Hơn 1 tháng qua, Metro số 1 vẫn giữ được sức hút bởi đây là tuyến tàu điện đầu tiên của TP.HCM sau gần 20 năm chờ đợi. Nhiều người háo hức muốn trải nghiệm phương tiện giao thông văn minh như các nước phát triển, dù loại hình này đã có mặt trên thế giới khoảng 160 năm. Cũng có nhiều người thấy phù hợp cung đường đi làm, đi học nên sử dụng làm phương tiện đi lại hằng ngày. Liệt kê vậy để thấy hành khách đi tàu metro rất đa dạng, trình độ, lối sống, cách nghĩ khác nhau.
Những hành vi xấu xí như đu dây vịn, ăn uống trên tàu hay tranh giành ghế chỉ là cá biệt nhưng đang làm xấu đi hình ảnh của một phương tiện đi lại văn minh. Sẽ luôn có lý do để bào chữa cho những sai lầm, dù là bộc phát nhất thời hay là bản tính tùy tiện cố hữu. Nhưng rõ ràng, những hành vi phản cảm đó cần phải được ngăn chặn. Khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng thì phải tuân thủ nội quy chung, không phải cứ bỏ tiền mua vé muốn làm gì thì làm kiểu bất cần.
Xa hơn là câu chuyện văn hóa giao thông. Nhiều người chạy xe trên đường, chỉ không vừa ý là chửi thề, buông lời sắc mỏng dành cho đối phương, dù người nghe rõ nhất lại là chính mình. Có người không giữ được kiềm chế, vung tay vung chân để rồi nhận cái kết đắng, vướng vào vòng lao lý, cuối cùng phải nói lời ân hận muộn màng.
Sẽ có người đổ lỗi do hạ tầng, đó chỉ là sự bao biện. Bởi lẽ, văn hóa giao thông là cách ứng xử của mỗi người trên cơ sở tuân thủ luật lệ chung của xã hội. Đường rộng mà đi ẩu thì vẫn gây họa như thường. Đơn cử như trên cao tốc, nhiều tài xế dừng đỗ bất chấp, vượt ẩu, thậm chí đi lùi dù bản thân họ đều nhận thức được hành vi đó là sai. Biết sai mà vẫn vi phạm thì không có hạ tầng nào cứu chữa được.
Với hệ thống camera hành trình trên xe, trên đường và gắn ở nhà dân, những lối hành xử kém văn hóa sớm muộn cũng sẽ bị cộng đồng lên án, cơ quan chức năng xử phạt.