Viện KSND tối cao kiến nghị bịt 'kẽ hở' từ vụ Tập đoàn Thuận An

Trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An, Viện KSND tối cao truy tố Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch doanh nghiệp này, cùng 26 người khác về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Hưng bị cáo buộc sử dụng nhiều chiêu trò để thâu tóm hàng loạt gói thầu xây dựng tại các địa bàn Hà Nội, Bắc Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh và Bộ GTVT, qua đó gây thiệt hại cho ngân sách hơn 120 tỉ đồng.

Viện KSND tối cao kiến nghị bịt 'kẽ hở' từ vụ Tập đoàn Thuận An- Ảnh 1.

Cầu Vĩnh Tuy 2, một trong những dự án liên quan đến sai phạm của Tập đoàn Thuận An

ẢNH: NGUYỄN TRƯỜNG

"Kẽ hở" nào khiến Thuận An "lũng đoạn" các gói thầu?

Một trong những thủ đoạn quen thuộc của Chủ tịch Tập đoàn Thuận An là lợi dụng mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo cấp cao trong cơ quan nhà nước để nhờ giới thiệu, can thiệp, tác động đến lãnh đạo cấp tỉnh, giám đốc các ban quản lý dự án cho Thuận An tham gia dự án.

Tiếp đó, Thuận An sẽ thông đồng với các doanh nghiệp thuộc liên danh của mình, phía đại diện chủ đầu tư và đơn vị tư vấn, thậm chí cài cắm "quân xanh" để trúng các gói thầu thi công.

Nguyễn Duy Hưng còn thỏa thuận chi tỷ lệ % tiền "cơ chế" cho các cá nhân đã ưu ái Thuận An. Mỗi dự án, doanh nghiệp này bỏ ra hàng chục tỉ đồng để "lại quả".

Và để có tiền lo chi phí cho nhóm cựu cán bộ, Chủ tịch Tập đoàn Thuận An "thu phế" từ các thành viên liên danh, hoặc gửi giá nhằm thu tiền chênh lệch vật liệu đầu vào từ các nhà thầu thứ cấp.

Trong số các cựu quan chức vướng lao lý, ông Phạm Thái Hà, cựu Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bị truy tố tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi; ông Lê Ô Pích, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Riêng ông Dương Văn Thái, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, bị khởi tố tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, song cơ quan điều tra đã tách hồ sơ để tiếp tục làm rõ.

Viện KSND tối cao cho biết, quá trình điều tra và truy tố vụ án, cơ quan này nhận thấy còn có sơ hở, thiếu sót trong một số văn bản quy phạm pháp luật, trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng công trình giao thông, đấu thầu, kiểm toán. Đây chính là nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội của các bị can.

Về trách nhiệm, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh, thành phố Bắc Giang, Tuyên Quang, Hà Nội, Quảng Ninh đã không kịp thời phát hiện những sai phạm của Tập đoàn Thuận An và các công ty, đơn vị liên quan để xử lý kịp thời.

Từ thực tế trên, Viện KSND tối cao kiến nghị tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động xây dựng, lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, triển khai thi công thực hiện dự án đầu tư xây dựng đúng thời hạn, đảm bảo công bằng, minh bạch trong đấu thầu.

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ và công khai kết quả hoạt động kiểm toán của các công ty kiểm toán xác nhận báo cáo tài chính và doanh thu của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.

Thuận An cải tạo quốc lộ 14E, chi "lại quả" gần 14 tỉ đồng

Trong số các dự án sai phạm liên quan đến Tập đoàn Thuận An, có dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E, thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam (cũ), do Ban Quản lý dự án 4 thuộc Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) quản lý.

Sau khi biết được thông tin về dự án, Chủ tịch Tập đoàn Thuận An Nguyễn Duy Hưng đã đến gặp và đề nghị ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Ban Quản lý dự án 4 cho tham gia thi công. Ông Huy đồng ý.

Tháng 8.2022, Bộ GTVT ban hành quyết định lựa chọn nhà thầu với 3 gói thầu của dự án nêu trên. Theo thỏa thuận giữa ông Hưng và Huy, Tập đoàn Thuận An sẽ thi công 2 gói thầu XD01 và XD02, gói còn lại được tổ chức đấu thầu theo quy định.

Thực hiện kế hoạch, ông Huy chỉ đạo cấp dưới và trao đổi với ông Vũ Hải Tùng, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng đường bộ (từ tháng 10.2022 là chi cục) ưu ái cho Thuận An khi lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán gói thầu. Trong khi đó, ông Hưng chỉ đạo nhân viên liên hệ với một số nhà thầu nhằm thành lập liên danh, phân chia các gói thầu.

Quá trình triển khai, nhân viên Tập đoàn Thuận An và Ban Quản lý dự án 4 phối hợp với nhau, xây dựng bản vẽ thiết kế, biện pháp thi công, dự toán… sao cho phù hợp với năng lực các công ty thuộc nhóm Thuận An. Mục đích để tập đoàn này chắc chắn trúng thầu.

Kết quả không nằm ngoài tính toán, Tập đoàn Thuận An cùng các công ty liên danh đã ôm trọn 2 gói thầu, với giá trị lần lượt hơn 507 tỉ đồng và hơn 429 tỉ đồng. Số tiền thiệt hại là hơn 2,3 tỉ đồng.

Đặc biệt, để cảm ơn Ban Quản lý dự án 4 và Chi cục quản lý đầu tư xây dựng đường bộ, Nguyễn Duy Hưng trực tiếp hoặc chỉ đạo nhân viên chi tiền cảm ơn 2 đơn vị này với tổng số gần 14 tỉ đồng.

Trong đó, ông Nguyễn Quang Huy nhận 7 lần với tổng số hơn 9,1 tỉ đồng, ông Vũ Hải Tùng nhận 3 lần với tổng số hơn 4,6 tỉ đồng.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao