Thủ tướng yêu cầu Hà Nội cấm xe máy xăng trong Vành đai 1 từ tháng 7.2026

Theo chỉ thị về môi trường vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành, tình trạng ô nhiễm ở một số nơi vẫn rất nghiêm trọng, đặc biệt là ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn và ô nhiễm nước tại các lưu vực sông, khu dân cư đông đúc.

Riêng tại Hà Nội, mức độ ô nhiễm không khí có thời điểm thuộc nhóm cao trên thế giới, các thông số môi trường nước sông nội thành liên tục vượt ngưỡng cho phép trong nhiều năm.

Thủ tướng yêu cầu Hà Nội cấm xe máy xăng trong Vành đai 1 từ tháng 7.2026- Ảnh 1.

Ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn như Hà Nội đã trở nên nghiêm trọng

ẢNH: NGỌC THẮNG

Để khắc phục, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, tháo gỡ các "điểm nghẽn" thể chế, ưu tiên nguồn lực giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách, xử lý nghiêm vi phạm và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số.

Đặc biệt, Thủ tướng giao Bộ Công an tăng cường nắm tình hình, rà soát các cơ sở, khu vực gây ô nhiễm trên toàn quốc để chỉ đạo kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường.

Trong quá trình xử lý, mở rộng điều tra các hành vi thiếu trách nhiệm, tham nhũng, tiêu cực của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Tập trung giải quyết triệt để ô nhiễm tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, không để xảy ra tình trạng phức tạp.

Nghiên cứu cơ chế trích kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về môi trường để tăng cường đầu tư lại cho các lực lượng chuyên trách và thưởng cho người tố giác. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số qua các kênh như đường dây nóng, Zalo, VNeID và hệ thống camera giám sát để tiếp nhận tin báo và kịp thời phát hiện vi phạm.

Hà Nội cấm xe máy xăng trong Vành đai 1 từ tháng 7.2026

Đối với UBND TP.Hà Nội, Thủ tướng yêu cầu lập, công bố đề án về vùng phát thải thấp trong quý 3/2025 và tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thực hiện vùng phát thải thấp.

Cân đối, bố trí ngân sách địa phương, huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội hóa và có lộ trình cụ thể từ nay đến năm 2030 để tập trung phát triển mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức, phủ rộng trên các tuyến, kết nối địa bàn trọng điểm, hệ thống trạm sạc, dịch vụ cho phương tiện sử dụng năng lượng sạch, ưu tiên sử dụng xe buýt điện, tàu điện. 

Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện sử dụng năng lượng sạch, doanh nghiệp phát triển hạ tầng phục vụ phương tiện sử dụng năng lượng sạch trong thực hiện chuyển đổi xanh. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch hoặc sử dụng phương tiện công cộng.

Nghiên cứu tăng lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký, cấp biển số phương tiện giao thông cơ giới, xe máy chuyên dùng, giá dịch vụ trông giữ phương tiện trong khu vực trung tâm đối với phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Xây dựng lộ trình cụ thể từ quý 3/2025 và điều chỉnh hằng năm.

Thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1.7.2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (nhiên liệu xăng dầu - PV) lưu thông trong Vành đai 1.

Từ ngày 1.1.2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.

Về xử lý nước thải, chất thải rắn, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu UBND TP.Hà Nội xây dựng đề án xử lý ô nhiễm các sông, kênh, rạch trong nội thành (quý 3/2025). Lập lộ trình đến năm 2028 di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư.

Thí điểm không sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong các nhà hàng, khách sạn, quán ăn… nằm trong Vành đai 1 (thực hiện từ quý 4/2025). Ưu tiên đầu tư các nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao, hiện đại nhằm giảm tỷ lệ chôn lấp, không để rác thải tồn đọng gây ô nhiễm.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao