Mở cầu, đường thông lối vào sân bay
Sáng nay (21.1), dự án xây dựng mới cầu Tân Kỳ Tân Quý (Q.Bình Tân, TP.HCM) chính thức khánh thành, thông xe trong niềm hân hoan chào đón của hàng ngàn người dân sinh sống và làm việc quanh khu vực này. Đây là niềm mong mỏi của họ trong suốt hơn 6 năm qua, bởi quãng thời gian dự án gặp khó khăn, đình trệ đã tác động không nhỏ tới đời sống người dân.
Dự án này khởi công lần đầu năm 2018 với vốn đầu tư 312 tỉ đồng theo hình thức BOT, dự kiến hoàn thành cùng năm. Tuy nhiên, đến tháng 12.2018, khi thực hiện được khoảng 70% khối lượng thì công trình phải tạm dừng thi công do vướng mặt bằng và không phù hợp với các quy định về phương thức đầu tư. Tới cuối năm 2022, UBND TP.HCM mới tìm ra hướng giải quyết, ban hành quyết định dừng, chấm dứt triển khai dự án xây dựng bổ sung cầu mới Tân Kỳ Tân Quý theo hình thức hợp đồng BOT để chuyển sang đầu tư công và hoàn thiện nốt phần cầu còn lại. Hơn 5 năm kể từ khi khởi công cho tới lúc được tái thi công, khối bê tông mang hình cầu Tân Kỳ Tân Quý mới chỉ thấy được phần giữa cầu, xung quanh được bao bọc bởi lô cốt và chính quyền phải làm cây cầu tạm bợ bằng sắt để người dân đi lại trong thời gian chờ đợi.
"Đi lại khó khăn, đường sá thì bụi bặm, phần cầu dang dở bỗng trở thành điểm tập kết rác hoặc nơi phóng uế bừa bãi, vô cùng nhếch nhác. Những hộ buôn bán, làm ăn ở đây cũng thiệt hại nặng nề. Dọc từ tuyến đường Tân Kỳ Tân Quý cho tới cầu Tân Kỳ Tân Quý mới này, ai cũng mong muốn công trình hoàn thành càng sớm càng tốt để người dân đi lại, sinh hoạt, kinh doanh thuận lợi", anh Trần Thanh Minh, chủ tiệm cắt tóc trên đường Tân Kỳ Tân Quý, chia sẻ.
Trải qua hơn 6 năm khó khăn, cây cầu mới cùng đường dẫn với tổng chiều dài 385 m; mặt cắt ngang 30 m (6 làn xe) trải nhựa mới khang trang, sạch đẹp đã chính thức khánh thành, đồng bộ với đường Tân Kỳ Tân Quý vừa hoàn thành mở rộng cuối năm qua. Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông), cho biết việc thông xe, đưa vào khai thác cầu Tân Kỳ Tân Quý mới để kết nối với đường Tân Kỳ Tân Quý sẽ tạo thành trục giao thông kết nối từ QL1A về trung tâm TP, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực, góp phần cho sự phát triển KT-XH của TP.HCM thời gian tới. Đây cũng là một trong 10 dự án trọng điểm giảm ùn tắc khu vực cửa ngõ sân bay. Đồng thời, việc thông xe cầu Tân Kỳ Tân Quý mới cũng là kết quả cụ thể của việc TP tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, chuyển một dự án đầu tư theo hình thức BOT trước đây sang hình thức đầu tư công, làm tiền đề để TP triển khai các dự án mới có tính chất tương tự trong thời gian tới, sớm đưa các công trình vào khai thác phục vụ người dân TP.
Sau khi trục cầu đường Tân Kỳ Tân Quý thông xe, ngày 23.1 tới, chủ đầu tư sẽ thông xe giai đoạn 1 công trình xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa từ đường hầm Phan Thúc Duyện (đầu tuyến) đến Hoàng Hoa Thám; hoàn thành toàn bộ 3 vị trí đấu nối từ tuyến đường vào Nhà ga T3 (sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất) đoạn trên cao và dưới đất, sẵn sàng để Nhà ga T3 thi công các hạng mục kết nối giao thông.
"Như vậy, trục đường chính kết nối khu vực phía tây nam với trung tâm TP.HCM và khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ được đồng bộ vào dịp trước Tết Nguyên đán năm nay, hỗ trợ giảm tải rất lớn cho khu vực cửa ngõ sân bay trong mùa cao điểm. Đoạn còn lại của đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (từ Hoàng Hoa Thám đến cuối tuyến) do phải chờ UBND Q.Tân Bình bàn giao mặt bằng mới có thể tiếp tục triển khai thi công nên sẽ hoàn thành và thông xe toàn tuyến trước 30.4. Khi đó chúng ta sẽ có thêm trục đường mới ra vào sân bay, phá thế độc đạo của cổng duy nhất trên đường Trường Sơn, giảm ùn tắc cho toàn bộ khu vực", ông Lương Minh Phúc thông tin.
Sẵn sàng phương án đón lượng khách kỷ lục
Khi những tuyến đường kết nối chạy nước rút thì phía trong Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm phục vụ người dân về quê đón tết.
Năm nay, lượng khách qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được dự báo tăng kỷ lục với hơn 4 triệu lượt khách đi và đến từ ngày 14.1 - 12.2 (từ 15 tháng chạp đến hết 15 tháng giêng), trong đó có hơn 1,5 triệu lượt khách quốc tế và hơn 2,5 triệu lượt khách trong nước, tương ứng hơn 26.000 chuyến bay được khai thác. Dự báo sản lượng trung bình trong thời gian này vào khoảng 800 chuyến bay/ngày. Trong đó, ngày cao điểm nhất dự kiến sẽ khai thác 970 chuyến bay. So sánh với cùng kỳ năm 2024, số chuyến bay tăng 6,25% và lượng hành khách tăng 5,36%.
Khảo sát thực tế, khoảng hơn 1 tuần trở lại đây, nhà ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất đã bắt đầu đông đúc, nhộn nhịp người về quê sớm. Khu vực làm thủ tục check-in tại ga đi quốc nội của các hãng hàng không thường xuyên ghi nhận hình ảnh dòng người xếp hàng, lỉnh kỉnh hành lý và thùng hàng lớn/nhỏ. Lượng khách vẫn tập trung chủ yếu vào các chuyến bay giờ sáng, trưa hoặc chiều. Thời điểm sáng sớm và đêm khuya, nhà ga khá thông thoáng. Những người tranh thủ về quê sớm sẽ không phải chọn chuyến bay đêm như các gia đình sẽ di chuyển đúng những ngày cao điểm nhất cuối tuần này.
Trong khi đó, khu vực ga quốc tế lại đông nghẹt người ở ga đến chờ đón người thân hồi hương đón tết. Càng về khuya, lượng người chờ càng đông bởi đây là thời điểm tập trung nhiều chuyến bay quốc tế hạ cánh về VN.
Đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết bối cảnh hiện nay hạ tầng của cảng còn hạn chế, đang trong thời gian đợi Nhà ga hành khách T3 đưa vào khai thác dịp 30.4. Do đó, trong đợt cao điểm tết này, đơn vị sẽ tập trung tối ưu hóa các quy trình khai thác, điều chỉnh khai thác theo hướng linh hoạt và tập trung vào các giải pháp đột phá giúp cải thiện năng lực thông qua chuyển đổi số.
Cụ thể, để tối ưu hóa các quy trình khai thác, điều chỉnh khai thác theo hướng linh hoạt, cảng đã điều chỉnh thêm vị trí đỗ code E và 1 code F khi nhu cầu các hãng tăng cao, đặc biệt trong bối cảnh các tàu bay A312 Neo bị lỗi động cơ buộc phải nằm đất để nhà sản xuất thay động cơ dẫn đến các hãng hàng không chuyển qua khai thác tàu bay thân rộng (code E, F). Đồng thời, phối hợp với Công ty Quản lý bay miền Nam tổ chức thiết kế các tuyến lăn tiêu chuẩn trong sân đậu máy bay, giúp giảm tải cho việc điều hành của kiểm soát viên không lưu và giúp phi công định hướng nhanh vị trí đậu để kịp thời thoát ly việc chiếm giữ đường lăn, giúp các tàu bay khác khai thác.
Bên cạnh đó, nhờ chuẩn bị tốt về cơ sở hạ tầng đồng bộ với điều hành hoạt động bay nên sân bay Tân Sơn Nhất đã điều chỉnh công bố tham số slot một số khung giờ lên 48 chuyến giờ ban ngày và 46 chuyến giờ ban đêm từ ngày 21.1 - 9.2, giúp các hãng hàng không bổ sung tải cung ứng lên 18% so với dự kiến trước đây nhằm giải quyết nhu cầu đi lại của hành khách. Ngoài ra, trong dịp cao điểm này, sân bay sẽ bố trí lực lượng gồm đoàn viên thanh niên Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Đoàn thanh niên Học viện Hàng không VN và Đoàn thanh niên Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất tham gia hỗ trợ hành khách tại khu vực sảnh công cộng, khu vực an ninh soi chiếu và khu vực công an cửa khẩu trong khung giờ cao điểm (5 - 9 giờ) từ ngày 22 - 27.1 và từ ngày 1 - 3.2.
Phía khu vực ngoài cảng, hệ thống thu không tiền mặt đã được áp dụng toàn bộ tại các làn thu phí. Trong thời gian hệ thống đi vào hoạt động, lưu lượng giao thông tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được ghi nhận cải thiện, thời gian phương tiện qua trạm rút gọn đáng kể và hiệu quả rõ rệt đối với công tác đối soát. Ban lãnh đạo cảng cũng đã yêu cầu tất cả đơn vị cung cấp dịch vụ phi hàng không, các hãng taxi, xe công nghệ và đơn vị cung ứng dịch vụ cam kết đảm bảo chất lượng dịch vụ, an toàn vệ sinh thực phẩm. Các hãng xe phải cam kết tăng số lượng cung ứng lên 25% so với số xe đã đăng ký.
"Cảng đã chủ động rà soát cơ sở hạ tầng, mặt bằng, sắp xếp và điều chỉnh phù hợp với các hoạt động khai thác cũng như quy trình vận hành các hệ thống, trang thiết bị, xem xét các giải pháp phân luồng tuyến giao thông, thủ tục hàng không, bãi đỗ xe, khu vực đón trả khách đảm bảo linh hoạt tránh ùn tắc", đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thông tin.
Sở GTVT TP.HCM yêu cầu Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ và Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị tăng cường theo dõi, kịp thời tham mưu tổ chức phân luồng giao thông hợp lý, linh hoạt, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên các tuyến giao thông trọng điểm, có lưu lượng phương tiện lớn, đang triển khai thi công dự án giao thông trọng điểm, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, ga đường sắt Sài Gòn, các bến xe liên tỉnh, cụm Cảng Cát Lái và Trường Thọ, bến cảng, bến phà, hầm vượt sông Sài Gòn, các khu vực tổ chức lễ hội, chợ đầu mối, chợ hoa tết... Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để hướng dẫn tổ chức giao thông tạm thời cho một số phương tiện vào khu vực nội đô TP, đảm bảo việc vận chuyển phục vụ tết được liên tục và kịp thời.