Như Thanh Niên đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 8 người để điều tra 2 tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Cơ quan CSĐT xác định các bị can đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai, bán ra thị trường thu lợi bất chính gần 500 tỉ đồng.
Đường dây này tồn tại từ tháng 8.2021, đến thời điểm tháng 4.2025 đã thành lập đến 11 công ty, rầm rộ quảng cáo sản phẩm đạt chuẩn chất lượng quốc tế, phân phối rộng rãi ở nhiều tỉnh, thành cả nước.
Phải xem hành vi sản xuất, tiếp tay tiêu thụ sữa giả là tội ác !
Đa số bạn đọc (BĐ) đều choáng váng khi CSĐT công bố quy mô của đường dây sản xuất sữa bột giả, từ số lượng nhãn hiệu, số lượng công ty tham gia phân phối, phạm vi khách hàng, cho đến doanh thu.

Hàng ngàn hộp sữa bột giả các loại bị thu giữ để phục vụ điều tra
ẢNH: CA
Nhiều BĐ phẫn nộ gọi tên hành vi sản xuất sữa bột giả này là tội ác, khi rất nhiều nạn nhân trực tiếp là trẻ sơ sinh, người bệnh, phụ nữ có thai… "Thật đáng sợ!", BĐ Lê thốt lên. BĐ Tran Dat còn cho rằng hành vi này nguy hiểm hơn cả tội phạm ma túy: "Dứt khoát tội này phải xử nghiêm minh. Ma túy chỉ ảnh hưởng những kẻ đã sa ngã, thoái hóa. Còn tội làm giả về thực phẩm, thức uống, thuốc trị bệnh… sẽ gây hậu quả đến rất nhiều người, không chừa một ai, dắt nạn nhân đi dần dần đến cửa tử thần".
Cùng nỗi bức xúc, những thông tin đáng lo ngại về đường dây sữa bột giả nhởn nhơ tồn tại nhiều năm trời càng khiến BĐ bất an. BĐ Ngọc Lăng Nguyễn lo lắng: "Liệu còn có những công ty tương tự tồn tại ngoài thị trường nữa không?". BĐ Minh Vũ cho biết: "Thậm chí tôi còn không dám kiểm tra các loại sữa bột từng mua dùng thời gian qua vì sợ gia đình hoang mang thêm".
BĐ Q.V đề nghị: "Hành vi sản xuất hàng giả là gây hại cho sức khỏe cộng đồng. Do đó, cần xử phạt khung hình phạt cao nhất; đồng thời tịch thu toàn bộ tài sản có được từ việc sản xuất hàng giả". Tán thành, BĐ Doan nêu: "Cần tăng mức độ xử phạt cao gấp nhiều lần mới hạn chế được loại tội phạm này".
Choáng với đường dây sữa giả cho mẹ bầu, trẻ sinh non: Những sản phẩm đã được bán ra
Truy trách nhiệm quản lý
Trong tâm trạng bức xúc, BĐ Mibox1 đặt câu hỏi: "Vì sao cơ quan chức năng để sữa giả bán ra thị trường tràn lan suốt 4 năm? Đến hơn 500 nhãn hiệu sữa không được cấp phép bán suốt 4 năm không lẽ không biết?".
BĐ xoibap999 nhận xét: "Tôi thấy các công ty trong đường dây này đều gắn tên quốc tế để đánh vào tâm lý sính ngoại của không ít người dân, có cớ bán giá cao. Khâu quản lý đối với việc kinh doanh của các công ty này hẳn có vấn đề". BĐ son nguyen cũng cho rằng: "Trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường là không thể không xem xét".
BĐ Cuong Pham Phu đặt câu hỏi thêm: "Còn những nghệ sĩ, người nổi tiếng đã quảng cáo cho các nhãn sữa bột giả này thì sao?".
BĐ Tuan Duong Van cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay là các cơ quan chức năng phải nhanh chóng "điểm mặt" các sản phẩm sữa giả đã tung ra thị trường, chỉ rõ tác hại cũng như giúp người dân nhận biết. Ngoài ra, BĐ này cũng đề nghị: "Phải truy tận cùng các màn tham gia quảng cáo sữa bột giả của một số người nổi tiếng thời gian qua. Họ phải chịu trách nhiệm. Không thể cho qua chỉ bằng những lời xin lỗi".