Châu Phi nhập khẩu gạo cao kỷ lục, cơ hội nào cho Việt Nam?

Châu Phi nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới

Trong báo cáo về thị trường ngũ cốc tháng 4.2025, USDA cho rằng, nhu cầu nhập khẩu gạo ở khu vực Đông Nam Á đặc biệt từ Indonesia suy giảm. Ngược lại, nhu cầu mua gạo tăng mạnh từ châu Phi đặc biệt là các nước cận sa mạc Sahara. Do vậy, trong năm 2025 châu Phi sẽ vượt qua khu vực Đông Nam Á để trở thành những nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Châu Phi nhập khẩu gạo cao kỷ lục, cơ hội nào cho Việt Nam?- Ảnh 1.

Nhiều khách hàng truyền thống của Việt Nam ở châu Phi tăng nhập khẩu gạo

ẢNH: CÔNG HÂN

Nhu cầu tiêu thụ gạo trên khắp lục địa châu Phi và khu vực cận sa mạc Sahara tăng gấp đôi trong vòng 15 năm qua. Trong 2 năm gần đây, châu lục này giảm nhập gạo do giá tăng quá cao vì Ấn Độ cấm xuất khẩu. Từ đầu năm 2025 đến nay, giá gạo thế giới hạ nhiệt là cơ hội để các quốc gia châu Phi tăng nhập khẩu gạo.

Các mặt hàng gạo trắng giá rẻ đặc biệt từ Ấn Độ, Thái Lan và Pakistan chiếm ưu thế ở châu Phi trong thời gian qua và gạo Việt Nam chỉ đứng vị trí thứ 4. Tuy nhiên, cũng có những nhà nhập khẩu gạo lớn ở châu Phi lại là khách hàng truyền thống của Việt Nam. Trong đó, Bờ Biển Ngà là quốc gia nhập khẩu gạo nhiều thứ 2 ở châu Phi với 1,8 triệu tấn. Nhiều năm trước, nước này luôn nằm trong nhóm những nước mua gạo nhiều nhất của Việt Nam.

Cơ hội nào cho gạo Việt Nam?

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2024, Bờ Biển Ngà nhập khẩu đến 483.000 tấn gạo giảm 6% về lượng, giá trị đạt tới 286 triệu USD và là khách mua gạo lớn thứ 5 của Việt Nam. Còn trong quý một năm nay, Bờ Biển Ngà với thị phần 16,3% đã trở thành khách mua gạo lớn thứ 2 của Việt Nam chỉ sau Philippines 42,1%.

Bên cạnh Bờ Biển Ngà, trong năm 2024 Ghana là khách mua gạo lớn thứ 4 của Việt Nam với sản lượng 613.000 tấn tăng 4,3% và kim ngạch đạt 424 triệu USD tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý 1/2025, Ghana với thị phần 10,2% tạm xếp thứ 3 sau Bờ Biển Ngà.

Nhà nhập khẩu gạo lớn nhất châu Phi được dự báo là Nigeria với sản lượng đến 2,8 triệu tấn, tăng thêm 250.000 tấn so với dự báo trước đó. Trong 2 năm gần đây, Nigeria không phải là khách hàng lớn của Việt Nam nhưng trước đó cũng là một trong những nhà mua hàng truyền thống. Nigeria có trên 200 triệu dân với nhu cầu tiêu thụ gạo lên đến 7,83 triệu tấn/năm nhưng sản lượng gạo sản xuất chỉ khoảng 5,6 triệu tấn; khoảng 2,3 triệu tấn gạo còn lại phụ thuộc nhập khẩu.

Gạo Việt tăng giá, gạo Thái giảm mạnh vì thuế đối ứng của Mỹ

Tuần qua, các doanh nghiệp gạo ở ĐBSCL cũng xác nhận giá gạo đang tăng do nhu cầu tại thị trường châu Phi và Philippines đang cao trong khi vụ đông xuân đã kết thúc nên nguồn cung gạo hạn chế. Gạo Việt Nam ít bị tác động vì thuế đối ứng do lượng xuất khẩu vào thị trường Mỹ ít, còn gạo thơm chất lượng cao như ST25 sản lượng ít và nhu cầu nội địa đang rất tốt.

Trong khi đó, Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) cho biết, giá các loại gạo thơm đặc sản của nước này đồng loạt giảm mạnh. Mức giảm sâu nhất đến 43 USD đối với mặt hàng gạo Jasmine xuống chỉ còn 737 USD/tấn. Còn gạo Hom Mali niên vụ 2024 - 2025 giảm 19 USD còn 988 USD/tấn; gạo Hom Mali niên vụ 2023 - 2024 giảm 22 USD còn 1.180 USD/tấn. Trong khi đó, các mặt hàng gạo trắng và gạo 5% tấm không có biến động về giá. Nguyên nhân giá gạo đặc sản của Thái Lan giảm mạnh là do chính sách thuế đối ứng của Mỹ với nước này là 36%. Mỹ là thị trường mua gạo lớn thứ 3 của Thái Lan trong năm 2024 với số lượng 830.000 tấn; trong số này khoảng 750.000 tấn là các loại gạo thơm Hom Mali và Jasmine. Chính vì vậy, tác động của chính sách thuế với mặt hàng gạo của Thái Lan là rất lớn.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao