Tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại các ngân hàng trong tháng 1 giảm 233.000 tỉ đồng so với tháng trước (giảm 3,04% so với cuối năm 2024), xuống còn 7,433 triệu tỉ đồng. Như vậy, sau 5 tháng tăng liên tiếp, huy động vốn từ tổ chức kinh tế ghi nhận sụt giảm khá mạnh ngay từ đầu năm, dù các ngân hàng đang nỗ lực huy động vốn để chuẩn bị nguồn cho tăng trưởng tín dụng cao năm nay. Trong khi đó, tiền gửi của khách hàng cá nhân tăng 1,74%, thêm 123.000 tỉ đồng chỉ trong 1 tháng, lên 7,188 triệu tỉ đồng. Như vậy, so với cuối năm 2024, lượng tiền gửi tổ chức tín dụng và dân cư đã giảm 110.000 tỉ đồng, tương đương 0,75% so với cuối năm 2024.

Lượng tiền gửi tại các ngân hàng giảm
ẢNH: NGỌC THẮNG
Lượng tiền giảm trong bối cảnh lãi suất huy động giảm. Từ sau ngày 25.2 đến nay, 28 ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động từ 0,1 - 1%/năm. Hiện mức lãi suất 6%/năm chỉ còn xuất hiện ở vài ngân hàng. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm tiền trên thị trường mở nhằm tạo thanh khoản trên thị trường.
Lượng tiền gửi từ tổ chức kinh tế và dân cư cuối tháng 1 ở mức 14,621 triệu tỉ đồng, trong khi số dư nợ cho vay của các nhà băng lên 15,7 triệu tỉ đồng (tăng 0,55% so với cuối năm 2024). Như vậy, con số cho vay cao hơn tiền gửi lên 1,079 triệu tỉ đồng. Huy động tăng chậm hơn cho vay đang gây áp lực cho hệ thống ngân hàng trong đáp ứng mục tiêu tăng trưởng nhanh giai đoạn tới.