Vốn FDI tăng mạnh, giải ngân kỷ lục
Trao đổi với báo chí mới đây, ông Cho Hyun-joon, Chủ tịch Tập đoàn Hyosung, thông tin sau khi đầu tư khoảng 4 tỉ USD vào VN, Hyosung đang có kế hoạch đầu tư thêm 4 tỉ USD nữa để thực hiện các dự án trong các lĩnh vực như: trung tâm dữ liệu, sản xuất sản phẩm vật liệu công nghệ cao, nhà máy nhiên liệu bay sinh học…
Năm 2024, VN thu hút vốn FDI đạt 38,23 tỉ USD, đáng chú ý vốn thực hiện lập kỷ lục vượt 25 tỉ USD. Ngân hàng UOB Việt Nam (Singapore) nhận xét đây là mức giải ngân cao kỷ lục, tăng 9,4% so với các năm trước. Bất chấp một số thách thức toàn cầu như lãi suất cao và nhu cầu chậm lại ở các thị trường phát triển, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của VN cũng thuộc nhóm cao nhất ở châu Á, cho thấy sự mở rộng liên tục. Đặc biệt, 2024 là năm thứ 9 liên tiếp VN ghi nhận thặng dư thương mại, năm 2024 xuất siêu đạt gần 24 tỉ USD, chuyên gia của Ngân hàng UOB nhận xét điều này rất hữu ích trong việc neo giữ giá cho VND.
Trước đó, cuối năm 2024, Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) và Ngân hàng UOB Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy hợp tác kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho FDI vào TP.HCM và các tỉnh phía nam. Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu của Ngân hàng UOB, nhận định VN có thế mạnh về sản xuất và chế biến, chi phí nhân công thấp. Các yếu tố này là lợi thế cho VN thu hút vốn FDI không những trong năm nay mà có thể trong 5 năm tới. Để phát huy lợi thế này, ông Suan Teck Kin cho rằng VN cần có kế hoạch toàn diện để tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI. Cụ thể, Chính phủ phải chú trọng đầu tư hạ tầng, số hóa, đảm bảo cơ sở hạ tầng như có nguồn điện ổn định, nước sạch, y tế, giáo dục... "Các giải pháp này sẽ giúp đảm bảo nguồn nhân lực tốt, giúp tăng năng suất và tính cạnh tranh lâu dài cho VN", ông Suan Teck Kin nhấn mạnh.
Theo chuyên gia này, cơ hội của VN là đa dạng hóa về thương mại, giảm sự phụ thuộc vào sản phẩm và một số đối tác như Mỹ, Trung Quốc; có chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tận dụng nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), với tiềm năng ở các thị trường như châu Phi, Trung Đông, và một số quốc gia ASEAN. Đặc biệt, cần sự nỗ lực của Chính phủ, sự chung tay từ nhiều phía, như hiệp hội, ngân hàng trong đó có UOB. Thứ hai, VN vẫn còn khả năng giảm thiểu tác động của biến động kinh tế bằng cách tăng đầu tư công để tăng GDP. Ông Kin phân tích: "VN có độ mở thương mại lớn thứ hai trong khối ASEAN.
Thế nên, khi nhu cầu xuất nhập khẩu tăng, VN hưởng lợi nhưng cũng chịu rủi ro khá nhiều khi nhu cầu thị trường bên ngoài chậm lại. Vì vậy Chính phủ phải có giải pháp để giảm thiểu, trong đó đầu tư công là một biện pháp". Cuối cùng là chính sách tài khóa. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nợ công của VN giảm về còn khoảng 31% trên GDP vào năm 2029. Ông Suan Teck Kin đánh giá nợ công của VN vẫn ở mức khá thấp so với các nước trong khu vực châu Á và các nền kinh tế mới nổi (với tỷ lệ có thể lên tới 97%). Cho nên VN có dư địa để Chính phủ có thể chi tiêu nhiều hơn, đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược, từ đó tạo ra động lực tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế.
Cùng quan điểm, Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ của UOB Việt Nam Đinh Đức Quang lưu ý VN cần cải thiện một số vấn đề liên quan tới thủ tục, thể chế, kêu gọi đầu tư để tiếp tục tăng tốc độ giải ngân nguồn vốn FDI. Chẳng hạn, dự án công ty sản xuất đồ chơi Lego (Đan Mạnh) ở Bình Dương có tốc độ giải ngân đáng chú ý, từ khi đăng ký tới giải ngân chỉ kéo dài chưa đầy 2 năm.
Đẩy mạnh cải cách thể chế
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng đồng quan điểm dòng vốn FDI tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm nay. Để tăng tốc thu hút vốn FDI công nghệ cao mà VN đang có lợi thế, phải dứt khoát cải cách và tinh gọn bộ máy hướng tới hệ thống thể chế và quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả, hiện đại, minh bạch, dễ hiểu và dễ thực thi để giảm rủi ro kinh doanh và chi phí tuân thủ. "Thực tế, chiến lược thu hút vốn FDI trong giai đoạn mới của chúng ta đặt mục tiêu không chỉ thu hút về số lượng mà hướng đến FDI chất lượng, đặc biệt FDI từ các công ty đa quốc gia ở những nước phát triển. Thế nên, năm 2025 phải tập trung "kéo" họ về, không còn những buổi thăm hỏi xã giao nữa. Bởi thăm hỏi xã giao đã được thực hiện trong 1 - 2 năm qua. Giai đoạn này là giai đoạn tăng tốc", ông Lạng nhận định.
Ông đặc biệt nhấn mạnh yếu tố cải cách, đẩy nhanh thủ tục cần thiết cho nhà đầu tư mới tăng tốc thu hút dòng vốn FDI được. Vừa qua, việc giải ngân xây dựng dự án của Tập đoàn Lego tại Bình Dương được đánh giá tốt. Thế nhưng, tại một số địa phương, các đơn vị tiếp nhận hồ sơ, thông tin điều chỉnh giấy phép… vẫn còn khá chậm. Đó là những vấn đề phải khắc phục triệt để, đồng bộ ở tất cả các tỉnh thành, không chỉ thu hút vốn FDI mà còn tạo điều kiện để nâng cao năng lực cạnh tranh của khối doanh nghiệp trong nước.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% mà Chính phủ đặt ra trong năm nay là rất thách thức. Hai động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong năm nay sẽ đến từ xuất khẩu và đầu tư tiêu dùng. Trong đó, động lực đầu tiên và chủ yếu đến từ khối doanh nghiệp nước ngoài. Năm 2025, rủi ro cho xuất khẩu là có thể Mỹ sẽ tăng thuế, dẫn tới các nước đưa ra chính sách trả đũa. Khả năng này nếu xảy ra sẽ gây tăng chi phí, giảm đơn hàng xuất khẩu với VN.
Tuy vậy, điều đáng chú ý là có vẻ như quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump ở nhiệm kỳ này hài hòa hơn trước, nên có thể xuất khẩu của VN chưa bị ảnh hưởng. Thế nhưng hết năm nay, sang năm 2026 thì vẫn đáng lo khi yêu cầu "xanh" đối với hàng dệt may, da giày xuất khẩu sẽ bị áp khắt khe hơn. Với lĩnh vực đầu tư, ngoài động lực giải ngân vốn FDI, thì giải ngân vốn đầu tư công cũng được kỳ vọng sẽ tăng mạnh nhờ loạt dự án đường sắt cao tốc, sân bay, đường bộ cao tốc, điện hạt nhân tái khởi động sẽ tạo xung lực mới cho nền kinh tế. "Yếu tố cốt lõi quyết định tăng trưởng kinh tế VN trong năm 2025 vẫn là tập trung tháo gỡ được "điểm nghẽn" về thể chế, qua đó đẩy dòng vốn FDI tăng trưởng tốt hơn. Thế nên, cải cách thể chế trong thời gian tới cần phải làm triệt để hơn nữa để chính sách thực sự thẩm thấu và "ngấm" vào cuộc sống", TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Bộ KH-ĐT cho biết năm 2025, VN tiếp tục là điểm sáng thu hút dòng vốn ngoại và nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút vốn FDI lớn nhất thế giới nhờ những thành tựu về thu hút nguồn vốn FDI trong năm 2024. Bộ KH-ĐT đã tiếp xúc, làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như Qualcomm, Google, Meta, LAM Research, Qorvo, AlChip… và họ đã có kế hoạch cụ thể chuyển dịch chuỗi cung ứng sang VN, phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại VN.