Đường phố hầm hập từ sáng tới khuya
Cơn mưa trái mùa chiều qua (14.1) khiến nhiều tuyến đường khu vực trung tâm TP ùn ứ khi chưa tới khung giờ cao điểm. Dọc đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3) nối ra trục Cách Mạng Tháng Tám, dòng xe cộ nối đuôi nhau nhích từng chút qua từng giao lộ. Nhiều người dân muốn dừng lại mặc áo mưa nhưng lại sợ leo lên phần vỉa hè cho người đi bộ sẽ bị phạt nên tấp xe vào lề đường, khiến dòng xe cộ càng trở nên ùn ứ.
Khi cơn mưa bắt đầu nặng hạt cũng là lúc đúng giờ cao điểm. Dòng người đổ ra từ những tòa nhà văn phòng, trường học… nhưng di chuyển rất chậm. Những trục đường xuyên tâm hướng ra cửa ngõ TP như Cách Mạng Tháng Tám, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Đình Chiểu, Dương Bá Trạc… chứng kiến dòng xe ken nhau xếp thành hàng. Vật vã hơn 1 giờ cho quãng đường 6 km, chị Thanh Tâm (ngụ Q.Bình Thạnh) tay chân rã rời vì vừa đi vừa phải dừng liên tục vì ùn tắc. Những ngày qua, do tình trạng ùn tắc khắp các tuyến đường nên chị đều đi làm sớm hơn mọi khi 15 phút, chiều sắp xếp công việc về sớm 20 - 30 phút để kịp giờ đón con đi học về. Thế nhưng, cơn mưa bất chợt khiến giờ cao điểm đến sớm hơn, thời gian "chiến đấu với kẹt xe" cũng dài hơn.
"Tuần trước ùn tắc mới kinh khủng, ngày nào ra đường cũng như đi đánh trận. Mấy ngày nay nhiều ngã tư được lắp đèn rẽ phải, các tuyến đường trong trung tâm cũng dễ thở hơn khá nhiều rồi. Tuy nhiên, có vẻ vì mọi người sợ phạt quá nên đôi khi đèn xanh còn 5 - 7 giây đã lo chạy chậm để dừng, hoặc tại ngã tư có đèn xanh báo được rẽ phải nhưng cũng ngần ngừ không dám rẽ. Những giao lộ dù được rẽ phải thì giờ thời gian chờ cũng gấp 2 - 3 lần, trước đây cùng lắm chờ một lượt đèn là qua, giờ có khi phải chờ 3 - 4 lượt đèn mới đi được. Nhìn chung, đường phố vẫn hầm hập từ sáng tới khuya", chị Tâm nói.
Đây cũng là tình trạng được Công an TP.HCM ghi nhận kể từ khi Nghị định 168 chính thức có hiệu lực. Bên cạnh nhu cầu di chuyển, vận chuyển hàng hóa những ngày cuối năm tăng cao thì tâm lý quá e dè sợ bị phạt cũng là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông tại TP.HCM. Dù đèn xanh vẫn còn khoảng 5 giây nhưng nhiều người đã dừng lại, nhất là ô tô gây kéo dài thời gian dừng chờ. Bên cạnh đó, các xe chiếm dụng mặt đường lớn, làm xe phía sau bị dồn lại, nhất là giờ cao điểm. Dữ liệu từ trung tâm điều khiển (Sở GTVT) cho thấy lưu lượng xe trên các tuyến đường gần đây tăng 2,8 - 11,4% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực trung tâm, cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực Q.Bình Thạnh có mật độ lưu thông lớn. Đặc biệt, ùn tắc các tuyến đường tại trung tâm TP tăng khoảng 17%, một số khu vực cửa ngõ cũng tăng 10%.
Đường đông, di chuyển khó khăn, các tài xế công nghệ cũng không mặn mà nhận cuốc xe đón khách. Dù ở khu vực ngoại thành hay trung tâm, bất kể giờ nào, đặt xe công nghệ cũng rất khó khăn. Xe ít, nhu cầu di chuyển cao nên cước phí cũng tăng "chóng mặt". Nhiều người dân phản ánh cùng quãng đường, dịch vụ, cước phí cho một cuốc xe công nghệ hiện đã tăng từ 30 - 50%.
Mưa trái mùa còn tiếp diễn, người dân lo quá tải đi lại
Cơn mưa trái mùa trên địa bàn TP.HCM gây bất ngờ với nhiều người. Mây giông bắt đầu xuất hiện từ khoảng 15 giờ. Đến 16 giờ 20 một đợt mưa nhỏ xảy ra ở nhiều nơi. Sau đó đến 17 giờ, một đợt mưa lớn trên diện rộng. Trận mưa đúng vào giờ tan tầm khiến tình trạng kẹt xe nghiêm trọng những ngày qua càng thêm phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tinh thần của nhiều người. Đáng nói, mưa trái mùa dự báo vẫn còn tiếp diễn trong hôm nay.
Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết nguyên nhân gây mưa là do nhiễu động gió đông trên cao tác động đến thời tiết khu vực Nam bộ. Ngoài TP.HCM, mưa còn xảy ra ở một số nơi tại Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước… Lượng mưa phổ biến 2 - 10 mm, có nơi trên 10 mm. Trong ngày 15.1, mưa trái mùa tiếp tục xuất hiện ở Nam bộ tại một số nơi ven biển phía đông. Đối với TP.HCM, mưa có khả năng xuất hiện ở tất cả quận huyện vào chiều tối với xác suất mưa trên 60%.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh từ phía bắc tăng cường nên những ngày tới ở TP.HCM trời tiếp tục dịu mát, nhiệt độ thấp nhất duy trì mức 21 - 23 độ C và cao nhất từ 31 - 33 độ C. Trong khi đó, ngày 14.1, không khí lạnh ở phía bắc tiếp tục tăng cường mạnh xuống phía nam. Đến khoảng ngày 18.1, bộ phận không khí này có thể ảnh hưởng đến khu vực Nam bộ khiến nhiệt độ TP.HCM giảm thêm khoảng 1 độ C.
Do mưa trái mùa khiến độ ẩm không khí ở TP.HCM tăng cao dẫn đến bụi mịn kết hợp với hơi nước trong điều kiện nhiệt độ thấp gây nên tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng về đêm và sáng. Người dân nên chú ý bảo vệ sức khỏe, hạn chế ra đường hoặc phòng tránh bằng cách đeo khẩu trang có khả năng lọc bụi mịn. Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm không khí ở TP.HCM có chiều hướng gia tăng và thường xuyên ở mức cảnh báo đỏ. Trong ngày 14.1, tình trạng ô nhiễm không khí cũng ở mức cảnh báo đỏ và ngay giữa trưa lớp khói bụi màu trắng đục vẫn bao trùm cả TP.
Trước đó ngày 13.1, người dân TP.HCM và các tỉnh thành Nam bộ cảm nhận trời lạnh như Đà Lạt. Nhiệt độ thấp kết hợp với những đợt gió nhẹ vào sáng sớm khiến nhiệt độ tại TP xuống 18 - 19 độ C, hầu hết mọi người đều phải khoác áo ấm khi ra đường. Thạc sĩ Lê Đình Quyết, Trưởng phòng dự báo (Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ), cho biết: Do không khí lạnh cường độ mạnh ở phía bắc tăng cường sâu xuống phía nam, làm cho nhiệt độ cả Nam bộ giảm mạnh. Tại Tà Lài (Đồng Nai) nhiệt độ chỉ còn 16 độ C, Phước Long (Bình Phước) là 16,5 độ C, trong khi đó tại miền Tây nhiều nơi nhiệt độ xuống dưới 20 độ C như: Rạch Giá (Kiên Giang) 19 độ C, Cần Thơ 19,2 độ C. Riêng TP.HCM, nhiệt độ ở Nhà Bè là 19,9 độ C. "Đây là thời điểm có nhiệt độ thấp nhất kể từ đầu mùa khô 2024 - 2025 và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước", ông Quyết thông tin.
Lâu lâu mới có dịp mặc áo ấm trong thời tiết se lạnh khiến nhiều người dân Nam bộ thích thú. Tuy nhiên, mưa trái mùa ở thời điểm giao thông căng thẳng hiện nay lại khiến họ lo ngại phải ra đường vì bất cứ lúc nào cũng là giờ cao điểm.
Metro số 1 phải dừng hơn 30 phút vì mưa
Chiều tối qua (14.1), đoàn tàu metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) gặp sự cố kỹ thuật và phải dừng lại giữa đường ray. Khoảng hơn 17 giờ, một đoàn tàu metro số 1 phải dừng giữa đường ray trong cơn mưa. Sự cố kéo dài hơn nửa giờ. Cũng trong khung giờ trên, một đoàn tàu khác xuất phát từ ga Tân Cảng, đến ga Văn Thánh cũng phải tạm ngưng hoạt động. Nhiều hành khách phải dừng tại ga Văn Thánh và tìm phương tiện khác để di chuyển hết hành trình.
Ông Lê Minh Triết, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC 1), xác nhận tàu metro số 1 phải dừng do gặp sự cố kỹ thuật. Đến gần 18 giờ, sự cố đã được khắc phục và việc phục vụ trở lại như bình thường. Trên ứng dụng HCMC Metro cũng đăng thông báo lúc 17 giờ 58 như sau: "Quý khách thân mến, tuyến metro đã hoạt động trở lại bình thường sau thời gian tạm dừng vì lý do kỹ thuật trong điều kiện thời tiết xấu để đảm bảo an toàn. Chúng tôi chân thành xin lỗi vì sự bất tiện này. Cảm ơn quý khách đã thông cảm và tiếp tục đồng hành". Trước đó, hôm 26.12.2024, tuyến metro số 1 cũng gặp sự cố kỹ thuật do mưa lớn, bị gián đoạn khoảng 10 phút.
Hà Mai