Đường về quê tết này thoáng hơn

Chạy nước rút các tuyến cao tốc phía đông

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) vừa thông tin về phương án tổ chức giao thông giai đoạn khai thác tạm 2 đoạn thuộc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Đường về quê tết này thoáng hơn- Ảnh 1.

Hai đoạn thuộc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ được đưa vào khai thác tạm phục vụ cao điểm Tết Nguyên đán

ẢNH: PHẠM HỮU

Theo đó, đoạn đầu tuyến qua Long An dài gần 4 km và cuối tuyến ở Đồng Nai hơn 7 km sẽ được thông xe trước Tết Nguyên đán nhằm giảm áp lực giao thông cho khu vực này. Cụ thể, đoạn đầu tuyến qua Long An sẽ được thông xe bao gồm cả nút giao với tuyến TP.HCM - Trung Lương và vị trí giao với QL1. Đoạn cuối tuyến qua Đồng Nai cũng bao gồm thông xe cả hai nút giao với đường BOT 319 và giao lộ QL1 tại H.Long Thành.

Theo Cục Đường bộ, đây là phương án tổ chức giao thông tạm, nhằm kết nối cao tốc với các trục đường xung quanh giúp giảm mật độ xe, hạn chế ùn tắc, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Trong đó, phương án dự kiến được đưa ra là đoạn đầu tuyến chỉ cho ô tô tải dưới 10 tấn, xe khách, ô tô loại nhỏ cùng xe phục vụ dự án; cứu hỏa, cứu thương lưu thông. Đoạn này cho phép tốc độ tối đa 40 km/giờ (qua nút giao) và 60 km/giờ (ngoài nút giao). Đối với đoạn cuối tuyến, tốc độ tối đa cho phép khu vực ngoài nút giao là 100 km/giờ và tối thiểu 60 km/giờ. Đoạn này chỉ cho ô tô chạy, cấm xe máy, người đi bộ...

Hiện nay, các công nhân, kỹ sư, nhà thầu đang làm việc không ngừng nghỉ, chia thành 3 ca với 7 mũi thi công mỗi ngày để đưa các tuyến vào khai thác đúng tiến độ.

Khởi công năm 2014, cao tốc Bến Lức - Long Thành có tổng chiều dài gần 58 km, đi qua Đồng Nai, TP.HCM và Long An, tổng mức đầu tư 31.300 tỉ đồng. Đây là dự án cao tốc lớn nhất phía nam giúp liên kết hai vùng Đông và Tây Nam bộ, giảm ùn tắc cho TP.HCM.

Sau khi được thông xe tạm 2 đoạn này, các xe lưu thông từ TP.HCM về Bà Rịa-Vũng Tàu qua phà Cát Lái vào các tuyến đường nội tỉnh Đồng Nai để đến nút giao đường vào cảng Phước An rồi lên cao tốc Bến Lức - Long Thành hướng ra QL51. Ngoài ra, các xe lưu thông trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, muốn né điểm ùn tắc thường xuyên ở nút giao QL51 thì rẽ vào đường 319 rồi lên cao tốc Bến Lức - Long Thành, để ra lại nút giao QL51, đoạn gần giáp ranh tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Như vậy, đường đi miền Đông tết này sẽ được giảm tải rất lớn, đồng thời hạ nhiệt cho các hướng từ TP.HCM về Nha Trang, Đà Lạt…

Đường về quê tết này thoáng hơn- Ảnh 2.

Trục đường Tân Kỳ - Tân Quý mới hoàn thành mở rộng, giảm tải khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất

ẢNH: PHẠM HỮU

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh cũng đã có công điện gửi Cục Đường cao tốc, Cục Đường bộ, các ban Quản lý dự án (QLDA), nhà đầu tư yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông đảm bảo khai thác đồng bộ.

Báo cáo của các đơn vị cho thấy tiến độ thực hiện 8 dự án trạm dừng nghỉ hiện nay còn rất chậm; một số khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục triển khai xây dựng chưa được giải quyết triệt để, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu hoàn thành các dự án theo đúng tiến độ hợp đồng, đặc biệt là mục tiêu cấp bách hoàn thành các công trình dịch vụ công thiết yếu (khu vệ sinh, bãi đỗ xe). Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu giám đốc các ban QLDA 6, 7, 85, Ban Thăng Long, Ban Đường Hồ Chí Minh cử lãnh đạo ban trực tiếp cùng cán bộ, chuyên viên bám sát hiện trường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, nhà đầu tư và các cơ quan liên quan để tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc. Trường hợp không kịp tiến độ, cần tổ chức các trạm dừng nghỉ tạm để phục vụ người dân và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến cao tốc trong dịp tết.

Loạt dự án về đích, mở cửa ngõ

Khi các tuyến cao tốc, quốc lộ đã sẵn sàng cho mùa cao điểm thì phía trong TP, các dự án huyết mạch mở cửa ngõ cũng bắt đầu lần lượt về đích.

Đường về quê tết này thoáng hơn- Ảnh 3.

Hành khách tới Bến xe miền Đông mới để mua vé tết về quê sớm

ẢNH: PHẠM HỮU

Sáng 21.1 tới, Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP sẽ tổ chức lễ thông xe cầu Tân Kỳ Tân Quý. Dự án khởi công lần đầu năm 2018 với vốn đầu tư 312 tỉ đồng theo hình thức BOT, dự kiến hoàn thành cùng năm. Tuy nhiên, đến tháng 12.2018, khi đã thực hiện được khoảng 70% khối lượng thì công trình phải tạm dừng thi công do vướng mặt bằng và không phù hợp với các quy định về phương thức đầu tư.

Tới cuối năm 2022, UBND TP.HCM mới tìm ra hướng giải quyết, ban hành quyết định dừng, chấm dứt triển khai dự án xây dựng bổ sung cầu mới Tân Kỳ Tân Quý theo hình thức hợp đồng BOT để chuyển sang đầu tư công và hoàn thiện nốt phần cầu còn lại. Trải qua hơn 6 năm khó khăn, cây cầu mới được thiết kế với chiều dài 80 m, rộng 16 m, đường dẫn 225 m sẽ đồng bộ với đường Tân Kỳ Tân Quý mới hoàn thành mở rộng, hình thành trục giao thông thông suốt từ QL1A đến trung tâm TP và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Đây là một trong 10 dự án trọng điểm giảm ùn tắc khu vực cửa ngõ sân bay.

Cùng ngày khánh thành cầu Tân Kỳ Tân Quý, chủ đầu tư sẽ thông xe giai đoạn 1 từ đường hầm Phan Thúc Duyện (đầu tuyến) đến Hoàng Hoa Thám và hoàn thành toàn bộ 3 vị trí đấu nối từ tuyến đường vào nhà ga T3 (trên cao và dưới đất, sẵn sàng để Nhà ga T3 thi công các hạng mục kết nối giao thông) thuộc công trình xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa. Như vậy, ngay trước thềm Tết Nguyên đán 2025, khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có 4 hạng mục dự án trọng điểm hoàn thành.

Cũng trong ngày 21.1, Ban Giao thông sẽ đồng loạt thông xe, đưa vào sử dụng phục vụ người dân nhiều dự án (không tổ chức lễ), bao gồm: Công trình mở rộng đường Hoàng Hoa Thám; đường Lương Định Của (đoạn từ Nguyễn Hoàng đến nút giao Trần Não) hoàn thành nâng cấp, mở rộng (đoạn này sẽ tồn tại một rào chắn để tiếp tục thi công tại khu vực gần nút giao Trần Não do vị trí này được bàn giao mặt bằng trễ); thông xe giai đoạn 1 trên toàn tuyến công trình nâng cấp mở rộng đường Dương Quảng Hàm; thông xe 1 đơn nguyên dự án xây dựng mới cầu Tăng Long. Đối với công trình xây mới cầu Bà Hom, Ban Giao thông cho biết sẽ thông xe toàn bộ phần cầu chính vào 26.1. Nhìn chung, cửa ngõ phía đông TP sẽ có thêm rất nhiều luồng giao thông giảm ùn tắc cho dịp cao điểm cận tết.

Tương tự, ở phía nam TP, công trình xây dựng nút giao Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ sẽ hoàn tất toàn bộ khối lượng công việc trên nóc 2 hầm HC1, HC2 và đưa toàn bộ 2 đường hầm, khu vực giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ vào khai thác, phục vụ người dân vào 21.1.

"Cùng với 10 công trình đã thông xe từ đầu năm đến nay, Ban Giao thông đã hoàn tất 100% mục tiêu hoàn thành thông xe 20 gói thầu, công trình, dự án trong năm 2024 và trước Tết Nguyên đán 2025 như kế hoạch đã đề ra", lãnh đạo Ban Giao thông tổng kết.

Chủ động kế hoạch giảm ách tắc

Hướng về miền Tây, từ năm ngoái khi cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đồng loạt đưa vào khai thác, đường về quê của những người con miền Tây đã bớt nhọc nhằn hơn rất nhiều.

"Trước đây mỗi lần tết về quê phải tranh thủ dậy từ sáng sớm, mà tới trưa mới về đến nhà, giờ thì đi chỉ khoảng hơn 2 giờ là tới. Tuy chạy xe máy, không được đi cao tốc nhưng nhờ ô tô chuyển hết qua cao tốc, nên chạy quốc lộ cũng nhẹ nhàng hơn nhiều. Có điều, thêm đường nhưng xe cũng thêm nên về cơ bản đường vẫn đông xe, ùn ứ những ngày cao điểm. Vì thế nên năm nay công ty cho nghỉ sớm, tôi cũng tranh thủ về sớm luôn từ 25 tết cho khỏe", theo chia sẻ của chị Ngọc Hiền, ngụ Q.7 (TP.HCM), quê ở Tiền Giang.

Giống như chị Ngọc Hiền, do năm nay Tết Nguyên đán không có ngày 30 và nhiều doanh nghiệp ít việc cũng cho nhân viên nghỉ sớm để giảm chi phí nên có khá nhiều người lao động đã rải rác về quê sớm từ 1 - 2 tuần qua. Hiện tượng này được ghi nhận khá rõ tại các bến xe liên tỉnh và ga tàu xuất phát từ TP.HCM. Lưu lượng phương tiện rải sớm có thể giúp các trục đường liên tỉnh bớt căng thẳng trong những ngày cao điểm sắp tới, nhưng lại đang tạo áp lực khá lớn cho các tuyến đường nội đô và cửa ngõ TP.HCM những ngày qua.

Sở GTVT TP.HCM dự báo nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán 2025 (từ ngày 19.1 - 7.2) tại một số khu vực như các bến xe liên tỉnh, bến phà, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Ga Sài Gòn... đều tăng so với năm trước.

Để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân và vận tải hàng hóa, Sở GTVT đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các nhiệm vụ theo chức năng. Trong đó, lên sẵn phương án tổ chức, điều tiết phân luồng không để phát sinh ùn tắc kéo dài; đảm bảo đủ phương tiện phục vụ người dân; kịp thời thông tin phương án tổ chức, phân luồng giao thông, kế hoạch phục vụ hoạt động vận tải và hướng dẫn người dân lựa chọn phương tiện, thời gian đi lại phù hợp; không để hành khách về quê ăn tết chậm do thiếu phương tiện… Đặc biệt, các đơn vị sẽ thường xuyên theo dõi hệ thống đèn tín hiệu giao thông, camera quan sát giao thông để kịp thời phối hợp điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng đề nghị chủ đầu tư các trạm BOT trên địa bàn TP phối hợp và kịp thời có phương án phối hợp điều tiết giao thông, mở trạm, tạm dừng thu phí (xả trạm) khi xảy ra ùn tắc giao thông theo đúng quy định; Cảng vụ Hàng không Miền Nam, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bố trí lực lượng điều tiết, hướng dẫn phân luồng linh hoạt…

Khánh thành dự án hồi sinh dòng kênh ô nhiễm tại Q.5 (TP.HCM)

Sáng nay (17.1), Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức lễ khánh thành công trình xây dựng đoạn kênh Hàng Bàng trên địa bàn Q.5 và phát động trồng cây, bảo vệ môi trường.

Tuyến kênh Hàng Bàng đi qua địa bàn Q.5 và Q.6, có điểm đầu giao với kênh Tân Hóa - Lò Gốm; điểm cuối giao với kênh Tàu Hủ với tổng chiều dài 1,7 km, là một trong những tuyến kênh thoát nước đã bị ô nhiễm nặng nề với hàng trăm hộ dân sinh sống trên kênh, nhiều đoạn đã bị bồi lấp, phủ đầy cỏ rác và nước thải ô nhiễm.

Năm 2019, một đoạn 220 m ở hai đầu tuyến kênh đã được cải tạo, nâng cấp và đưa vào phục vụ người dân thông qua việc triển khai dự án Cải thiện môi trường nước TP giai đoạn 2. Từ năm 2019 đến nay, 750 m kênh tiếp theo từ đường Mai Xuân Thưởng đến kênh Vạn Tượng (Q.5) được nâng cấp, cải tạo bằng nguồn vốn đầu tư công của TP. Sau khi khánh thành công trình này, Ban Giao thông cho biết sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, phê duyệt Dự án cải tạo Kênh Hàng Bàng (giai đoạn 3), đoạn từ đường Bình Tiên đến đường Mai Xuân Thưởng trong năm 2025.

Đường về quê tết này thoáng hơn- Ảnh 4.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao