Thu hồi triệt để các dự án treo trong năm 2025 là 1 trong các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được nêu tại Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2024 của Chính phủ, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp 44, sáng 24.4.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Chính phủ xác định trong năm 2025 sẽ thu hồi triệt để các dự án treo
ẢNH: GIA HÂN
Kiên quyết loại bỏ những dự án kém hiệu quả
Trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 2024, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng, tích cực. Ông dẫn chứng, thu ngân sách nhà nước năm 2024 thực hiện đạt 2,043 triệu tỉ đồng, tăng 342.700 tỉ đồng (khoảng 20,1%) so dự toán và báo cáo Quốc hội.
Công tác điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2024 được thực hiện chủ động, chặt chẽ theo dự toán, đảm bảo triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2024 theo báo cáo của bộ, ngành, địa phương là 64.014 tỉ đồng.
Về nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm nay, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Chính phủ xác định siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả;
Cùng đó, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước gắn với huy động các nguồn lực xã hội và sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Ông Thắng cũng nêu giải pháp, tăng cường quản lý, sử dụng tài sản công, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, tập trung vào việc sắp xếp, xử lý tài sản, đặc biệt là nhà, đất gắn với việc sắp xếp, tổ chức tinh gọn bộ máy.
Đẩy mạnh phân bổ, triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung rà soát, kiên quyết loại bỏ những dự án kém hiệu quả, dự án chưa thật sự cần thiết, cấp bách, ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững.
Một nhiệm vụ nữa được báo cáo Chính phủ nêu là hoàn thành sắp xếp tổ chức tinh gọn bộ máy theo đúng mục tiêu, yêu cầu đề ra gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Một số giải pháp khác cũng được nêu tại báo cáo là ưu tiên nguồn lực, trí lực, chuẩn bị nhân lực, tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, phát triển khoa học và công nghệ đồng bộ, thông suốt.
"Thu hồi triệt để các dự án treo và đẩy nhanh việc thu hồi các tài sản, đất đai nhà nước bị thất thoát, vi phạm theo các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán", ông Thắng nêu rõ.

Ủy ban Kinh tế - Tài chính cho rằng, việc lãng phí tài nguyên đất đai còn diễn ra ở nhiều nơi, đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng
ẢNH: GIA HÂN
Lãng phí tài nguyên đất đai còn diễn ra ở nhiều nơi
Thẩm tra sơ bộ, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kinh tế - Tài chính Lê Quang Mạnh cho biết, cơ quan thẩm tra đánh giá công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng, còn tồn tại tình trạng một số bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp chưa quan tâm, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; chưa phân cấp kiểm tra hiện trạng nhà, đất. Việc lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chậm.
Việc xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai không đạt tiến độ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng lãng phí, vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất như việc đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng; đất của các nông, lâm trường để hoang hóa sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… còn diễn ra ở nhiều nơi.
Việc rà soát, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước, tạo lập cơ chế phù hợp để doanh nghiệp nhà nước hoạt động có hiệu quả chậm được hoàn thiện. Tình hình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa chuyển biến tích cực.
Từ đánh giá này, cơ quan thẩm tra của Quốc hội kiến nghị đẩy mạnh công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất; rà soát, chuyển giao các cơ sở nhà, đất kém hiệu quả do các cơ quan Trung ương quản lý về cho địa phương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng đó, quản lý chặt chẽ, có phương án xử lý tình trạng để hoang hóa, lãng phí nhà ở công vụ, công trình phúc lợi công cộng. Có kế hoạch tổng thể về quản lý, sử dụng hiệu quả trụ sở làm việc sau tinh gọn tổ chức bộ máy để bố trí cho các công trình phúc lợi công cộng, cơ sở khám, chữa bệnh, trạm y tế xã, phường tại một số địa phương hoặc có phương án khai thác, sử dụng hiệu quả, kịp thời.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị đẩy mạnh xử lý tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa đất của các nông lâm trường, các dự án bị dừng thực hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.