Nên mở rộng cho doanh nghiệp mua bán điện trực tiếp

Doanh nghiệp nói nên mở rộng, Bộ bảo chưa

Góp ý cho dự thảo nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) do Bộ Công thương soạn thảo, lấy ý kiến các bộ ban ngành mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cho rằng, tiêu chí phải dùng bình quân 200.000 kWh/tháng mới được tham gia cơ chế DPPA đã hạn chế sự tham gia của nhiều doanh nghiệp có nhu cầu mua bán điện trực tiếp. Đáng nói, tiêu chí này áp dụng đối với cả trường hợp mua bán điện qua đường dây riêng và qua lưới điện quốc gia. Trong khi đó, theo VCCI, rất nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ, có nhu cầu sử dụng điện tái tạo nhằm đáp ứng các yêu cầu của đối tác xuất khẩu hoặc để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Nên mở rộng cho doanh nghiệp mua bán điện trực tiếp- Ảnh 1.

Theo đề xuất của nhiều doanh nghiệp và chuyên gia, nên mở rộng doanh nghiệp tham gia cơ chế DPPA

ẢNH: HOÀNG NGUYỄN

"Doanh nghiệp rất mong có thể được tham gia mua điện trực tiếp từ các nguồn điện tái tạo. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này (dự thảo về cơ chế DPPA - PV) vô hình trung hạn chế sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu mua điện năng lượng tái tạo, đặc biệt là khi mua điện qua đường dây riêng do trường hợp này không tác động đáng kể đến hệ thống điện quốc gia", VCCI phản ánh. Từ đó, tổ chức này đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng hạ thấp ngưỡng sản lượng tiêu thụ điện bình quân để nhiều doanh nghiệp được tham gia mua bán điện trực tiếp, đặc biệt là đối với trường hợp mua bán qua đường dây riêng.

Trong bản dự thảo mới nhất vừa trình Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Công thương vẫn bảo lưu quan điểm "không mở rộng đối tượng khách hàng sử dụng điện lớn không phục vụ mục đích sản xuất tham gia mua bán điện trực tiếp thông qua lưới điện quốc gia". Lý do được Bộ đưa ra là giá điện mua của nhóm khách hàng này khác với giá áp dụng cho nhóm khách hàng sử dụng điện lớn phục vụ mục đích sản xuất (chiếm 51%). Bên cạnh đó, cơ chế bù chéo giữa các nhóm khách hàng là có. Thế nên, Bộ Công thương đề xuất chưa xem xét mở rộng đối tượng do chưa đánh giá được tác động tài chính đến đối tượng liên quan, gồm Tập đoàn Điện lực VN (EVN), Tổng công ty Điện lực…

Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia luật và chính sách công Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế của VCCI, thông tin có khá nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất xuất khẩu, có mức tiêu thụ điện thấp hơn mức bình quân 200.000 kWh/tháng, gửi góp ý về VCCI đề nghị nên mở rộng cho doanh nghiệp tham gia mua bán điện trực tiếp thoải mái hơn, đặc biệt mua bán qua đường dây riêng.

"Theo tôi, dự thảo cơ chế DPPA nên tách bạch khách hàng tham gia cơ chế DPPA qua lưới điện quốc gia và qua đường dây riêng. Khả năng đáp ứng của lưới điện quốc gia có giới hạn là đúng rồi, nhưng đường dây riêng thì dễ hơn bởi không bị tác động lên lưới điện chung, đặc biệt trong các khu công nghiệp, cụm khu công nghiệp", ông Đức nói. Chuyên gia này nhấn mạnh, không phải cơ chế DPPA mở rộng cho doanh nghiệp tham gia thì mọi người ồ ạt đầu tư vào lưới điện riêng để mua bán vì điều này hoàn toàn không dễ, thậm chí khó, bởi làm đường dây riêng còn phải có các thủ tục đất đai…

"Thực tế, cụm từ khách hàng lớn được nêu trong luật Điện lực sửa đổi và nghị định để thực hiện. Thế nhưng một khi chúng ta đưa ra nghị định để thực thi luật, nên có quy định mở hơn phù hợp hoàn cảnh, thực tế. Đây là quy định mới, đang thí điểm, nhưng quy định mở sẽ khiến doanh nghiệp nỗ lực hơn trong việc kết nối, chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch, tái tạo, nhằm phục vụ nhu cầu làm hàng xuất khẩu, tăng trưởng đơn hàng… Đó mới là vấn đề quan trọng. Gán quy định là do lo ngại rủi ro về pháp lý bởi thí điểm chứ chưa hẳn rủi ro về kỹ thuật", ông Nguyễn Minh Đức phân tích.

VỀ VIỆC mở rộng đối tượng tham gia cơ chế DPPA

VCCI cũng lưu ý cần thiết có quy định rà soát khách hàng sử dụng điện lớn hằng năm. Bởi sẽ có trường hợp khách hàng đang thuộc diện được mua bán điện trực tiếp nhưng sẽ không được tiếp tục trong năm tiếp theo do công ty giảm lượng tiêu thụ điện trong năm trước đó. Nếu loại bỏ các khách hàng này ra khỏi diện được mua bán điện trực tiếp sẽ tạo thêm rủi ro cho các hợp đồng mua bán điện giữa khách hàng và các nhà sản xuất điện tái tạo. Việc này cũng không cần thiết do một khách hàng không đạt mức tiêu thụ điện 200.000 kWh/tháng cũng không gây tác động tiêu cực nào cho hệ thống điện quốc gia.

Chuyên gia Nguyễn Minh Đức nói thêm, việc cố định một mức tiêu thụ điện mới được tham gia mua bán trực tiếp dễ tạo rủi ro cho cả 2 bên. Chẳng hạn, khi ký kết hợp đồng là doanh nghiệp phải sử dụng tối thiểu 200.000 kWh/tháng trong năm, nhưng nếu họ không đáp ứng được điều kiện đó vào năm sau, vậy có bị loại khỏi nhóm doanh nghiệp được tham gia cơ chế DPPA không? Như vậy, hợp đồng sẽ bị ảnh hưởng đối với cả bên mua điện lẫn bên bán điện. "Thế nên, cho dù là thí điểm, chúng tôi đề nghị nên xem xét con số sản lượng điện tiêu thụ và quy định về việc rà soát khách hàng lớn", vị này giải thích.

Đồng quan điểm, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN, cho rằng nên có độ mở trong cơ chế DPPA. Luật Điện lực sửa đổi quy định khách hàng lớn là khách hàng sử dụng điện có công suất và sản lượng tiêu thụ lớn theo quy định của Bộ Công thương, phù hợp với từng thời kỳ phát triển hệ thống điện. Như vậy, có thể hiểu hệ thống điện luật đề cập là hệ thống điện quốc gia, còn lưới riêng, dây riêng không có quy định. Thế nên, nhiệm vụ của Bộ là định nghĩa và hướng dẫn thực hiện luật một cách chi tiết, nhưng cần yếu tố linh động, nhìn xa hơn. Trước đây, con số sản lượng điện tiêu thụ cho khách hàng lớn được Bộ Công thương đưa ra bình quân sử dụng từ 500.000 kWh/tháng, sau giảm xuống 200.000 kWh/tháng trong Nghị định 80. Nhưng con số này vẫn còn khá cảm tính.

"Giả sử không có khách hàng lớn cỡ đó có nhu cầu mua điện trực tiếp, trong khi những nhà sản xuất xuất khẩu, dùng chỉ 50.000 - 100.000 kWh/tháng, lại đang có nhu cầu dùng điện sạch thì sao". Nếu ta cố định con số 200.000 kWh/tháng kia, vô hình trung khiến cơ chế được ban hành nhưng giảm hiệu quả, bởi đối tượng tham gia rất ít. Nếu mua điện trực tiếp qua đường dây riêng, giá cao hơn giá EVN bán, không có nhu cầu thực sự, chưa chắc doanh nghiệp tham gia mua ngay", ông Ngãi lập luận.

Thế nên, theo ông Trần Viết Ngãi, không nên giới hạn mức dùng điện bao nhiêu mới tham gia được mua bán trực tiếp, đặc biệt với khách hàng có đường dây riêng. Có như vậy, chiến lược phát triển năng lượng tái tạo mới tăng trưởng mạnh mẽ như kỳ vọng.

Doanh nghiệp đang có nhu cầu cấp bách phải sử dụng năng lượng tái tạo để sớm có tín chỉ xanh cho hàng hóa xuất khẩu, đó là yêu cầu bắt buộc. Mở rộng hơn, nhà nông dân ở vùng xa, vẫn có thể mua điện trực tiếp từ hàng xóm, rồi nền kinh tế trong xu thế chuyển đổi năng lượng giảm phát thải, bắt buộc phải tăng hàm lượng năng lượng sạch trong dân. Trong bối cảnh đó, cơ chế DPPA nên mở rộng đối tượng, đặc biệt qua đường dây riêng, bởi không tạo áp lực cho lưới điện quốc gia.

Ông Trần Viết Ngãi (Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN)

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao