Chiều 16.4, tiếp tục phiên họp 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm viện KSND khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc liên quan lợi ích công.
Tại dự thảo nghị quyết, Viện KSND tối cao đề nghị 2 trường hợp viện kiểm sát khởi kiện. Một là qua tiếp nhận các nguồn thông tin và đã tiến hành kiểm tra, xác minh, viện kiểm sát xác định hành vi xâm phạm quyền dân sự của các chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương hoặc liên quan đến lợi ích công. Sau khi đã thông báo cho các chủ thể có liên quan và kiến nghị thực hiện quyền khởi kiện nhưng không có chủ thể nào khởi kiện thì viện kiểm sát khởi kiện.
Hai là trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc theo thẩm quyền, viện kiểm sát phát hiện hành vi xâm phạm quyền dân sự của các chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương hoặc lợi ích công nhưng không thể giải quyết trong cùng vụ án, vụ việc đó. Sau khi đã thông báo cho các chủ thể có liên quan và kiến nghị thực hiện quyền khởi kiện nhưng không có chủ thể nào khởi kiện thì viện kiểm sát khởi kiện.
Theo dự kiến, nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2026 và được thực hiện trong 3 năm tại 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Đắk Lắk.
Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tán thành với các đề nghị cần xin ý kiến Bộ Chính trị về việc thí điểm tại 6 tỉnh, thành phố nói trên cơ chế viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự. Theo Chủ tịch Quốc hội, kết luận của Bộ Chính trị cho thí điểm tại 6 tỉnh, thành, nhưng hiện nay 6 tỉnh, thành này đã thay đổi khi tiến hành sắp xếp lại đơn vị hành chính. Do đó, khi tên gọi và phạm vi áp dụng thay đổi so với kết luận trước đó, cần thiết phải xin ý kiến Bộ Chính trị.
Cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng, quy định cụ thể phạm vi, đối tượng, lĩnh vực áp dụng, ví dụ như vấn đề môi trường, an toàn thực phẩm, quyền của người chưa thành niên, trình tự khởi kiện và cơ chế phối hợp với tòa án… Theo Chủ tịch Quốc hội, một điểm quan trọng khác là chuẩn bị nguồn nhân lực để thực hiện. Cụ thể là phải tăng cường đào tạo về kỹ năng khởi kiện, thu thập chứng cứ và tham gia tố tụng dân sự của kiểm sát viên. Kế đó là vấn đề phân bổ ngân sách làm sao đảm bảo cho việc thí điểm này.
Ngoài ra, cần lưu tâm thiết lập cơ chế giám sát. "Viện kiểm sát cần phối hợp với các cơ quan có liên quan thành lập ban chỉ đạo hoặc tổ công tác giám sát đánh giá việc thí điểm này một cách thường xuyên để đảm bảo tính minh bạch và khách quan", Chủ tịch Quốc hội nêu.