Vào một buổi trưa nắng ngày tết Chôl Chnăm Thmây, chúng tôi đến thăm chùa Chantarangsay (ở Q.3, TP.HCM).
Tại đây, các tượng Phật lớn nhỏ được đặt trang nghiêm, cùng với cờ Phật phấp phới trong gió. Tiếng tụng kinh vang vọng khắp không gian, người dân thành kính dâng hoa tươi lên Phật, tạo nên một không khí thanh tịnh và trang nghiêm.

Người dân đến dự lễ tắm Phật tại chùa Chantarangsay (Q.3, TP.HCM), ngày 16.6
ẢNH: UYỂN NHI
Nét văn hóa Khmer độc đáo giữa lòng phố thị TP.HCM
Chôl Chnăm Thmây, theo nghĩa là "vào" (Chôl) và "năm mới" (Chnăm Thmây), là lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer.
Trong 3 ngày tết cổ truyền, ngoài các nghi thức Phật giáo, đồng bào Khmer cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật như ca hát, nhảy múa các bài hát truyền thống, tắm Phật, cúng cầu an, cầu siêu…
Anh Khương (29 tuổi, ở TP.HCM), dân tộc Khmer chia sẻ: "Tôi đến chùa Chantarangsay từ sáng sớm. Tết Chôl Chnăm Thmây cũng giống như Tết Nguyên đán của người Kinh, mọi người chúc nhau bình an, tặng quà, lì xì. Đây là dịp để các gia đình sum vầy, thể hiện lòng biết ơn đối với Phật và tổ tiên, đồng thời cầu mong năm mới an lành và thịnh vượng".




Tết Chôl Chnăm Thmây thường diễn ra giữa tháng 4 dương lịch
ẢNH: UYỂN NHI
Hỏi về lý do tại sao mọi người lại buộc chỉ đỏ vào tay? Anh Khương giải thích, chỉ đỏ là biểu tượng của hy vọng năm mới mang lại may mắn và bình an.
Ngoài ra, cúng dường cho Đức Phật với hoa tươi và nến thể hiện niềm tin rằng kiếp sau sẽ được xinh đẹp và tỏa hương thơm. Dùng nước suối tắm cho Phật tượng trưng cho sự tinh khiết và trong sạch.

Đồng bào Khmer thường dâng hoa tươi lên tượng Phật
ẢNH: UYỂN NHI
Theo người dân ở đây, tết Chôl Chnăm Thmây thường được tổ chức giữa tháng 4 dương lịch (tương đương với tháng 3 âm lịch). Năm nay, lễ hội bắt đầu từ ngày 14.4 và kết thúc vào 16.4.
Ngày tết đầu tiên (gọi là Sang-kran), đánh dấu thời khắc giao thừa quan trọng. Không giống như Tết Nguyên đán hay tết dương lịch, giao thừa vào lúc 0 giờ 0 phút; giao thừa của người Khmer là thời khắc một vị chư thiên xuống trần gian. Lúc này, người Khmer chuẩn bị mâm ngũ quả, nhang đèn và lễ vật để vào chùa làm lễ, diễu hành xung quanh chánh điện với hy vọng nhận được phước lành trong năm mới.
Thời khắc giao thừa mỗi năm sẽ khác nhau, được tính theo chu kỳ mặt trăng. Năm nay, giao thừa diễn ra lúc 4 giờ 48, sáng 14.4.

Người dân chuẩn bị làm lễ tắm Phật
ẢNH: UYỂN NHI
Ngày thứ hai (gọi là Wana-bot), người dân mang thực phẩm đến dâng cho chư tăng. Các nhà sư sẽ làm lễ tạ ơn, cầu mong cuộc sống ấm no. Buổi chiều, sẽ có lễ đắp núi cát trong khuôn viên chùa để cầu phúc lành cho mọi người.

Chùa Chantarangsay thành lập vào năm 1946
ẢNH: UYỂN NHI
Ngày cuối cùng (gọi là Lon-sătk, tức là lễ tắm Phật). Các nhà sư sử dụng các cành hoa vẫy những giọt nước tinh khiết, có ướp hương hoa thơm ngát lên tượng Phật.

Tết Chôl Chnăm Thmây còn có nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật như ca hát, cầu an, cầu siêu...
ẢNH: UYỂN NHI
Theo Hòa thượng Danh Lung, trụ trì chùa Chantarangsay, lễ tắm Phật có ý nghĩa tẩy sạch bụi bẩn và phiền não, rửa sạch xui xẻo. Đây cũng là ngày chư thiên chính thức nhận nhiệm vụ năm mới, cầu mong oai lực của chư thiên và tam bảo giúp mọi người được an yên, hạnh phúc, công việc hanh thông, tai qua nạn khỏi và mùa màng bội thu.
Hòa thượng Danh Lung cho biết thêm, tết Chôl Chnăm Thmây không chỉ cầu mong năm mới an khang, thịnh vượng mà còn đánh dấu thời điểm kết thúc mùa nắng hạn và mở ra mùa mưa, chuẩn bị cho vụ mùa tới.
Tết Chôl Chnăm Thmây không chỉ đơn thuần là một dịp lễ đón năm mới của cộng đồng Khmer, mà còn là dịp để TP.HCM tôn vinh và giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống quý báu giữa lòng thành phố hiện đại.




Từ sáng sớm đã có rất đông người dân đến chùa để đón tết Chôl Chnăm Thmây
ẢNH: UYỂN NHI
Chùa Chantarangsay (Q.3, TP.HCM) thành lập vào năm 1946. Đây là ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer đầu tiên được xây dựng tại vùng Sài Gòn - Gia Định khi xưa.
Chùa có kiến trúc rộng khoảng 4.500 mét vuông, đã qua 7 lần trùng tu. Nơi đây không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh mà còn là điểm đến văn hóa của cộng đồng người Khmer trong suốt nhiều năm qua.