báo Thanh Niên có cuộc trao đổi với luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch Công ty luật TAT Law firm), chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật hình sự - kinh tế và các vấn đề pháp lý phát sinh từ hoạt động truyền thông số.
* Thưa luật sư, dưới góc nhìn pháp lý, làm thế nào để hiểu và biết hành vi sai phạm nào sẽ bị xử lý tội "lừa dối khách hàng"?
Luật sư Trương Anh Tú: Về nguyên tắc, quảng cáo sai lệch công dụng sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng là hành vi vi phạm pháp luật. Theo điều 8 của luật Quảng cáo, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính.
Tuy nhiên, khi hành vi gian dối được thực hiện một cách có tổ chức, có yếu tố lợi nhuận và có nguy cơ ảnh hưởng rộng đến người tiêu dùng, thì việc xem xét trách nhiệm hình sự là hoàn toàn có cơ sở.
Cụ thể, có thể áp dụng điều 193 bộ luật Hình sự đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, hoặc điều 198 - tội lừa dối khách hàng.
Đây là những tội danh không yêu cầu phải xảy ra thiệt hại thực tế mới bị xử lý. Chỉ cần có hành vi gian dối, cung cấp thông tin không đúng sự thật về sản phẩm với mục đích thương mại, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, và có nguy cơ thiệt hại, thì đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Điều đáng chú ý là người vi phạm không nhất thiết phải là nhà sản xuất hay phân phối sản phẩm. Chỉ cần cá nhân hoặc tổ chức tham gia quảng bá thông tin sai lệch, đặc biệt nếu có hưởng lợi, thì cũng có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự.
Hằng "du mục" và Quang Linh Vlogs bị khởi tố ở khoản 2 điều 198, theo khung hình phạt ở khoản này, Quang Linh Vlogs và đồng phạm có thể bị phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.

Các bị can trong vụ án sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng liên quan Công ty cổ phần Asia life và Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt (CER Group)
ẢNH: P.D
* Với thực tế đó, theo ông, ranh giới giữa truyền thông và vi phạm pháp luật trong môi trường mạng xã hội hiện nay đang bị "xóa nhòa" như thế nào?
Luật sư Trương Anh Tú: Trước đây, truyền thông chủ yếu nằm trong tay các cơ quan báo chí - nơi có quy trình kiểm duyệt, trách nhiệm xã hội và cơ chế chịu trách nhiệm pháp lý rõ ràng.
Ngày nay, bất kỳ ai sở hữu một tài khoản mạng xã hội có lượng người theo dõi lớn đều có thể trở thành người ảnh hưởng và truyền thông độc lập.
Tuy nhiên, tự do ngôn luận không có nghĩa là tự do đăng tải mọi thứ mà không cần kiểm chứng. Khi một cá nhân đăng tải nội dung quảng cáo sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe, thì họ đang gián tiếp tham gia vào hoạt động kinh doanh.
Mỗi phát ngôn lúc này không còn là quan điểm cá nhân, mà là một thông tin thương mại có thể gây tác động đến hành vi tiêu dùng và dẫn tới rủi ro pháp lý.
Chỉ cần nội dung quảng bá sai lệch, được lặp đi lặp lại và phát tán rộng rãi, thì nguy cơ bị xử lý hình sự hoàn toàn có thể xảy ra, bất kể hậu quả thực tế đã phát sinh hay chưa.
Người dùng mạng xã hội phải có trách nhiệm
* Một số người biện minh rằng họ không biết sản phẩm có vấn đề, hoặc chỉ chia sẻ giúp, liệu điều đó có thể giúp tránh trách nhiệm?
Luật sư Trương Anh Tú: Tôi phải nhấn mạnh rằng trong luật hình sự, "không biết" không đồng nghĩa với "không chịu trách nhiệm".
Việc không kiểm tra kỹ lưỡng sản phẩm, không yêu cầu cung cấp giấy tờ pháp lý, hoặc đơn giản là "tin người khác" rồi chia sẻ công khai thì đều có thể bị đánh giá là thiếu trách nhiệm.
Trong một số trường hợp, nếu chứng minh được cá nhân biết rõ hoặc buộc phải biết về tính chất sai lệch của sản phẩm nhưng vẫn cố tình đăng tải, thì có thể cấu thành lỗi cố ý. Còn nếu không chứng minh được yếu tố cố ý nhưng hành vi đủ gây hiểu lầm nghiêm trọng, vẫn có thể xử lý theo hướng vô ý, nhưng không vì thế mà miễn trách nhiệm hình sự.
Đặc biệt, trong môi trường mạng xã hội, nơi thông tin lan tỏa rất nhanh và phạm vi tác động rất rộng, thì trách nhiệm phát ngôn, quảng bá cần được đặt ở mức cao hơn. Người có ảnh hưởng càng lớn thì nghĩa vụ pháp lý càng nặng nề.

Luật sư Trương Anh Tú
ẢNH: T.L
* Thưa ông, gần đây cụm từ "phòng ngừa rủi ro hình sự" được nhắc đến khá nhiều trong giới doanh nghiệp. Xu hướng này phản ánh điều gì?
Luật sư Trương Anh Tú: Đó là dấu hiệu đáng mừng. Xã hội đang dịch chuyển từ tư duy "gặp chuyện mới tìm luật sư" sang "chủ động kiểm soát rủi ro ngay từ đầu". Điều này rất quan trọng trong bối cảnh các hành vi vi phạm pháp luật không còn giới hạn trong môi trường truyền thống mà đang lan rộng sang môi trường số.
Nhiều doanh nghiệp hiện nay đã bắt đầu xây dựng quy trình rà soát nội dung truyền thông, kiểm chứng giấy tờ pháp lý sản phẩm, thậm chí thiết kế hợp đồng riêng khi hợp tác với người nổi tiếng.
Việc này không chỉ giúp họ tránh được những sai sót có thể dẫn đến khủng hoảng truyền thông, mà còn ngăn chặn rủi ro bị xử lý hình sự, dân sự, hoặc hành chính về sau.
Tôi tin rằng trong một thế giới mà mọi thứ được chia sẻ chỉ trong vài giây, thì sự chậm trễ trong tư duy pháp lý sẽ để lại cái giá rất đắt.
* Từ kinh nghiệm tư vấn và quan sát thực tế, ông có lời khuyên gì dành cho các cá nhân và doanh nghiệp khi triển khai hoạt động quảng bá qua mạng xã hội?
Luật sư Trương Anh Tú: Thứ nhất, phải có hợp đồng truyền thông rõ ràng, xác định rõ trách nhiệm của các bên, bao gồm cả nghĩa vụ kiểm tra nội dung, kiểm chứng thông tin, và quy định rõ hậu quả pháp lý nếu vi phạm.
Thứ hai, cả người thuê và người nhận quảng bá đều cần yêu cầu đầy đủ giấy tờ liên quan đến sản phẩm: từ công bố chất lượng đến giấy phép quảng cáo nếu có. Không nên "đăng cho xong" mà phải kiểm chứng đến nơi đến chốn.
Thứ ba, việc có một chuyên gia pháp lý đồng hành từ đầu là điều nên làm, nhất là khi hoạt động truyền thông gắn liền với ngành hàng nhạy cảm như thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, tài chính...
* Theo ông, để mạng xã hội trở thành môi trường lành mạnh và an toàn hơn, chúng ta cần điều chỉnh điều gì từ góc độ pháp lý và nhận thức xã hội?
Luật sư Trương Anh Tú: Trước hết, bản thân mỗi người cần nâng cao trách nhiệm pháp lý đối với hành vi phát ngôn, chia sẻ nội dung, đặc biệt là khi có yếu tố thương mại. Không thể viện cớ "tôi chỉ chia sẻ hộ", "tôi không biết rõ" để miễn trừ trách nhiệm.
Tiếp theo, các doanh nghiệp và tổ chức truyền thông cần xây dựng quy trình kiểm soát nội dung trước khi đưa ra công chúng. Trong môi trường số, tốc độ không thể thay thế cho sự cẩn trọng.
Cuối cùng, truyền thông pháp luật cần đi trước một bước. Việc phổ biến kiến thức pháp lý một cách gần gũi, dễ hiểu qua các kênh báo chí, mạng xã hội, hội thảo là điều rất cần thiết.
Khi cộng đồng hiểu rõ ranh giới đúng - sai, mạng xã hội sẽ trở thành nơi kết nối văn minh, thay vì là vùng rủi ro pháp lý.