Bộ Công thương cho rằng, hiện phát sinh một số mô hình hoạt động thương mại điện tử mới như hoạt động trên mạng xã hội, xuyên biên giới, của nhà đầu tư nước ngoài và thừa nhận việc kiểm soát người bán trên các nền tảng thương mại điện tử vẫn đang là thách thức với cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt, với người bán ở nước ngoài.
"Đặc biệt là mua sắm qua livestream (phát trực tiếp) với sự tham gia của những người nổi tiếng, có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL, KOC), nhóm mặt hàng kinh doanh có điều kiện như rượu, mỹ phẩm, dược phẩm nhưng được tư vấn bởi người không có chuyên môn…", Bộ Công thương nêu thực trạng.
Theo Bộ Công thương, hiện chưa có cơ chế hiệu quả để quản lý và thu thuế từ các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam, dẫn đến thất thu ngân sách và khó khăn trong việc bảo vệ người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, hàng hóa nhập khẩu qua kênh thương mại điện tử rất khó kiểm soát về chất lượng, an toàn thực phẩm, gây nguy hại cho người tiêu dùng. Trường hợp các nền tảng này không tuân thủ pháp luật Việt Nam thì cũng chưa có cơ chế, cơ sở pháp lý để ngăn chặn hay yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian hỗ trợ thương mại điện tử như đơn vị logistics, thanh toán... có thể ngưng hợp tác.
Theo dự thảo tờ trình, người thực hiện livestream hoặc những người tư vấn bán hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; người bán trên nền tảng số trung gian thương mại điện tử phải cung cấp thông tin cho nền tảng trung gian về tên, địa chỉ, mã số định danh và mã số thuế thu nhập cá nhân.
Đối với hoạt động thương mại điện tử biên giới phải xin cấp phép với Bộ Công thương và thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền của mình là pháp nhân tại Việt Nam. Đồng thời phải có trách nhiệm xác thực người bán nước ngoài và bồi thường người mua khi có vi phạm trên nền tảng.
Mua hàng livestream và tâm lý sợ bỏ lỡ: GIẢI MÃ EP.2
Từ đó, Bộ đề xuất cần bổ sung hoàn thiện để hoạch định chính sách về thương mại điện tử trong thời gian tới với một số chính sách như: Quy định rõ khái niệm nền tảng số, nền tảng số trung gian và các khái niệm khác phù hợp với lĩnh vực thương mại điện tử và đảm bảo hài hòa với các luật khác hiện hành; quy định các hình thức, các chủ thể tham gia vào hoạt động thương mại điện tử, quyền và nghĩa vụ liên quan; quy định trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử; quy định về dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại...
Bộ Công thương dự kiến đưa luật Thương mại điện tử vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025 (trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV (tháng 10.2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 5.2026).