Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) và Hiệp hội CropLife Việt Nam vừa tổ chức lễ ký kết kế hoạch hợp tác triển khai Chương trình Khung quản lý thuốc bảo vệ thực vật bền vững (SPMF) năm 2025.
Sự kiện đánh dấu năm thứ hai triển khai SPMF trong giai đoạn 5 năm (2023 - 2028) giữa Cục Bảo vệ thực vật và CropLife châu Á, nhằm mục tiêu thúc đẩy quá trình chuyển đổi mang tính hệ thống về quản lý và sử dụng các giải pháp bảo vệ thực vật một cách bền vững.
SPMF là một trong những chương trình hoạt động trọng điểm của CropLife quốc tế trên toàn cầu, ưu tiên triển khai tại một số nước ở khu vực châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh.
Trong đó, Việt Nam là một trong 6 quốc gia trên thế giới được lựa chọn để triển khai chương trình từ tháng 7.2023, bên cạnh các nước Kenya, Morocco, Thái Lan, Indonesia và Ai Cập. SPMF có tầm nhìn là tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với các công nghệ bảo vệ thực vật tốt nhất, các phương thức canh tác hiệu quả và bền vững, cũng như đẩy mạnh hợp tác với các bên liên quan.
Năm 2025, hai bên sẽ phối hợp nâng cao năng lực quản lý thuốc, tập trung vào đánh giá rủi ro của thuốc đối với môi trường, thiết lập chỉ số dư lượng thuốc hay đánh giá, phân loại và quản lý thuốc bảo vệ thực vật thế hệ mới; tổ chức hội thảo về quản lý thuốc bảo vệ thực vật thế hệ mới...
Cục Bảo vệ thực vật và CropLife Việt Nam cũng phối hợp quản lý chất lượng, phổ biến quy định pháp luật về kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên các nền tảng số và hỗ trợ phát hiện; xử lý hàng giả, hàng nhái; tập huấn trực tuyến, triển khai chương trình hướng dẫn sử dụng thuốc có trách nhiệm năm thứ 4; xây dựng mô hình thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật tại Đồng Tháp; tăng cường truyền thông về vai trò của thuốc bảo vệ thực vật...
Tại buổi lễ, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết sự hỗ trợ tích cực từ Hiệp hội CropLife Việt Nam đã góp phần gia tăng năng suất, chất lượng, uy tín và giá trị nông sản Việt Nam. Ông Đặng Văn Bảo, Chủ tịch Hiệp hội CropLife Việt Nam, cho rằng xây dựng hệ sinh thái quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả sẽ giúp nông nghiệp phát triển bền vững, đảm bảo lợi ích cho nông dân, doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng nông sản...