Ăn ngon - ăn khỏe: Cách chế biến gà ác hầm thuốc bắc bổ dưỡng

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Bay, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3 chia sẻ, trong bối cảnh ngày càng nhiều người quan tâm đến các phương pháp dưỡng sinh an toàn, bền vững, gà ác hầm thuốc bắc nổi bật như một lựa chọn kết hợp hài hòa giữa lý luận đông y và căn cứ khoa học của dinh dưỡng hiện đại.

Gà ác - vị thuốc bổ khí huyết

Theo y học cổ truyền, thịt gà ác vị ngọt, tính bình, quy vào kinh tỳ, can, thận. Đây là vị thuốc có tác dụng bổ khí huyết, dưỡng âm, kiện tỳ ích vị, ích tinh tủy, thích hợp với các chứng hư nhược, thiếu máu, khí hư, mệt mỏi kéo dài, đặc biệt là sau bệnh nặng, sau phẫu thuật hoặc đối với người cao tuổi, phụ nữ sau sinh.

Ăn ngon-Ăn khỏe: Cách chế biến gà ác hầm thuốc bắc vừa ngon vừa bổ dưỡng - Ảnh 1.

Gà ác hầm thuốc bắc không chỉ là một thực phẩm bồi bổ mà còn là một liệu pháp dưỡng sinh tích hợp

Ảnh: AI

Theo y học hiện đại, gà ác chứa 18-20 g protein/100 g thịt, cung cấp đầy đủ các axit amin thiết yếu như lysine, leucine, isoleucine. Thịt gà ác cũng có hàm lượng sắt, kẽm, canxi, photpho cao, đồng thời chứa các hoạt chất sinh học như carnosine, anserine có khả năng chống oxy hóa, bảo vệ thần kinh và tim mạch. Với lượng chất béo thấp và cholesterol thấp hơn so với gà thường, gà ác đặc biệt phù hợp với người cần phục hồi thể lực mà vẫn kiểm soát chuyển hóa tốt.

Các vị thuốc phối hợp

Để phát huy tối đa công dụng bồi bổ khí huyết, món ăn sử dụng phối hợp một số dược liệu kinh điển trong đông y. Mỗi vị có tác dụng riêng biệt, đồng thời hỗ trợ nhau trong điều hòa âm dương, dưỡng huyết, kiện tỳ, bổ can thận:

Thục địa (12-16 g): Vị ngọt, tính ôn, quy kinh can và thận, có tác dụng tư âm bổ huyết, dưỡng tinh. Đây là thành phần trọng yếu trong các bài thuốc bổ huyết. Thục địa chứa iridoid glycosides - nhóm hoạt chất được chứng minh có khả năng tăng sinh tế bào máu, chống viêm và hạ đường huyết nhẹ.

Đảng sâm (12 g): Có tác dụng bổ khí, kiện tỳ, hỗ trợ tiêu hóa, dùng thay nhân sâm trong nhiều trường hợp suy nhược nhẹ. Đảng sâm giàu saponin và polysaccharide - các chất có vai trò điều hòa miễn dịch và tăng sức đề kháng tự nhiên của cơ thể.

Đương quy (quy thân) (10 g): Là vị thuốc điển hình trong các bài bổ huyết, dưỡng huyết, hoạt huyết, đặc biệt phù hợp với phụ nữ khí huyết hư hoặc người bệnh mạn tính thiếu máu. Đương quy chứa ferulic axit - hoạt chất hỗ trợ tuần hoàn máu, tăng lưu lượng máu ngoại vi và bảo vệ mạch máu.

Bạch thược (8 g): Vị chua, đắng, tính hơi hàn, quy kinh can và tỳ, có tác dụng dưỡng huyết, nhu can, chỉ thống. Khi phối hợp với đương quy, bạch thược giúp điều hòa can khí, giảm co cứng cơ, ổn định huyết áp nhẹ và hỗ trợ cải thiện tình trạng đau cơ khớp do huyết hư. Thành phần chính là paeoniflorin - chất có tác dụng an thần, chống co thắt và chống viêm.

Câu kỷ tử (8-10 g): Vị ngọt, tính bình, quy kinh can và thận, có tác dụng bổ can thận, dưỡng tinh huyết, sáng mắt. Theo y học hiện đại, kỷ tử chứa polysaccharide, betaine, zeaxanthin - các chất giúp tăng miễn dịch, chống oxy hóa và bảo vệ võng mạc.

Táo đỏ (táo tàu) (4-6 quả): Có vị ngọt, tính ôn, tác dụng bổ trung ích khí, dưỡng tỳ vị, an thần. Táo đỏ giàu vitamin C, flavonoid, giúp làm dịu thần kinh, điều hòa tiêu hóa và hỗ trợ tăng hấp thu dược liệu khi phối hợp.

Gừng tươi (2-3 lát): Vị cay, tính ấm, quy kinh tỳ vị, có tác dụng ôn trung, tán hàn, giúp món ăn dễ tiêu hơn, đồng thời điều hòa tính hàn của các dược liệu khác. Gừng chứa gingerol - hoạt chất kháng khuẩn, chống viêm và bảo vệ đường tiêu hóa.

Ngải cứu hoặc tía tô (tuỳ chọn 5-7 g): Tùy thể trạng người dùng có thể thêm vào. Ngải cứu giúp điều huyết, trừ hàn, giảm đau. Tía tô giải cảm, hỗ trợ tiêu hóa, giảm lạnh bụng. Hai loại thảo dược này thường dùng hỗ trợ trong giai đoạn hậu cảm, sau phẫu thuật hoặc cơ thể hư hàn.

Ăn ngon-Ăn khỏe: Cách chế biến gà ác hầm thuốc bắc vừa ngon vừa bổ dưỡng - Ảnh 2.

Ngải cứu hoặc tía tô thường dùng hỗ trợ trong giai đoạn hậu cảm, sau phẫu thuật hoặc cơ thể hư hàn

Ảnh: M.H


Chế biến và sử dụng

Cách chế biến. Gà ác (200-300 g) làm sạch, ngâm giấm loãng để khử mùi và giữ nguyên dưỡng chất. Ướp với một ít muối, bột nêm, đường và gừng lát trong khoảng 20-30 phút để thấm đều. Xếp lớp rau thơm ở đáy nồi (ngải cứu hoặc tía tô nếu dùng), đặt gà lên, cho các vị thuốc đã chuẩn bị vào. Đổ nước vừa ngập mặt, đậy nắp kín, đun nhỏ lửa trong 60-90 phút đến khi gà mềm, nước dùng đậm vị.

Tần suất sử dụng hợp lý. Người khỏe mạnh: 1 lần/tuần, để dưỡng sinh, bồi bổ nhẹ nhàng. Người suy nhược, người cao tuổi, phụ nữ tiền mãn kinh, hậu bệnh nặng: 1-2 lần/tuần, không quá 2 con/tuần. Không nên sử dụng liên tục hằng ngày để tránh tình trạng "bổ quá mức", gây tích nhiệt hoặc rối loạn chuyển hóa.

Lưu ý khi sử dụng và chọn lựa dược liệu

Tránh dùng gà ác hầm thuốc bắc trong giai đoạn cảm sốt, viêm cấp tính hoặc rối loạn tiêu hóa thể thực nhiệt. Phụ nữ mang thai nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng vì một số dược liệu có tính hoạt huyết nhẹ. Ưu tiên mua dược liệu tại các cơ sở có kiểm định chất lượng, như bệnh viện y học cổ truyền, khoa dược liệu tại các trường đại học y dược. Dược liệu nên được sao tẩm, sơ chế đúng quy chuẩn (dược liệu chính), không sử dụng dược liệu sống chưa qua xử lý để nấu ăn, nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bay cho biết, món gà ác hầm thuốc bắc không chỉ là một thực phẩm bồi bổ mà còn là một liệu pháp dưỡng sinh tích hợp, giúp cân bằng âm dương, tăng cường chính khí và hỗ trợ phòng - trị bệnh mạn tính hoặc suy nhược. Khi được sử dụng đúng đối tượng, đúng liều và đúng cách, món ăn này là lựa chọn lý tưởng cho người hiện đại trong hành trình chăm sóc sức khỏe bền vững, phòng bệnh từ gốc - nuôi dưỡng từ gốc.

Tiểu mục "ĂN NGON - ĂN KHỎE" đăng tải các bài viết liên quan đến:

Dinh dưỡng và sức khỏe: Cung cấp thông tin về chế độ ăn uống lành mạnh, lợi ích của thực phẩm đối với cơ thể.

Thực phẩm và công dụng: Giới thiệu các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, cách kết hợp thực phẩm để tối ưu sức khỏe.

Công thức nấu ăn: Hướng dẫn chế biến món ăn ngon, tốt cho sức khỏe, phù hợp với từng nhu cầu như giảm cân, tăng cường miễn dịch, tốt cho tim mạch...

Xu hướng ăn uống: Các phong cách ăn uống phổ biến như keto, Địa Trung Hải, thực dưỡng...

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao