Tai nạn giảm sâu cả 3 tiêu chí
Tổng kết tình hình giao thông vận tải năm 2024 của Sở GTVT TP.HCM ghi nhận tai nạn giao thông giảm sâu cả ba mặt so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, trên địa bàn TP giảm 276 vụ tai nạn giao thông, tương ứng giảm 15,88%; giảm 193 người chết (28,89%) và giảm 185 người bị thương (17,65%). Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm gọi đây là "chỉ tiêu hạnh phúc" bởi định lượng rất rõ về tình hình trật tự an toàn giao thông, góp phần mang tới sự bình an cho người dân TP. Cùng với đó, ngành giao thông TP đã xóa 7/9 điểm đen tai nạn, không phát sinh thêm điểm nguy cơ ùn tắc giao thông. "Với ngành giao thông, đây là những con số vô cùng ý nghĩa. Những điểm đen tai nạn là những điểm có nguy cơ gây tai nạn giao thông và thường xảy ra khoảng 2 vụ có người chết trong 1 năm. Do đó, năm nay TP xóa được 7 điểm đen, đây là thành quả rất đáng mừng", ông Trần Quang Lâm nói.
Đặc biệt, sau khi Nghị định 168 chính thức có hiệu lực, ý thức tham gia giao thông của người dân cũng đang có những chuyển biến rất tích cực. Theo Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) Công an TP.HCM, tai nạn giao thông trong giai đoạn từ ngày 1 - 14.1 giảm đáng kể trên cả ba tiêu chí so với thời gian liền kề (từ 18 - 31.12). Cụ thể, toàn TP ghi nhận 31 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 14 người tử vong và 16 người bị thương. So với 2 tuần cuối năm 2024, số vụ tai nạn đã giảm 42 vụ (tương đương 58%), số người chết giảm 1 người (7%) và số người bị thương giảm đến 40 người (71%). Đây là tín hiệu tích cực cho thấy những nỗ lực đảm bảo trật tự an toàn giao thông đang phát huy hiệu quả.
Đại diện PC08 nhận xét: Các hành vi vi phạm phổ biến như vượt đèn đỏ, điều khiển xe đi trên vỉa hè, không đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy… cũng đã được kéo giảm, cho thấy ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực. Bên cạnh đó, tại các giao lộ vào khung giờ cao điểm, mặc dù lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất đông nhưng các phương tiện dừng xe ngay ngắn, đúng vạch, chấp hành nghiêm túc hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. "Những hình ảnh này tuy rất đỗi giản dị nhưng lại mang đến một diện mạo mới cho giao thông TP văn minh, hiện đại", đại diện PC08 nhìn nhận.
Ngoài ra, hiện nay, qua tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, các lực lượng chức năng đã tiến hành khảo sát và triển khai lắp đặt thêm tín hiệu đèn phụ hoặc biển phụ cho phép các phương tiện rẽ phải khi có tín hiệu đèn màu đỏ để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia giao thông cũng như giảm áp lực giao thông tại các giao lộ vào giờ cao điểm. Đến hết ngày 15.1, TP.HCM lắp được 301 bộ đèn tín hiệu cho phép rẽ phải khi đèn đỏ, tại 126 nút giao; mục tiêu đến ngày 19.1 sẽ lắp đặt 500 bộ. Thực tế, qua khảo sát, sau khi hệ thống đèn tín hiệu cho phép rẽ phải khi dừng đèn đỏ được lắp đặt, tình trạng ùn ứ tại các tuyến đường đã được kéo giảm khá nhiều, không còn hình ảnh dòng xe chôn chân tại khu vực trung tâm như tuần trước.
Theo PC08, những điểm mới của Nghị định 168, trong đó trọng tâm là tăng mức phạt tiền và triển khai trừ điểm giấy phép lái xe, đã tạo được sự răn đe, nhắc nhở đối với những trường hợp vi phạm, đồng thời từng bước thay đổi thói quen của người dân khi tham gia giao thông. Từ đó, kéo giảm được tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, hạn chế nguy cơ dẫn đến tai nạn.
Hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng
Tận dụng giai đoạn ý thức tham gia giao thông của người dân được đưa vào khuôn khổ, TP.HCM đang nỗ lực cải thiện hình ảnh của mạng lưới giao thông công cộng, hướng tới chuyển đổi thói quen di chuyển của người dân. Một trong những cơ sở quan trọng nhất là tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã chính thức được đưa vào khai thác thương mại.
Giám đốc Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) Phan Công Bằng thông tin kể từ khi đưa vào vận hành (ngày 22.12.2024), tuyến metro số 1 nhận được sự hưởng ứng và quan tâm rất lớn của người dân và du khách. Mỗi ngày, có hàng trăm ngàn lượt hành khách sử dụng đường sắt đô thị, không chỉ mang tính trải nghiệm mà nhiều người đã chuyển qua dùng metro kết hợp xe buýt thành phương tiện di chuyển đi học, đi làm hằng ngày. Chỉ sau 10 ngày vận hành chính thức, tuyến metro đầu tiên của TP đã phục vụ gần 1,2 triệu lượt hành khách, vượt kế hoạch gần 300%. Những ngày cuối tuần, hoặc lễ, tết, lượng hành khách tăng vọt gây nên tình trạng quá tải ở ga trung tâm Bến Thành (Q.1). "Người dân xếp hàng dài từ dưới tầng B1 lên tới khu vực công viên phía trên nhà ga. Những tín hiệu này cho thấy hệ thống giao thông công cộng mới đáp ứng được nhu cầu và mong đợi của cộng đồng", ông Phan Công Bằng nhận định.
Tuy nhiên, để metro thật sự phát huy hiệu quả, phải hình thành mạng lưới hoàn chỉnh. Hiểu rõ nguyên tắc này, TP.HCM đã mạnh dạn nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch nâng tổng số tuyến metro mục tiêu xây dựng từ 8 tuyến - 174 km (theo quy hoạch cũ) lên 12 tuyến với tổng chiều dài 510 km. Theo đề án đã được Bộ Chính trị phê duyệt, từ nay đến 2035, TP.HCM phải hoàn thành bằng được 7 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 350 km. Số còn lại hoàn thành vào 2045. Như vậy chỉ trong 10 năm tới, metro sẽ phủ khắp mọi khu vực, hình thành mạng lưới giao thông công cộng sức chở lớn khép kín toàn nội đô TP. Mục tiêu này đòi hỏi ngành giao thông TP phải tăng tốc, rút ngắn thời gian hơn rất nhiều so với quy hoạch cũ.
Ông Trần Quang Lâm chia sẻ: Quy hoạch nghe thì có vẻ xa xôi nhưng thực tế lại đang vô cùng cấp bách. Một siêu đô thị như TP.HCM - một trong 20 TP có mật độ dân số lớn nhất thế giới, nhưng mới chỉ có duy nhất một tuyến metro. Vì thế, để giải quyết căn cơ bài toán ùn tắc giao thông thì không có cách nào khác ngoài phát triển hệ thống giao thông công cộng. Muốn giao thông bền vững, đô thị hiện đại thì phải hoàn thiện hệ thống metro càng sớm càng tốt. Bởi lẽ đó, Chính phủ, T.Ư và các cấp có thẩm quyết rất quan tâm, dồn lực để TP đầu tư dứt điểm hệ thống đường sắt đô thị từ nay đến 2035.
"Đây là mục tiêu mà chúng tôi không chỉ tin sẽ làm được mà là bắt buộc phải làm, không thể chần chừ nữa. Sở GTVT đang phấn đấu tới tháng 2, TP sẽ trình Quốc hội để đưa vào chương trình xin Nghị quyết, tới tháng 5 sẽ được thông qua những cơ chế chính sách đặc thù. Những chính sách này vượt trội hơn cả các cơ chế, chính sách của Đường sắt cao tốc Bắc - Nam, hệ thống đường bộ cao tốc cũng như Vành đai 3 TP.HCM. Làm sao để có cơ chế đủ mạnh để làm nhanh, làm gọn, phân cấp phân quyền cho TP chủ động thực hiện quyết tâm phát triển đường sắt đô thị theo đúng quy hoạch", ông Lâm nói.
Giám đốc Sở GTVT TP thông tin thêm: Cùng với việc vận hành tuyến metro số 1, mạng lưới giao thông công cộng của TP đến nay đã cơ bản hoàn hiện, bao gồm xe đạp công cộng, xe điện 4 bánh chở khách du lịch, xe buýt, buýt đường sông và metro… Toàn bộ thông tin về hệ thống giao thông công cộng này hiện đã được tích hợp theo mã QR Code, giới thiệu trong các ấn phẩm trên chuyến bay của một số hãng hàng không, để người dân cả nước cũng như khách du lịch quốc tế khi tới TP có thể dễ dàng truy cập, tìm hiểu thông tin và trải nghiệm.
Quyết liệt dứt điểm những công trình chiến lược
Mặc dù ghi nhận rất nhiều tín hiệu khả quan, song, tình trạng giao thông ùn ứ khi trật tự an toàn giao thông được siết chặt cũng đang bộc lộ rõ nét những bất cập về hạ tầng giao thông của TP.HCM. Mật độ đất dành cho giao thông quá thấp, hệ thống đường xuyên tâm, cửa ngõ, liên tỉnh quá tải, quy hoạch bến bãi, chỗ đậu xe không đáp ứng kịp nhu cầu… những tồn tại này đã diễn ra trong rất nhiều năm và đang ngày càng trở nên bức thiết.
Trao đổi thêm về nhiệm vụ của ngành giao thông trong 2025, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho biết: Kết thúc 2024, TP đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng 20 gói thầu, công trình quan trọng hỗ trợ giảm ùn tắc cho mạng lưới giao thông đô thị TP như cầu Phước Long, cầu Nam Lý, cầu Rạch Đĩa… Từ nay đến Tết Nguyên đán, Ban Giao thông sẽ đưa thêm 10 dự án về đích, phục vụ bà con đi lại dịp cao điểm. Do áp lực giao thông rất căng thẳng nên những công trình ngay khi đưa vào sử dụng đã lập tức phát huy tác dụng, nhận được sự đánh giá tích cực từ người dân TP.
Trong năm 2025, hàng loạt công trình, dự án cũng sẽ tiếp tục chuyển động tích cực. Trong đó, Ban Giao thông sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông khu vực phía nam TP.HCM bằng việc khởi công loạt công trình như cầu Rạch Tôm, Rạch Dơi, mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ, xây dựng đường kết nối QL50 - Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Tạo với cao tốc Bến Lức - Long Thành. Đồng thời, khởi công cầu đường Nguyễn Khoái, nghiên cứu trục động lực 50B và hoàn tất QL50… Những công trình trên sẽ mở ra các trục đường mới, khơi thông hạ tầng giao thông, chia sẻ áp lực cho hàng loạt tuyến đường vốn quá tải tại khu Nam.
Tương tự, ở phía tây, đường Tân Kỳ Tân Quý sẽ tiếp tục được nghiên cứu mở rộng đoạn còn lại (Q.Tân Bình) để đảm bảo đồng bộ với đường Tân Kỳ Tân Quý, cầu Tân Kỳ Tân Quý mới mở rộng. Kết hợp cùng tuyến Cộng Hòa – Trần Quốc Hoàn, mở rộng các đường Trường Chinh, Cộng Hòa… nút thắt giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất về cơ bản sẽ được giải quyết thông thoáng.
Còn ở khu Đông TP, các hạng mục của dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy sẽ hoàn thiện trong năm 2025, góp phần giải quyết ùn ứ cho tuyến đường ra vào cảng Cát Lái. Đồng thời, đường liên cảng Cát Lái cũng sẽ được đầu tư, xây dựng nối từ cụm cảng Cát Lái Long Bình đến đường Vành đai 3. TP cũng sẽ khởi công các đường Nguyễn Thị Định, Lương Định Của, đoạn đầu của cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (khoảng 4 km) sẽ được mở rộng đồng bộ với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cho Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Tất cả dự án trên sau khi hoàn thành sẽ sẵn sàng kết nối với sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) trong thời gian tới. Với hàng loạt dự án trọng điểm, khu Đông TP sẽ cơ bản giải quyết được tình trạng ùn ứ, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng theo ông Lương Minh Phúc, Ban giao thông xác định 2025 là năm của những dự án kết nối liên vùng, với việc khởi công cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đẩy nhanh tiến độ đường Vành đai 3, tiếp tục khép kín Vành đai 2, thông qua chủ trương đầu tư đường Vành đai 4. Đồng thời, mở rộng các tuyến cao tốc cửa ngõ như TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, hoàn thiện thông xe cao tốc Bến Lức - Long Thành… "Giai đoạn biến đổi của giao thông TP đã chính thức bắt đầu. Lãnh đạo TP đã xác định phải dồn lực ưu tiên đầu tư dứt điểm các hạ tầng chính, mang tính chiến lược để giao thông thực hiện sứ mệnh đi trước mở đường, đưa TP.HCM bước vào giai đoạn phát triển mới, kỷ nguyên mới cùng với đất nước", ông Lương Minh Phúc nhấn mạnh.
TP.HCM sẽ dùng AI để giải quyết ùn ứ, tối ưu hóa chu kỳ đèn tín hiệu
Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM đang triển khai ứng dụng AI trong công tác quản lý, điều hành giao thông đô thị như ứng dụng kỹ thuật học máy trong việc thu thập dữ liệu. Hiện Cổng thông tin giao thông TP đang sử dụng thuật toán để theo dõi các điểm thường xuyên xảy ra tình trạng đông xe, ùn ứ trên địa bàn TP. Ông Đoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm, cho biết TP.HCM đã bắt đầu ứng dụng AI học sâu (deep learning), cụ thể là phân tích dữ liệu thời gian thực - AI sử dụng dữ liệu từ cảm biến để theo dõi lưu lượng giao thông theo thời gian thực. Các hệ thống này có khả năng nhận diện mật độ phương tiện, tốc độ di chuyển, và các yếu tố khác ảnh hưởng đến dòng giao thông. Đối với camera giám sát giao thông, hệ thống AI có thể tự động phát hiện các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, tự động lưu trữ dữ liệu video vi phạm, trích xuất dữ liệu dùng chung và đưa ra thông báo cảnh báo phương tiện vi phạm.
Tất cả những dữ liệu thu thập được từ các cảm biến được lưu trữ trong một "data lake" (hồ dữ liệu). Sau đó sử dụng dữ liệu đã được sàng lọc và chuẩn hóa, AI có thể xây dựng một bản sao số (digital twins) với những yếu tố đầu vào có thể thay đổi được nhằm đánh giá tác động ngược trở lại vào mô hình và thực trạng. TP.HCM cũng ứng dụng kết quả nghiên cứu của các mô hình"hybrid model-based" kết hợp với AI để cải thiện hoạt động giao thông trên các tuyến đường trục như Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Phạm Văn Đồng… Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục nghiên cứu mở rộng việc tối ưu hóa chu kỳ đèn tín hiệu, quản lý lưu lượng theo mạng lưới trên một số khu vực trọng điểm ở TP.HCM như sân bay Tân Sơn Nhất, trung tâm TP, mở rộng trong lĩnh vực giao thông công cộng.
Theo Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm, khối lượng vận tải hành khách công cộng năm 2024 của TP.HCM đã đạt 504,4 triệu lượt hành khách, tăng 19,9% so với cùng kỳ 2023, đạt 105,6% so với kế hoạch năm. Chất lượng phương tiện cả về dịch vụ và đoàn phương tiện cũng tăng khi TP hiện có hơn 600 xe buýt "xanh" chạy bằng điện và CNG, chiếm tỷ lệ 30%. Chắc chắn TP.HCM có thể thực hiện mục tiêu "đổi màu" phương tiện xe buýt sang xanh 100% từ nay đến 2030. Qua đó, không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn nâng cao chất lượng phương tiện, thu hút người dân sử dụng giao thông công cộng nhiều hơn.