Phán quyết này dựa trên sắc lệnh của tổng thống Nga hồi năm ngoái đưa Taliban ra khỏi danh sách những tổ chức và lực lượng bị Nga coi là khủng bố, mở đường cho chính phủ Nga ký kết những thỏa thuận hợp tác với chính thể Taliban ở Afghanistan.

Đại sứ Nga tại Afghanistan Dmitry Zhirnov (trái) gặp lãnh đạo Bộ Ngoại giao Afghanistan Khan Muttaqi tại Kabul.
Ảnh: AFP
Động thái mới nói trên của Moscow tuy chưa phải là sự công nhận ngoại giao chính thức đối với Taliban nhưng vẫn có tác động rất quan trọng đối với chính thể này về chính trị, pháp lý quốc tế và tâm lý. Kể từ khi trở lại cầm quyền ở Afghanistan năm 2021 đến nay, Taliban gần như chưa cải thiện được mối quan hệ với các quốc gia phương Tây và mới chỉ thiết lập được quan hệ hợp tác không chính thức với một vài quốc gia trong khu vực láng giềng xung quanh, đặc biệt với Trung Quốc. Và bây giờ có thêm triển vọng mới với Nga.
Từ năm ngoái, Moscow đã chủ động điều chỉnh chính sách theo hướng coi Taliban là đối tác, tức là thay đổi rất cơ bản so với trước. Một số thỏa thuận hợp tác đã được phía Nga ký kết gián tiếp với Taliban. Có hai nguyên do chính cho sự điều chỉnh chính sách này của Nga.
Thứ nhất, sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan đã hình thành khoảng trống về chính trị an ninh ở Afghanistan. Không ít đối tác bên ngoài muốn bù lấp khoảng trống ấy. Moscow cũng muốn có phần, nên phải gây dựng quan hệ với Taliban. Và nếu muốn vậy, Moscow phải không còn xem Taliban là khủng bố cũng như không thể tiếp tục cấm Taliban ở Nga. Thứ hai, bản thân Nga hiện đối địch quyết liệt với khối phương Tây nên cần đồng minh và đối tác, nên phải phân rẽ các nước trên thế giới với phương Tây, đặc biệt những nước láng giềng xung quanh Nga.