Vùng phát thải thấp: Bí quyết 'lọc phổi' cho các siêu đô thị

Các vùng môi trường (environmental zones) bắt đầu ở Thụy Điển vào năm 1996 có thể được coi là chương trình LEZ đầu tiên trên thế giới, sau đó lan rộng tới Đức, Pháp, Ý và Vương quốc Anh. Tính đến nay, riêng ở châu Âu đã có hơn 320 vùng phát thải thấp (LEZ), tăng 40% kể từ năm 2019 và con số này dự kiến sẽ tăng hơn một nửa lên 507 trong năm nay.

Vì sao vùng phát thải thấp là bí quyết 'lọc phổi' cho các siêu đô thị?- Ảnh 1.

Thủ đô Berlin (Đức) là một trong những mô hình LEZ điển hình trên thế giới

ẢNH: CNN

Thông thường, quy định hạn chế tiếp cận áp dụng cho những phương tiện không đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải cụ thể, chẳng hạn như tiêu chuẩn khí thải Euro ở châu Âu. Đơn cử, tại một số LEZ, chỉ những phương tiện tuân thủ các tiêu chuẩn Euro 4 trở lên mới được phép vào, trong khi những phương tiện cũ hơn, gây ô nhiễm nhiều hơn bị cấm vào. Ngoài lệnh cấm vào, một số LEZ còn áp dụng phí đối với những phương tiện có lượng khí thải cao hơn, tạo ra động lực tài chính để người lái xe chuyển sang các phương án thay thế sạch hơn.

"Cái nôi" LEZ Thụy Điển

Sau gần 30 năm thực hiện các mô hình LEZ, Thụy Điển đang là quốc gia có lượng khí thải lại thấp hàng đầu thế giới mặc dù người Thụy Điển sử dụng rất nhiều năng lượng. Theo báo cáo thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vào tháng 6.2024, Thụy Điển đã đạt được điểm số 78,4 trong Chỉ số Chuyển đổi Năng lượng (ETI), đứng đầu trong số 120 quốc gia được đánh giá. Một trong những yếu tố quyết định giúp Thụy Điển đạt được vị trí này là sự kết hợp hoàn hảo giữa các chính sách năng lượng và hiệu quả sử dụng tài nguyên. Các chính sách liên quan đến kiểm soát nguồn phát thải liên tục được cập nhật, đổi mới và duy trì xuyên suốt trong thời gian dài. 

Mới nhất, Reuters dẫn nguồn tin từ chính quyền thủ đô Stockholm (Thụy Điển) cho biết, Stockholm sẽ cấm ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel tại các khu vực trung tâm thành phố nhằm tìm cách cải thiện chất lượng không khí và giảm tiếng ồn giao thông. Khu vực khoảng 20 dãy nhà đi qua khu tài chính và các tuyến đường mua sắm lớn của thủ đô Thụy Điển sẽ chỉ cho phép ô tô điện, một số xe tải hybrid và xe chạy bằng pin nhiên liệu lưu thông.

Cơ quan môi trường thành phố Oslo hồi đầu năm nay đã chủ trương thiết lập khu vực không phát thải ở trung tâm thành phố, nhắm trước vào phương tiện vận tải hạng nặng và xe tải vào năm 2025, trước khi mở rộng sang phương tiện giao thông vào năm 2027 tại thủ đô của nước láng giềng Na Uy, mở đường cho xe điện.

London "lọc không khí" bằng LEZ

Mặc dù Thụy Điển là "cái nôi" của LEZ, song, LEZ lớn nhất thế giới hiện tại chính là London. LEZ bắt đầu được hình thành ở đây từ năm 2008. London là một trong những thành phố có mức độ ô nhiễm không khí thuộc hàng tồi tệ nhất ở châu Âu và lượng khí thải liên quan đến giao thông đường bộ chiếm khoảng một nửa tổng lượng khí thải PM10 và NOx ở thành phố. Do đó, London xây dựng LEZ như nhắm mục tiêu tới giảm sự phát thải các chất ô nhiễm này từ xe tải với động diesel cũ, xe buýt, xe khách, xe tải, xe buýt nhỏ và các loại xe hạng nặng khác có nguồn gốc từ xe tải.

Kể từ năm 2024, các tài xế điều khiển xe chạy động cơ xăng và diesel có mức phát thải cao tại London có thể sẽ phải trả phí khi di chuyển trên toàn thành phố. Đây là đề xuất mới được thành phố đưa ra nhằm cắt giảm 27% lưu lượng ô tô, hướng tới cải thiện chất lượng không khí và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2030.

Theo một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc áp dụng LEZ ở London đã làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh về hô hấp và tim mạch trong cộng đồng, đồng thời cải thiện chất lượng không khí trong thành phố.

Vì sao vùng phát thải thấp là bí quyết 'lọc phổi' cho các siêu đô thị?- Ảnh 2.

Nghiên cứu mới lập luận rằng hiện tại là thời điểm để đẩy mạnh hành động bằng cách chuyển sang các khu vực không phát thải (ZEZ) trước khi kế hoạch loại bỏ các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch ở châu Âu vào năm 2035 và ở Anh vào năm 2030 đi vào hoạt động

ẢNH: CNN

Đức không ngừng nâng tiêu chuẩn phát thải 

Từ năm 2005 - 2010, thủ đô Berlin, Đức thực hiện chính sách Vùng phát thải thấp và thực hiện thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2005 - 2008: thủ đô Berlin tập trung giảm thiểu các phương tiện giao thông ô nhiễm. Theo đó, các phương tiện có thời hạn sử dụng trên 12 năm sẽ được thay thế bằng các phương tiện hiện đại, sử dụng năng lượng sạch hơn.

Giai đoạn 2 (từ 2008 - 2010), thành phố này chỉ cho phép các phương tiện giao thông đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 mới được đi vào. Lệnh cấm các phương tiện không đạt chuẩn Euro 4 đối với diesel và Euro 1 đối với xăng đã giúp giảm 10% nồng độ PM10 trong không khí tại Berlin. Sau 2010, Đức đã áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 5 và Euro 6 và đến nay, mức tiêu chuẩn khí thải của phương tiện đang áp dụng là tiêu chuẩn Euro 6. Năm 2023, có thêm 21 thành phố áp dụng mô hình LEZ, nâng tổng số thành phố áp dụng mô hình này lên 37 thành phố tại Đức.

Paris mạnh tay cấm phương tiện vào LEZ

Thủ đô Paris, Pháp đã nghiên cứu mô hình vùng phát thải thấp từ đầu những năm 2015 và chính thức triển khai vào năm 2019 và đã điều chỉnh 3 lần. Năm 2015, thủ đô Paris cấm tất cả các phương tiện cũ chạy bằng dầu được đăng ký trước năm 2.000.

Từ đầu năm 2025, thành phố Paris đã chính thức công bố nâng quy định kiểm soát khí thải lần thứ 3. Theo đó, thành phố cấm và hạn chế tất cả các phương tiện ô tô sử dụng xăng hoặc là hỗn hợp xăng điện đăng ký trước năm 2025; phương tiện chạy bằng dầu trước năm 2010 và những phương tiện xe máy đăng ký trước năm 2006.

Vì sao vùng phát thải thấp là bí quyết 'lọc phổi' cho các siêu đô thị?- Ảnh 3.

Ô nhiễm không khí nghiêm trọng thúc đẩy Việt Nam cấp bách triển khai các vùng phát thải thấp, giảm phát thải từ giao thông

ẢNH: ĐINH HUY

Lan rộng tới châu Á

Cùng với sự gia tăng nghiêm trọng của ô nhiễm không khí, các nước khu vực châu Á cũng đang lần lượt theo đuổi mô hình vùng không khí sạch.

Tại Trung Quốc, Bắc Kinh là thành phố tiên phong với lệnh cấm xe máy toàn diện từ năm 1985, và đến năm 2020 khoảng 185 thành phố tại Trung Quốc đã thực hiện lệnh cấm xe máy. Tại Quảng Châu, lệnh cấm được thực hiện theo từng giai đoạn, từ việc hạn chế xe máy không đăng ký lưu thông vào ban ngày cho đến việc cấm hoàn toàn. Chính quyền thành phố cũng hỗ trợ tài chính cho người dân khi giao nộp xe máy, tiêu hủy xe cũ không đạt tiêu chuẩn khí thải, chi 70 tỉ nhân dân tệ trong 5 năm để mở rộng hệ thống giao thông công cộng, bao gồm xe buýt mini và tàu điện ngầm. Đồng thời, các hội chợ việc làm được tổ chức để hỗ trợ những người bị mất việc do lệnh cấm.

Hay như Jakarta, thủ đô (cũ) của Indonesia đã bắt đầu triển khai lệnh cấm xe máy từ năm 2014, theo lộ trình cụ thể. Từ tháng 12.2014 - tháng 1.2015, chính quyền thành phố thí điểm cấm xe máy trên một số tuyến đường chính để người dân làm quen. Sau đó, lệnh cấm được mở rộng dần ra các khu vực trung tâm, đặc biệt là những nơi có hệ thống giao thông công cộng phát triển.

Việc mở rộng LEZ đã giúp nhiều thành phố lớn trên thế giới cải thiện được đáng kể chất lượng không khí vốn đã tồi tệ trong quá trình phát triển đô thị hóa, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, tim mạch của người dân trong vùng.

Một nghiên cứu từ Khoa Kinh tế tại Đại học Bath (Anh) chỉ ra rằng, việc áp dụng LEZ đã giúp giảm 13% lượng bụi mịn (PM10) ở London trong giai đoạn 2008 - 2013, so với mức trước khi áp dụng LEZ (2003 - 2007). Không khí trong lành hơn trong thành phố do LEZ mang lại đã góp phần làm giảm 4,5% các vấn đề sức khỏe lâu dài và giảm 8% các vấn đề về hô hấp như hen suyễn và viêm phế quản. Hơn nữa, báo cáo kết luận rằng LEZ và ULEZ đã giúp tạo ra khoản tiết kiệm chi phí hơn 963 triệu bảng Anh ở Greater London.

Tại Việt Nam, kế hoạch "loại" xe xăng, phủ xe điện đã được nhiều thành phố lớn rục rịch xây dựng từ gần 5 năm trước. Không chỉ lựa chọn phương tiện nào cần siết "đổi màu" trước, các chuyên gia cho rằng mô hình vùng phát thải thấp sẽ là lựa chọn tối ưu để Việt Nam tạo bước đột phá trong hành trình chuyển đổi giao thông xanh.


Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao