Tràn lan công cụ tạo hóa đơn giả trên mạng

Tạo bill giả và thu phí

Từ các thông tin cung cấp của bạn đọc, PV Thanh Niên truy cập vào trang web taobillgia.xxx, tại đây xuất hiện nhiều công cụ mà những đối tượng xấu có thể sử dụng làm thủ đoạn lừa đảo. Theo giới thiệu của trang web này, người dùng có thể tạo được hóa đơn chuyển tiền, hóa đơn số dư, và hóa đơn biến động giả mạo. Bên cạnh đó, trang web này còn cung cấp dịch vụ tạo căn cước công dân giả mạo.

Tràn lan công cụ tạo hóa đơn giả trên mạng- Ảnh 1.

Các hội nhóm quảng cáo tràn lan dịch vụ làm hóa đơn giả trên mạng

ẢNH: CHONGLUADAO.VN

Thử làm theo hướng dẫn, quả nhiên ngay lập tức PV tạo được hóa đơn số dư 100 triệu đồng từ tài khoản của ngân hàng tự chọn. Chúng tôi cũng thử tạo bill chuyển khoản cho một số tài khoản bất kỳ và chỉ trong một phút đã có thể hoàn thành, có thể lưu lại hình ảnh và chia sẻ cho người khác. Xét về mặt hình thức, bill giả có các thông tin và giao diện rất giống với các mẫu hóa đơn phổ biến được cung cấp khi chuyển tiền bằng ứng dụng ngân hàng trên điện thoại.

Tuy nhiên, khi bắt đầu tạo bill (hóa đơn) thứ hai thì hệ thống yêu cầu phải nạp thêm tiền với nhiều lựa chọn khác nhau. Với gói 3.000 đồng/ngày, người dùng được tạo tối đa 5 bill/ngày. Số tiền để mua gói cao nhất có giá trị vĩnh viễn là 1 triệu đồng và được tạo bill không giới hạn số lượng.

Trên một website khác có địa chỉ tại "fakebill.xxx", PV Thanh Niên cũng ghi nhận các dịch vụ tương tự, mức phí thu cao hơn nhưng quyền lợi có thể tạo ra được vô số hóa đơn chuyển tiền giả mạo của tất cả các ngân hàng phổ biến hiện nay. Trên một trang web khác tại địa chỉ billmakerting.xxx, các dịch vụ làm hóa đơn giả cũng được quảng cáo công khai: "Các bạn có thể dùng để đi chợ mua đồ lặt vặt, dùng để livestream bán hàng khoe hóa đơn khách chuyển tiền để tăng thêm uy tín. Ngoài ra còn có thể làm giả các loại giấy tờ khác như CCCD (chuyển mẫu cũ sang mẫu mới), làm hộ chiếu, bằng lái xe, vé máy bay…".

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm tư vấn an ninh mạng Athena, nhận định: "Công cụ tạo ra hóa đơn giả đã manh nha xuất hiện lâu nay, ban đầu với mục đích tạo ra ứng dụng để người dùng trêu chọc, khoe khoang. Tuy nhiên gần đây trình độ làm giả của các đối tượng này ngày càng tăng lên, chuyên nghiệp hơn và có cả thu phí nhằm trục lợi từ các dịch vụ làm giả này. Với các hóa đơn giả, các đối tượng xấu có thể sử dụng để lừa gạt, tạo niềm tin để thực hiện các công đoạn lừa đảo tiếp theo. Vì thế có thể xem đây là nguy cơ tiềm ẩn rất nguy hiểm".

Tiếp tay cho lừa đảo trực tuyến

Nhận định về thực trạng tràn lan các công cụ làm giả hóa đơn chuyển tiền trên mạng, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu, đến từ dự án Chongluadao.vn, phân tích: "Các trang web này cung cấp giao diện tương tự như trang sao kê ngân hàng, ứng dụng chuyển khoản, hoặc biên lai điện tử. Người dùng (thường là kẻ lừa đảo) có thể nhập thông tin tùy ý như: tên ngân hàng, số tài khoản, số tiền chuyển, thời gian, mã giao dịch… Sau khi nhập, trang web tự động tạo một "biên lai" giả, giống như hóa đơn điện tử hoặc sao kê thật, khiến nạn nhân tưởng giao dịch đã thành công. Với các biên lai giả mạo này, trong giao dịch mua bán trực tuyến, kẻ gian có thể gửi "bằng chứng chuyển tiền" cho người bán, yêu cầu giao hàng/dịch vụ ngay, nhưng thật ra chưa chuyển tiền thật. Trong vay mượn hoặc thanh toán hóa đơn: kẻ lừa đảo tạo hóa đơn giả để chứng minh mình đã chuyển đúng hạn, qua đó trì hoãn hoặc chối bỏ trách nhiệm thanh toán".

Tràn lan công cụ tạo hóa đơn giả trên mạng- Ảnh 2.

Dịch vụ tạo bill giả có thể tiếp tay cho lừa đảo

ẢNH: KHANG KA

Theo các chuyên gia an ninh mạng, công cụ tạo hóa đơn giả có thể khiến nhiều cá nhân và doanh nghiệp nhỏ bị lừa giao hàng hoặc cung cấp dịch vụ mà không nhận được tiền thật. Trong đó giao dịch online là nơi rủi ro lớn nhất, đặc biệt trong môi trường thương mại điện tử giữa cá nhân với cá nhân.

Vì sao dịch vụ làm giả hóa đơn xuất hiện ngang nhiên thách thức pháp luật như vậy? Theo chuyên gia Ngô Minh Hiếu, cơ quan chức năng đã thực hiện việc ngăn chặn nhiều website giả mạo nhưng khi bị báo cáo và chặn, trang cũ đóng, kẻ gian liền mở trang mới trên tên miền hoặc máy chủ khác. Chúng đăng quảng cáo trong các group trên mạng xã hội, diễn đàn để cập nhật hoạt động, thậm chí có những nhóm còn cam kết khách hàng của chúng (đã đóng tiền) có thể sử dụng quyền lợi trên trang web khác nếu trang cũ bị đóng hoặc ngưng hoạt động. Ngoài ra, dịch vụ lưu trữ ẩn danh (offshore hosting) giúp chúng khó bị xử lý hơn.

Chuyên gia Ngô Minh Hiếu khuyến cáo: "Người dùng internet banking trước hết cần tự bảo vệ mình bằng cách xác thực trực tiếp, không tin 100% vào ảnh chụp "bill chuyển tiền" hay "sao kê" mà phải kiểm tra tài khoản thực tế. Cảnh giác với thao tác "chụp màn hình" hoặc cho xem app ngân hàng đã chuyển khoản. Khi phát hiện những trang tạo hóa đơn giả, nên gửi báo cáo đến các cơ quan chức năng (an ninh mạng, cơ quan phòng chống tội phạm CNTT), báo cáo đến nơi đăng ký tên miền (thông qua trang Abuse/Report) hoặc bộ phận bảo mật của các ngân hàng có liên quan để các bên cùng phối hợp xử lý.

Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, nhận xét: "Các đối tượng sử dụng hóa đơn chuyển tiền giả mạo để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, cá nhân sử dụng hóa đơn chuyển tiền giả nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác mà chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng, mức phạt gấp đôi nếu là tổ chức vi phạm. Đối tượng bị xử phạt còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hoặc trục xuất đối với người nước ngoài vi phạm. Trường hợp có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người phạm tội sẽ bị truy cứu về "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" tại điều 174 bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), với mức án phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc bị phạt tù nhẹ nhất 6 tháng, nặng nhất 20 năm hoặc tù chung thân".

Ngoài ra, theo luật sư Hậu, vì có liên quan đến chứng từ hóa đơn của ngân hàng nên cá nhân có hành vi lập hóa đơn chuyển tiền giả mạo ngân hàng cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" tại điều 341 bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017). Tùy theo mức độ mà người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm tùy mức độ. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng. 

Xuất hiện hàng loạt website giả mạo

Thông qua kênh báo cáo của dự án Chongluadao.vn, đại diện của các đơn vị tạp chí Giáo dục TP.HCM, Viettel đã báo cáo và đề nghị xử lý các website sử dụng logo, hình ảnh mạo nhận gây hiểu lầm và hoạt động bất hợp pháp. Cụ thể, website giaoduccaicanh sử dụng logo của tạp chí Giáo dục TP.HCM và các thông tin gây mạo nhận là báo chí. Trong khi đó, trang viettelnet.vn sử dụng logo của Tập đoàn Viettel và các thông tin mạo nhận để gây nhầm lẫn. Các đơn vị bị giả mạo website đã đề nghị cơ quan quản lý có biện pháp xử lý và ngăn chặn các địa chỉ website giả mạo này.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao