Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, Việt Nam đã đặt ra những mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng là tăng trưởng GDP đạt 8% trong năm 2025 và vượt mốc hai con số từ 10% trở lên trong giai đoạn 2026 - 2030.

Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú phát biểu tại diễn đàn
ẢNH: VNECONOMY
Tại Diễn đàn tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025 vừa diễn ra tại Hà Nội, đề cập việc duy trì tăng trưởng hai con số kéo dài, ổn định trong ít nhất khoảng 20 năm, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội, cho biết kinh nghiệm ở khu vực châu Á chỉ có Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) làm được.
"Nếu không vào được những ngành công nghệ cao và không vào được thị trường Mỹ thì không thể tăng trưởng liên tục hai con số", ông Phú nhấn mạnh.
Nhìn nhận trong điều kiện bình thường Việt Nam sẽ "không bao giờ có cơ hội", song theo ông Phú, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra là cơ hội duy nhất của Việt Nam trong giai đoạn này. Nếu không làm được trong 10 - 20 năm nữa thì vĩnh viễn không bao giờ Việt Nam gặp lại cơ hội.
"4 năm qua, Sunhouse rất may mắn đón nhận được cơ hội dịch chuyển từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất làm hàng công nghiệp vào được thị trường Mỹ. Kinh nghiệm là doanh nghiệp phải vào được chuỗi cung ứng, dù điều này rất khó khăn. Cạnh đó, cần sự đồng hành của Nhà nước.
Sunhouse năm nay dự kiến xuất vào Mỹ khoảng 3.000 tỉ đồng. Khách hàng Mỹ rất đơn giản, sản phẩm 5 sao nhưng giá thì Trung Quốc. Nhiệm vụ là làm sao tạo ra năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp để vào được thị trường Mỹ, bởi nếu vào được Mỹ thì gần như có thể đi vào tất cả thị trường khác", ông Phú nhấn mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp của Trung Quốc, ông Phú cho biết, mỗi tỉnh của Trung Quốc đều có quỹ đầu tư phát triển. Họ sẽ lọc ra những ngành nghề muốn tham gia vào là diện ngành nghề mới, công nghệ cao. Chính quyền chọn ra 1 - 2 doanh nghiệp tiềm năng ở lĩnh vực đó, đầu tư cùng doanh nghiệp. Chính quyền và doanh nghiệp cùng ngồi lại để bàn cách làm thế nào tạo ra năng lực cạnh tranh, đặc biệt ở giai đoạn đầu.
Trung Quốc làm bằng cách Nhà nước đầu tư vốn mồi, toàn bộ đổi mới ví dụ như đầu tư robot, kỹ sư công nghệ chất lượng cao..., Nhà nước hỗ trợ ngay.
Ở khía cạnh bán hàng, cách làm của Trung Quốc là ban đầu bán chưa cần có lãi để lấy đơn hàng, chạy tối đa công suất, để có thể bước vào chuỗi cung ứng.
Quay trở lại câu chuyện của Việt Nam, theo ông Phú, nếu phát triển lại những ngành đã cũ thì khó tăng trưởng hai con số vì quy mô thị trường nội địa rất nhỏ. Muốn tham gia vào ngành quy mô lớn thì phải tạo ra năng lực cạnh trạnh.
Nhiệm vụ là phải chọn được doanh nghiệp mong muốn tham gia vào ngành đó. Nhà nước sẽ đồng hành. Doanh nghiệp khó nhất lúc ban đầu. Nếu không có sự đồng hành của Nhà nước để tạo ra cơ chế thì không thể tạo ra năng lực cạnh tranh.
Hiện nay, Việt Nam có cơ hội rất lớn là chuỗi dịch chuyển cung ứng, chính sách xuất xứ, nếu bắt nhịp được thì rất quan trọng. Ông Phú đề xuất Nhà nước và doanh nghiệp phải đồng hành, chọn ngành nghề, xác lập lợi thế cạnh tranh.