Mặt cỏ sân V-League và nỗi ám ảnh chấn thương

ĐƯỢC ĐẦU TƯ HÀNG CHỤC TỈ ĐỒNG…

Kể từ đầu lượt về V-League 2024 - 2025, CLB Đà Nẵng tạm thuê sân Tam Kỳ của CLB Quảng Nam làm sân nhà, trong lúc chờ sân Hòa Xuân được nâng cấp. Trước đó, đội Quảng Nam cũng đã đá sân nhà ở Hòa Xuân vắt qua 2 mùa giải trong lúc chờ tỉnh Quảng Nam đại tu sân Tam Kỳ (sân này đã xuống cấp trầm trọng). Tháng 2 vừa qua, Ban tổ chức giải thuộc Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) đã yêu cầu BTC sân Hà Tĩnh phải nâng cấp, cải tạo lại mặt cỏ sau những phàn nàn của các đội khách. Là đơn vị được Liên đoàn Bóng đá VN giao trách nhiệm tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp tại VN, thời gian qua VPF đã có những động thái rất quyết liệt về vấn đề sân bãi, yêu cầu một loạt CLB phải xúc tiến việc chăm sóc mặt cỏ một cách bài bản, chuyên nghiệp. Trong đó có CLB SLNA, Hà Tĩnh, Bình Định, Khánh Hòa…

Mặt cỏ sân V-League và nỗi ám ảnh chấn thương- Ảnh 1.

Sân Mỹ Đình xấu một cách “thảm thương” vào thời điểm hiện tại

ẢNH: CHÍ ĐẠT

Nhiều sân bóng tại VN cũng đã được đầu tư để nâng chất lượng mặt cỏ, như sân Thống Nhất (TP.HCM) thay mặt cỏ gần 7 tỉ đồng năm 2019, sân Bà Rịa (Bà Rịa-Vũng Tàu) đại tu vào năm 2018 với số tiền gần 50 tỉ đồng; sân Hà Tĩnh được chi 51 tỉ đồng... Đến năm 2021, sân Lạch Tray (Hải Phòng) được đầu tư 50 tỉ đồng để nâng cấp; sân Quy Nhơn (Bình Định) được chi 15 tỉ đồng; sân Vinh (Nghệ An) được chi 24 tỉ đồng; sân Thanh Hóa được đầu tư 12 - 15 tỉ đồng… Hình ảnh bóng đá VN như được lột xác. Người hâm mộ có thể hứng thú theo dõi các trận đấu trên mặt cỏ xanh mướt được cắt tỉa phẳng phiu, thay vì những "bãi chọi trâu" đầy ngao ngán trước đó. Nhờ vậy, các giải bóng đá chuyên nghiệp VN đã thu hút được sự quan tâm của khán giả, nói cách khác là bán "được giá" hơn, khi năm 2023 giá trị bản quyền truyền hình V-League đã tăng cả chục lần.

NHƯNG…

Tình trạng sân cỏ xuống cấp sau khi được đầu tư cải tạo, lại đang trở thành một vấn đề cực kỳ nan giải, khiến VPF rất đau đầu. Việc chăm sóc mặt sân - vì nhiều lý do khác nhau - đã không được duy trì một cách thường xuyên. Việc sân Hà Tĩnh mới đây bị VPF "tuýt còi" một phần đến từ việc chăm sóc thiếu liên tục. Điều này trái ngược hoàn toàn với sân Bà Rịa luôn đẹp nhờ lịch chăm sóc, bảo dưỡng nghiêm ngặt, đến mức CLB Bà Rịa-Vũng Tàu ở hạng nhất muốn tập cũng phải đăng ký và chờ lên lịch kỹ càng.

Cộng với các điều kiện khách quan khác như thời tiết khắc nghiệt, nhiều sân đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Chất lượng mặt sân xấu xí đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng trận đấu và nguy hại hơn đã gây ra chấn thương nặng cho cầu thủ, mà trường hợp trung vệ Phạm Lý Đức của CLB HAGL bị chấn thương ở tứ kết Cúp quốc gia ngày 30.3 trên sân Mỹ Đình là "nạn nhân" mới nhất.

Cũng do hoàn cảnh đặc thù nên việc CLB ở VN có sân riêng là rất hiếm hoi. Đại đa số sân bóng phục vụ hệ thống thi đấu chuyên nghiệp tại nước ta (gồm V-League, hạng nhất, Cúp quốc gia) vẫn thuộc sự quản lý của các đơn vị nhà nước. Các CLB có muốn sửa sang chỗ này xuống cấp, chỗ kia hư hại đều gặp những rào cản không nhỏ vì cơ chế và hàng loạt thủ tục hành chính phức tạp.

Ngày 1.4, VPF có công văn yêu cầu CLB Thể Công Viettel phối hợp với đơn vị quản lý sân Mỹ Đình "tạm dừng tất cả các hoạt động trên khu vực mặt sân; tăng cường tối đa các biện pháp chăm sóc, bảo dưỡng mặt cỏ, đảm bảo chất lượng" để BTC giải kiểm tra ngày 3.4, chuẩn bị cho vòng 17 V-League. Tuy nhiên, sân Mỹ Đình vẫn tổ chức sự kiện khác không phải bóng đá vào chiều 1.4.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao