Ai chịu trách nhiệm lãng phí tại Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2?

Bệnh viện "đắp chiếu", trách nhiệm thuộc về ai?

Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 được Bộ Y tế phê duyệt và quyết định đầu tư với tổng mức đầu tư 9.985 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 9.000 tỉ đồng, quy mô mỗi dự án 1.000 giường bệnh.

Ban đầu, thời gian thực hiện dự án là từ năm 2014 - 2017, sau đó Bộ Y tế quyết định gia hạn đến hết năm 2020, năm 2023 rồi lại hết năm 2024.

Tính đến tháng 12.2022, 2 dự án đã được giao 9.000 tỉ đồng vốn ngân sách, đã giải ngân 5.082 tỉ đồng. Trong đó, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 đã giải ngân lũy kế 2.575 tỉ đồng và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 là 2.507 tỉ đồng.

Cả 2 dự án được khởi công đầu năm 2015, đến hết năm 2017 cơ bản hoàn thành phần xây dựng. Do gặp vướng mắc, nhà thầu đã dừng thực hiện từ tháng 1.2021 đến nay.

 - Ảnh 1.

Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 "đắp chiếu" nhiều năm nay, gây lãng phí lớn

ẢNH: PHÚC BÌNH

Sau nhiều năm "đắp chiếu", Thanh tra Chính phủ xác định giá trị lãng phí mà 2 dự án gây ra lên tới hơn 1.200 tỉ đồng. Số này gồm: hơn 253 tỉ đồng do phát sinh chi phí từ việc dừng thi công, hơn 217 tỉ đồng chưa được trích khấu hao, hơn 760 tỉ đồng do nguồn vốn được cấp nhưng không sử dụng hết…

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Cường cho hay, hình ảnh 2 bệnh viện to lớn, sừng sững được đầu tư cả chục nghìn tỉ đồng nhưng "để cỏ mọc um tùm" đã gây xót xa trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là điển hình của sự lãng phí trong đầu tư công.

Để xảy ra vi phạm dẫn tới lãng phí như trên, có trách nhiệm rất lớn của lãnh đạo, cán bộ thuộc Bộ Y tế tại thời kỳ triển khai 2 dự án.

Theo danh sách được Thanh tra Chính phủ liệt kê tại phụ lục kèm theo kết luận thanh tra, gần 30 cán bộ có trách nhiệm liên quan đến 2 dự án.

Trong số này có bà Nguyễn Thị Kim Tiến, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, là người trực tiếp ký các quyết định liên quan tới 2 dự án từ năm 2013 - 2017. Ông Nguyễn Viết Tiến, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế, phụ trách lĩnh vực xây dựng cơ bản từ tháng 11.2018 đến tháng 8.2019, phụ trách Ban Quản lý dự án chuyên ngành xây dựng công trình y tế từ tháng 12.2016 đến tháng 8.2019. Ông Nguyễn Trường Sơn, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế, phụ trách Ban Quản lý dự án chuyên ngành xây dựng công trình y tế từ tháng 3.2021.

Ngoài ra, còn có ông Nguyễn Minh Tuấn, cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế), từ năm 2011 đến tháng 11.2021. Ông Nguyễn Chiến Thắng, Nguyễn Hữu Tuấn và Nguyễn Trường Sơn, các cựu Giám đốc Ban quản lý dự án y tế trọng điểm, kiêm nhiệm trong giai đoạn 2014 - 2022…

Bộ trưởng Y tế kết luận trái quy định

Thanh tra Chính phủ chỉ ra 3 nhóm vi phạm lớn xảy ra tại dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2. Trách nhiệm thuộc về Bộ Y tế, bộ trưởng, thứ trưởng phụ trách; Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, vụ trưởng, vụ phó phụ trách; Ban quản lý dự án y tế trọng điểm, giám đốc và phó giám đốc phụ trách (theo từng thời kỳ).

 - Ảnh 2.

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Cường đánh giá, dự án Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 là điển hình của sự lãng phí trong đầu tư công

ẢNH: PHÚC BÌNH

Nhóm thứ nhất là trình, phê duyệt chủ trương thuê tư vấn nước ngoài, lập phương án thiết kế kiến trúc, lập dự án đầu tư. Cơ quan thanh tra xác định có hành vi cố ý trình, phê duyệt chủ trương thuê tư vấn nước ngoài lập dự án đầu tư khi chưa làm rõ về khả năng đáp ứng của đơn vị tư vấn trong nước, không chứng minh được tính cần thiết phải thuê tư vấn nước ngoài.

Tại thông báo số 417/TB-BYT ngày 9.5.2014, Bộ trưởng Bộ Y tế kết luận có nội dung trái quy định của luật Đấu thầu, khi xác định rõ Công ty VK Group (là đơn vị tư vấn nước ngoài) phải lập xong dự án đầu tư dù chưa triển khai các bước lựa chọn nhà thầu.

Đồng thời, có sự sai khác giữa đơn vị tư vấn được trình (Công ty VK Architects and Engineers) và đơn vị tư vấn lập phương án thiết kế kiến trúc (Công ty VK Group). Cạnh đó, việc lập, thẩm tra chi phí thuê tư vấn nước ngoài lập dự án trong dự toán chi phí chuẩn bị đầu tư không có cơ sở, cao hơn nhiều lần tính theo định mức quy định.

Nhóm thứ hai là lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư. Thanh tra Chính phủ kết luận công tác này thiếu nội dung theo quy định, một số hạn chế dẫn đến phải thay đổi, điều chỉnh ngay sau khi ký kết hợp đồng. Đặc biệt, việc xác định một số chi phí trong tổng mức đầu tư không chính xác, dẫn đến làm tăng tổng mức đầu tư hơn 503 tỉ đồng, có nguy cơ gây lãng phí.

Nhóm thứ ba là tổ chức thực hiện một số gói thầu. Tại 4 gói thầu tư vấn (TV4/2014, TV5/2014, TVBM-04, TVVĐ-04), Thanh tra Chính phủ nhận thấy có hành vi cố ý vi phạm quy định về đấu thầu, xây dựng trong việc trình, phê duyệt chủ trương thuê tư vấn nước ngoài lập dự án; tổ chức chỉ định thầu tư vấn lập dự án, tư vấn thiết kế kiến trúc với nhiều nội dung trái pháp luật.

2 gói thầu hỗn hợp (XDBM-01, XDVĐ-01) cũng có nhiều vi phạm về đấu thầu, xây dựng, xảy ra trong tất cả các khâu lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, thương thảo ký kết, thực hiện hợp đồng.

Điển hình như hợp đồng không quy định về nguyên tắc, thời gian, trình tự, phạm vi, phương pháp và căn cứ điều chỉnh giá hợp đồng… dẫn đến không xác định được khối lượng phát sinh; nhiều hạng mục đã thi công hoàn thiện nhưng không ký được phụ lục hợp đồng làm cơ sở thanh toán cho nhà thầu, không điều chỉnh được giá hợp đồng.

Đây là nguyên nhân chính dẫn đến 2 dự án dừng thi công, không thể triển khai từ tháng 1.2021 đến nay.

Vẫn theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, vi phạm còn xảy ra đối với gói thầu mua sắm TBYT BM-01. Đặc biệt là dấu hiệu vi phạm hành vi bị cấm trong đấu thầu, giá một số thiết bị trong hợp đồng cao hơn nhiều lần giá thiết bị nhập khẩu sau thuế, có nguy cơ gây thiệt hại ngân sách…

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao