Giao tranh tại CHDC Congo leo thang căng thẳng khi đã có hơn 700 người chết ở thành phố Goma và các khu vực lân cận trong tuần trước, trong bối cảnh nhóm vũ trang đối lập M23 đã kiểm soát được Goma.
Chính quyền CHDC Congo cho hay ít nhất 773 người thiệt mạng và hơn 2.800 người bị thương, nhấn mạnh con số này có thể gia tăng. Nhiều thi thể nằm rải rác trên đường phố do các nhà xác quá tải, AFP đưa tin ngày 1.2.
Sau khi chiếm giữ Goma, nhóm M23 do người Tutsi lãnh đạo tiếp tục tiến quân về phía Bukavu nhưng bị quân đội Congo cùng lực lượng hỗ trợ từ Burundi chặn lại vào ngày 31.1. M23 tuyên bố sẽ tiến về thủ đô Kinshasa của CHDC Congo.
M23 là gì?
Nhóm M23 hay March 23 Movement (phong trào ngày 23 tháng 3), là một trong số hơn 100 nhóm vũ trang đối lập chống lại quân đội chính quy của CHDC Congo và đang tiến hành các cuộc giao tranh tại miền đông nước này. Theo dữ liệu của Liên Hiệp Quốc, M23 có hơn 8.000 thành viên, hiện diện tại các khu vực giáp biên giới với Rwanda và Uganda ở tỉnh Bắc Kivu (CHDC Congo).
Tên của nhóm được dựa theo ngày 23.3.2009, khi nhóm đối lập CNDP của người Tutsi và chính quyền CHDC Congo ký hiệp định nhằm chấm dứt giao tranh tại miền đông do người Tutsi dẫn đầu. M23 được thành lập vào năm 2012 sau khi CNDP cáo buộc chính phủ không thực hiện thỏa thuận, bao gồm các điều khoản đưa người Tutsi vào lực lượng vũ trang, bảo vệ các nhóm thiểu số và phân bổ nguồn tài nguyên đồng đều, theo The Guardian.
Hoạt động của M23
M23 cho biết mục tiêu của nhóm là đảm bảo lợi ích của người Tutsi tại CHDC Congo và các dân tộc thiểu số khác. Trong năm 2022, nhóm này đã phát động tấn công Bắc Kivu chống lại quân đội chính quy. Vào năm ngoái, nhóm vũ trang đã kiểm soát thị trấn Rubaya, nơi có các mỏ khai thác coltan quan trọng (một kim loại dùng để sản xuất bo mạch điện tử cho những thiết bị công nghệ). Hoạt động sản xuất và xuất khẩu coltan giúp CHDC Congo thu được 800.000 USD mỗi tháng.
Vào tháng 1, M23 tiếp tục có các cuộc tiến công và dần kiểm soát thêm nhiều khu vực, gồm các thị trấn Katale, Masisi, Minova, Sake và giờ đây là thành phố Goma, thủ phủ của Bắc Kivu.
Nhân tố Rwanda
Liên Hiệp Quốc, CHDC Congo, Mỹ và nhiều quốc gia khác cáo buộc Rwanda hỗ trợ nhóm M23 trong các cuộc xung đột tại CHDC Congo, điều mà quốc gia láng giềng này bác bỏ. Hồi năm 2022, các chuyên gia Liên Hiệp Quốc nói rằng họ có "bằng chứng chắc chắn" rằng binh lính Rwanda đã hợp tác với M23. Báo cáo hồi năm ngoái của Liên Hiệp Quốc khẳng định có khoảng 3.000 - 4.000 binh sĩ quân đội Rwanda hoạt động cùng M23 tại CHDC Congo.
Phản ứng của khu vực
Rwanda hôm 2.2 hoan nghênh lời kêu gọi triệu tập hội nghị thượng đỉnh khu vực châu Phi nhằm thảo luận về khủng hoảng tại CHDC Congo.
Cộng đồng Phát triển vùng Nam Phi (SADC) gồm 16 quốc gia hôm 31.1 đã kêu gọi tổ chức hội nghị chung với Cộng đồng Đông Phi (EAC) gồm 8 quốc gia để thảo luận về hướng đi tiếp theo cho tình hình CHDC Congo, sau khi có thông tin các binh sĩ nước ngoài thiệt mạng trong xung đột đang diễn ra.
Đã có ít nhất 13 công dân Nam Phi, 3 người Malawi, 2 người Tanzania và 1 người Uruguay thiệt mạng khi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại CHDC Congo. Có khoảng 11.000 thành viên gìn giữ hòa bình hiện diện tại CHDC Congo như một phần thuộc phái bộ Liên Hiệp Quốc tại nước này.
Ảnh hưởng nhân đạo
Bạo lực tại miền đông CHDC Congo đã làm trầm trọng thêm vấn đề nhân đạo, khi 6 triệu người đã phải di tản do xung đột. Ngoài ra, các vụ hành quyết và bạo lực tình dục cũng diễn ra trong các cuộc giao tranh gần đây.
Việc M23 kiểm soát Goma vấn đề thêm khó khăn khi thành phố này là trung tâm cho các công tác hỗ trợ nhân đạo.