Nằm cách bờ biển Phan Thiết khoảng 56 hải lý, đảo Phú Quý có diện tích chỉ khoảng 18 km² nhưng dân số lên tới hơn 32.000 người. Do đó, nước ngọt trở thành vấn đề sống còn. Việc khai thác nước ngầm liên tục trong nhiều năm qua, kết hợp với quá trình bê tông hóa đường sá, khiến lượng nước ngầm ngày càng cạn kiệt. Bề mặt bê tông cũng làm gia tăng tình trạng nước mưa không thể thẩm thấu vào lòng đất mà trôi thẳng ra biển, gây lãng phí nguồn nước tự nhiên quý giá.
Hiện trên đảo có 2 hồ chứa nước ngọt lớn nhưng vào mùa khô, nước phục vụ sinh hoạt và nông nghiệp thường xuyên khan hiếm. Chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều biện pháp bảo vệ nguồn nước ngầm như hạn chế người dân tự ý khoan giếng và khuyến khích xây dựng hệ thống bể chứa nước mưa tại nhà. Dù vậy, tình trạng thiếu nước ngọt vẫn luôn ở mức "cảnh báo đỏ", đặc biệt vào mùa du lịch cao điểm từ tháng 4 đến tháng 7.
Điều này chứng minh qua các con số: năm 2024, Phú Quý đón gần 155.000 lượt khách, trong đó có khoảng 3.200 lượt khách quốc tế, tuy giảm nhẹ so với năm 2023 (166.500 lượt), nhưng số lượng cơ sở lưu trú như khách sạn, nhà nghỉ, homestay ngày càng tăng (hiện có khoảng 70 khách sạn và 100 nhà nghỉ, homestay), gây thêm áp lực lên hệ thống hạ tầng, nhất là về điện và nước.
Bên cạnh đó, rác thải - đặc biệt là rác thải nhựa - cũng là vấn đề nhức nhối. Dù đã có nhà máy xử lý rác trên đảo nhưng phương pháp chủ yếu vẫn là đốt hoặc chôn lấp, chưa thể xử lý hiệu quả rác nhựa không phân hủy.
Những thực trạng trên đặt ra mối nguy lớn cho hệ sinh thái và môi trường biển quanh đảo. Đến nay, các giải pháp vẫn còn chậm trễ và thiếu tính đột phá. Do đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước - không chỉ để bảo đảm cuộc sống của người dân, mà còn để hướng tới sự phát triển bền vững cho đảo Phú Quý trong tương lai.