Bất nhất trong quy định vùng
Cụ thể, Quyết định 397 của Tập đoàn xăng dầu VN (Petrolimex) quy định, giá bán xăng dầu tại các địa phương thuộc vùng 2 (xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu) có chi phí thực tế phát sinh hợp lý, hợp lệ tăng cao được tăng thêm tối đa không quá 2% so với giá điều hành công bố tại địa bàn vùng 1 cùng thời điểm. Có 46 tỉnh thành nằm trong danh mục vùng 2, tuy nhiên ở nhiều nơi phản ánh quy định này tạo sự không công bằng. Đơn cử, một số doanh nghiệp tư nhân (DNTN) bán lẻ xăng dầu tại Bình Phước (thuộc vùng 2) phản ánh, từ tháng 7.2024 đến nay, các đại lý bán lẻ xăng dầu của Petrolimex bán theo giá vùng 1, còn các DNTN khác vẫn bán theo giá vùng 2 dẫn tới sự cạnh tranh không công bằng.
Ông Phương Lê, đại diện một DNTN bán lẻ xăng dầu tại Bình Phước, cho hay trước năm 2022, giá bán xăng dầu trên địa bàn tỉnh đều theo giá vùng 1 (quy định Petrolimex đưa ra). Tuy nhiên, do xung đột địa chính trị Nga - Ukraine, giá xăng dầu biến động mạnh, nhiều cửa hàng bán lẻ đóng cửa vì thua lỗ. Tại thời điểm đó, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã chuyển sang bán giá vùng 2 bao gồm các đại lý của Petrolimex.
Thế nhưng, từ quý 3/2024 đến nay, Petrolimex chưa có quy định mới nào nhưng cho hệ thống đại lý của công ty tự động chuyển sang bán giá của vùng 1. "Quy định một đằng nhưng làm một nẻo khiến nhiều khách hàng lớn mua xăng dầu chuyển sang mua của Petrolimex. Giá bán thấp hơn thì quá tốt cho người tiêu dùng (NTD), nhưng đầu mối lại không tính chi phí vận tải từ 300 - 400 đồng/lít cho phía bán lẻ nữa. Cho nên muốn giữ khách hàng, DN bán lẻ xăng dầu tư nhân buộc chuyển sang bán giá vùng 1 thấp hơn mới cạnh tranh được", ông Phương Lê cho biết.

Quy định vùng 2, bán theo giá vùng 1 tại Bình Phước
ẢNH: BẠN ĐỌC CUNG CẤP
Theo bảng giá bán lẻ xăng dầu của Petrolimex công bố ngày 21.4, giá bán lẻ xăng dầu vùng 1 thấp hơn vùng 2 từ 340 - 380 đồng. Cụ thể, giá xăng RON 95-III vùng 1 là 18.850 đồng/lít, vùng 2 là 19.220 đồng/lít, xăng E5 RON92 lần lượt 18.490 đồng và 18.840 đồng/lít, dầu diesel lần lượt 17.560 đồng và 17.910 đồng/lít… Khoản chênh lệch tăng đối với bảng giá vùng 2 được coi như chi phí vận chuyển hàng hóa từ kho, nhà máy về nhà bán lẻ.
Một DN bán lẻ khác giải thích: "Do các đầu mối tự quyết giá bán theo giá công bố, nên việc bán theo giá nào, mức chiết khấu sẽ áp theo vùng đó. Chẳng hạn, nếu bán theo giá vùng 1 sẽ không có chi phí vận chuyển 350 - 400 đồng/lít, vùng 2 cộng thêm chi phí. Trong khi đó là chi phí thực tế, DN bán lẻ tại Bình Phước không thuộc hệ thống đại lý của Petrolimex Bình Phước, mua xăng dầu về phải chịu phí vận chuyển này nếu muốn bán theo giá vùng 1 để cạnh tranh…".
Đáng nói, nhiều địa phương có đủ nhà máy lọc dầu, kho bãi phong phú, người dân và DN nơi đó vẫn phải mua xăng dầu theo giá vùng 2. Như Thanh Hóa có Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, có hệ thống kho, cảng được các DN đầu mối đầu tư lớn, có thể lấy trực tiếp xăng dầu từ đường ống nối với nhà máy. Thế nhưng bao năm qua, NTD và DN tại Thanh Hóa, Nghệ An sát bên nhà máy lọc hóa dầu vẫn phải mua bằng giá vùng 2 đắt hơn.
Chị Lê Dung, ngụ Thanh Hóa, bức xúc: "Một xe chở hàng của gia đình đổ mỗi lần 80 lít dầu, mua đại lý sát nhà máy nhưng phải trả cao hơn khoảng 40.000 - 50.000 đồng. Đây là quy định bất công cho người tại địa phương có nhà máy lọc dầu, có hệ thống kho chứa lớn. Rất khó hiểu với quy định giá vùng 1, vùng 2 hiện nay".

Chiết khấu xăng dầu ngày 19.4 tại thị trường vùng 1
ẢNH: PETROLIMEX
Nên bỏ giá bán theo vùng?
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty xăng dầu Hải Âu, phân tích: "Trong thực tế bán theo giá của vùng nào là thuộc quyền quyết định của DN đầu mối, và DN này lại đang chi phối thị trường. Thế nên, khi đầu mối lớn cho hệ thống cửa hàng bán lẻ của mình bán theo giá vùng 1, bao tiêu chi phí vận chuyển, có nghĩa là bán tại vùng 2 theo giá vùng 1, DN vẫn có lãi. Thế nên chúng tôi đề xuất cần tách bạch các khâu trong phân phối để xác định chi phí, lợi nhuận, nhưng đến nay DN đầu mối lớn vẫn không làm", và nói thêm: "Kinh doanh cần tôn trọng thị trường. Đã đề ra cuộc chơi, mình đang làm chủ sân chơi thì cần tách bạch các khoản phí rõ ràng, minh bạch và cạnh tranh công bằng. Ngoài ra, với các địa phương có nhà máy lọc dầu nhưng người dân phải mua xăng dầu giá cao là chưa hợp lý. Nếu địa bàn rộng lớn, có thể cho giá 2 vùng, không nên áp theo một giá như vậy thiệt hại cho NTD".
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN, xác nhận: Quy định giá bán xăng dầu theo vùng 1 và 2 là của DN đầu mối ban hành, không phải cơ quan quản lý đưa ra. Trong thực tế, áp giá theo vùng thế này chưa chính xác hoàn toàn, bởi tùy thuộc vào tính toán chủ quan của DN. Nên nếu sau này, khi nghị định về kinh doanh xăng dầu mới được ban hành, giá xăng dầu do DN tự quyết, dựa trên tính toán chi phí thì quy định giá bán theo vùng chắc chắn phải bỏ.
Lúc đó, thị trường xăng dầu thuận theo cơ chế thị trường, bán ở đâu và giá thế nào để bảo đảm chi phí cho DN mà không vượt quá mức quy định. DN tính toán chi phí tốt sẽ hạ giá bán, có lợi cho NTD, cho thị trường. Đây có thể là tiền đề tạo ra sân chơi cạnh tranh về sau, thuận mua vừa bán. Bởi các DN bán lẻ cũng có quyền lấy hàng từ nhiều nguồn hơn, không bị buộc phải ký với một thương nhân phân phối để bị áp giá.
"Nghị định về kinh doanh xăng dầu mới được kỳ vọng sẽ đi theo hướng thị trường, cố gắng giảm chi phí thấp nhất, mục tiêu là tạo sân chơi có sự cạnh tranh trong mua bán, nguồn hàng và phải có lợi cho NTD", ông Bảo nói.