Tháng đầu tiên của năm 2025, giá vàng thế giới liên tục biến động mạnh, có tăng, có giảm nhưng xu thế chủ đạo là tăng.
Ngày 25.1, giá vàng thế giới ở mức 2.771,6 USD/ounce, giảm nhẹ gần 5 USD/ounce so với cuối ngày hôm qua. Tuy nhiên, tại thị trường trong nước, giá vàng SJC vẫn đứng yên ở mức 88,9 triệu đồng/lượng.
Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia vàng Trần Duy Phương đánh giá, từ đầu năm tới nay, xu hướng giá vàng tăng bị tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố mùa vụ. Cuối năm là mùa lễ hội, tết, cưới hỏi tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Hàn Quốc..., dẫn tới cao điểm nhu cầu về vàng.
Cạnh đó, động thái của ông Donald Trump sau khi chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ cũng có những yếu tố có thể gây rủi ro cho thị trường tài chính thế giới. Ví dụ, ông Trump tuyên bố muốn sáp nhập Canada, muốn mua kênh đào Panama… làm căng thẳng địa chính trị thế giới gia tăng với khả năng dùng vũ lực. Việc Mỹ tuyên bố đánh thuế với hàng hóa các nước lớn cũng dễ tạo chiến tranh thương mại.
Khi thấy các khả năng bất ổn có thể xảy ra trong tương lai, xu hướng là giới đầu tư sẽ dồn lực mua vàng, tạo chu kỳ tăng giá.
Số liệu gần đây cho thấy, lạm phát tại Mỹ đang có xu hướng chững lại và giảm, tạo tiền đề để Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất. Thay vì tiến hành hạ lãi suất khoảng 2 lần trong 2025, Fed có thể sẽ nâng lên 3 lần.
"Tôi cho rằng, giá vàng sẽ tiếp tục đà tăng trong 6 tháng đầu năm và mức tăng cao nhất khoảng 2.900 USD/ounce, khó có thể lên tới 3.000 USD/ounce như một số dự báo. Tất nhiên, trong quá trình đó, giá vàng sẽ diễn biến tăng giảm đan xen, song mức giảm sẽ thấp hơn mức tăng. Ví dụ, sau nhịp tăng 100 USD/ounce, giá vàng có thể có nhịp giảm 50 USD/ounce", ông Phương nói.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng nhìn nhận, sau khi ông Trump chính thức nhậm chức, những động thái của tân Tổng thống Mỹ có thể mang tới rủi ro cho thị trường tài chính.
"Những sắc lệnh mang tính toàn cầu như áp thuế lên hàng hóa từ Canada, Mexico; sắc lệnh đổi tên vịnh Mexico thành vịnh America cũng như việc ông Trump có dự tính lấy lại kênh đào Panama… làm dấy lên lo âu của giới tài chính. Có thể những biện pháp như thế sẽ đem lại biến động lớn trong nước Mỹ và trên thế giới, thúc đẩy xu hướng lao vào vàng như nơi trú ẩn an toàn", ông Hiếu phân tích.
Vị chuyên gia dự báo, giá vàng năm nay có thể tăng lên cao nhất khoảng 2.800 USD - 2.900 USD. Ngay 3 tháng tới, dự báo giá vàng có thể chạm mốc 2.800 USD/ounce.
Cẩn trọng xuống tiền mua vàng
Về thị trường vàng trong nước, ông Phương phân tích, gần đây nhu cầu vàng gia tăng phù hợp quy luật hàng năm.
Thông thường, 10 ngày trước và sau tết Nguyên đán, nhu cầu vàng trong nước luôn tăng mạnh. Đây là thời điểm người dân tổng kết công việc làm ăn, tích lũy trong năm, sử dụng tiền tiết kiệm được để đi mua vàng tích trữ hoặc phục vụ cưới hỏi.
Đầu năm mới, người dân cũng có xu hướng mua vàng lấy may. Mỗi người có thể chỉ mua một vài chỉ nhưng cả trăm nghìn người cùng đi mua vàng góp phần làm tăng nhu cầu về vàng dịp cận và sau tết.
"Giai đoạn này, giá vàng trong nước có thể tách biệt với giá vàng thế giới. Ví dụ, giá vàng thế giới có giảm nhưng giá vàng trong nước đứng yên, thậm chí vẫn tăng lên.
Điểm cần đặc biệt lưu ý là sau ngày vía Thần tài (mùng 10 tháng giêng âm lịch), khả năng cao giá vàng trong nước sẽ giảm. Người muốn dồn tiền mua vàng để đầu tư trong lâu dài cần hết sức lưu ý", ông Phương nói.
Theo ông Hiếu, năm nay, nguồn cung vàng khan hiếm nên giá vàng dịp vía Thần tài sẽ tăng, thậm chí có thể tăng mạnh. Tuy nhiên, ngay sau ngày vía Thần tài, thường giá vàng sẽ giảm khá sâu. Vị chuyên gia cũng lưu ý: "Người dân mua một chút lấy may thì được, nhưng nếu tính chuyện mua vàng đầu tư thì nên cân nhắc xuống tiền đúng thời điểm để tránh thiệt thòi".