Gỡ nút thắt hàng không để du lịch bứt tốc

Ngồn ngộn kế hoạch khai phá thị trường

Năm 2025, du lịch VN đặt mục tiêu đón 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 120 - 130 triệu lượt khách nội địa, vươn đến mốc thu triệu tỉ đồng. Đây là mục tiêu cao, thể hiện quyết tâm lớn đưa du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Theo các chuyên gia kinh tế, du lịch VN đang đứng trước thời cơ lịch sử để trỗi dậy, trở thành quốc gia du lịch của châu Á. Trong bối cảnh đất nước mở cửa mạnh mẽ, các ngành truyền thống đã bão hòa và tất cả mọi người rầm rộ lên đường đi khám phá cái mới, tận hưởng cuộc sống, thì việc VN lựa chọn du lịch làm ngành mũi nhọn để bùng nổ phát triển, để bứt phá là hoàn toàn đúng đắn.

Gỡ nút thắt hàng không để du lịch bứt tốc- Ảnh 1.

Ưu tiên đầu tư nâng cấp hạ tầng sân bay cho các điểm đến tiềm năng là giải pháp cần thiết để du lịch, kinh tế địa phương phát triển

ẢNH: ĐỘC LẬP

Du lịch bùng nổ, hàng không cũng chuyển mình mạnh mẽ sau giai đoạn khó khăn kéo dài. Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA), xác định năm 2025 sẽ là năm bản lề để các hãng hàng không trong nước phát triển mạnh mẽ. Sản lượng khách vận chuyển trong năm tới dự kiến tiếp tục tăng trưởng tốt so cùng kỳ. Trong đó, thị trường quốc tế dự kiến đạt trên 45 triệu khách, tăng trên 11%. Thị trường nội địa cũng dự báo sẽ lội ngược dòng, đạt gần 36 triệu khách, tăng trên 5%. Trong 2025, VNA đặt mục tiêu tổng số chuyến bay đạt trên 156.000 chuyến, tăng trên 12%, tương ứng số khách vận chuyển trên toàn mạng đạt trên 25 triệu khách.

Với rất nhiều kế hoạch sôi động trong giai đoạn tới, lãnh đạo VNA kiến nghị nhà nước ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng sân bay đồng bộ để các hãng hàng không có thể tối ưu nguồn lực, hỗ trợ du lịch phát triển.

Hãng hàng không Vietjet cũng đang đặt mục tiêu tăng gấp đôi mức lãi ròng trong năm 2025, trên cơ sở đẩy mạnh mở rộng các tuyến bay và dự báo lượng khách quốc tế tăng trưởng cao. Trong khi đó, cả Bamboo Airways và Vietravel Airlines đều đang lên kế hoạch tăng đội tàu bay, tiếp tục khai thác trở lại mạnh mẽ hơn nữa trên các đường bay nội địa và bầu trời quốc tế.

Đánh giá chung về tốc độ phát triển của hàng không VN trong giai đoạn tới, ông Stephane Castet, CEO của Advanced Business Events (ABE) nhìn nhận: với nhu cầu 5 tỉ hành khách toàn cầu trong vòng 20 năm tới, đặc biệt tại châu Á, việc bổ sung 40.000 máy bay mới là cấp thiết. Trong đó, VN có lợi thế lớn nhờ vào nguồn nhân lực trẻ, dồi dào và có kỹ năng, cùng các hãng hàng không đầy tham vọng như VNA, Vietjet... Với đà phát triển hiện nay, VN không chỉ trở thành một thị trường tiềm năng cho các nhà đầu tư quốc tế mà còn từng bước khẳng định vị thế như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng không toàn cầu.

"Để tận dụng cơ hội, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, như đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, cải thiện hạ tầng hàng không và thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ, cũng đóng vai trò then chốt trong việc thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào chuỗi cung ứng hàng không quốc tế", ông Stephane Castet nói.

Cấp bách gỡ nút thắt hạ tầng sân bay

Ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không VN, cho rằng câu chuyện tăng trưởng hàng không và du lịch giai đoạn tới sẽ tạo sức ép rất lớn lên hạ tầng sân bay của VN. Mặc dù nhiều sân bay liên tục được nâng cấp, mở rộng nhưng hầu hết sân bay tại các TP lớn đang hoạt động quá công suất. Cả nước có 22 sân bay dân dụng, trong đó có 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa. Tổng công suất toàn mạng sân bay đạt 90,4 triệu lượt khách/năm nhưng từ 2018 đã được khai thác phục vụ gần 105 triệu lượt khách, tới 2019 phục vụ 116 triệu lượt hành khách. Cả 3 sân bay quốc tế lớn nhất của nước ta đều đang quá tải. Do đó, nhà nước cần chính sách ưu tiên cải thiện hạ tầng hàng không để không chỉ đáp ứng mà còn đi trước mở đường cho hàng không và du lịch bứt phá trong vận hội mới.

Gỡ nút thắt hàng không để du lịch bứt tốc- Ảnh 2.

Du lịch kỳ vọng bứt phá tạo động lực cho kinh tế bước vào kỷ nguyên mới

ẢNH: N.A

Nhìn chung tổng quan nền kinh tế, GS-TS Võ Xuân Vinh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh, ĐH Kinh tế TP.HCM) đánh giá để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 8% vào 2025 và tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới, kinh tế VN vẫn phải dựa vào các động lực chính, đó là tiêu dùng, đầu tư, chi tiêu Chính phủ và xuất khẩu. Trong đó, tiêu dùng hiện vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GDP của VN. Sau giai đoạn chững lại vì đại dịch Covid-19, tiêu dùng trong nước đang có xu hướng tăng lên đáng kể. Năm 2024 tăng tới hơn 30% so với 2019.

Khuyến khích người dân chi tiêu, kích thích tiêu dùng luôn là "vũ khí" để các nền kinh tế lớn trên thế giới tạo động lực cho nền kinh tế chuyển động, phát triển. Tuy nhiên, khoảng 77% tỷ lệ tiêu dùng trong nước hiện nay vẫn là hàng thiết yếu, còn dịch vụ, sản phẩm khác chiếm tỷ trọng nhỏ, cho thấy người dân còn tương đối tiết kiệm. Để khuyến khích chi tiêu, cần có những chính sách không chỉ kích cầu người tiêu dùng trong nước mà còn một đối tượng rất quan trọng, đó là du khách nước nước ngoài tới VN. Nếu ngành du lịch hoàn thành mục tiêu đón 22 - 23 triệu khách quốc tế trong năm nay, đồng thời có những sản phẩm, dịch vụ để khách chi tiêu mạnh tay thì đây sẽ là một trong những yếu tố chủ lực thúc đẩy tiêu dùng trong nước trở thành động lực bứt phá kinh tế.

Với quan điểm trên, GS-TS Võ Xuân Vinh nhấn mạnh cần nhanh chóng nhận diện, tháo gỡ các khó khăn để tạo điều kiện thúc đẩy du lịch, trong đó có việc giải nút thắt hạ tầng hàng không. Ông Võ Xuân Vinh nhận xét: Từ trước tới nay, ngành hàng không có xu hướng chú trọng mở rộng thật lớn quy mô các sân bay mang tính chất cửa ngõ như sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Long Thành… trong khi với đặc thù địa hình chữ S, VN có rất nhiều điểm đến hấp dẫn trải dọc đất nước và mỗi khu vực này đều cần kết nối thuận tiện.

Mặt khác, xu hướng hiện nay khách muốn bay thẳng từ điểm A tới điểm B, các hãng hàng không cũng tổ chức nhiều chuyến charter bay thẳng tới các điểm du lịch. Đơn cử, du khách yêu Phú Quốc muốn bay thẳng tới Phú Quốc, thay vì phải bay tới TP.HCM rồi mới tới đảo ngọc. Mất nhiều thời gian di chuyển sẽ làm hạn chế sự lựa chọn của du khách. Do đó, ngành hàng không nên thay đổi tư duy đầu tư, không chỉ tập trung cho một số cảng lớn mà nên dàn đều nguồn lực để đón đầu xu hướng.

Với những điểm đến được xác định là "vũ khí" chính để thu hút khách đến thì nên ưu tiên xây dựng hạ tầng đi trước đón đầu. Đồng thời, có các chính sách cải thiện hạ tầng lưu trú, tập trung phát triển sản phẩm cao cấp, nguồn nhân lực cao cấp, để du khách không chỉ đến đông mà còn ở lại lâu, chi tiêu nhiều.

GS-TS Võ Xuân Vinh

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao