Tặng sâm để... giữ rừng

"VƯỜN SÂM KẾT ĐOÀN"

Anh Hồ Văn Đoàn (25 tuổi, ở thôn 3, xã Trà Linh, H.Nam Trà My, Quảng Nam) vẫn chưa quên ngày mình được vợ chồng anh Hồ Văn Dấu, Bí thư Đoàn xã Trà Linh, tặng 20 cây sâm Ngọc Linh giống để làm vốn. Với 20 cây sâm 2 năm tuổi ấy, sau hơn 4 năm chăm sóc, đến nay vợ chồng anh Đoàn đã sở hữu vườn sâm với hàng trăm cây.

Tặng sâm để... giữ rừng- Ảnh 1.

Anh Hồ Văn Dấu, Bí thư Đoàn xã Trà Linh (trái), tặng cây sâm giống Ngọc Linh cho các đoàn viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn

ẢNH: NAM THỊNH

"Từ sự hỗ trợ ban đầu của anh Dấu, đến nay gia đình tôi không những vươn lên thoát nghèo mà còn có cho mình vườn sâm với khoảng 250 cây. Với số lượng cây này, nếu quy ra tiền thì tôi đã có tiền tỉ trong tay. Tôi sẽ không bao giờ quên được những gì mà gia đình anh Dấu đã giúp đỡ", anh Đoàn chia sẻ.

Sau khi có một ít "của để dành", anh Đoàn đáp lễ bằng cách cùng nhiều đoàn viên, thanh niên xã Trà Linh đóng góp sâm Ngọc Linh vào mô hình vườn sâm kết đoàn. Vườn sâm này do chính thủ lĩnh thanh niên Hồ Văn Dấu khởi xướng từ năm 2019 để chia sẻ, hỗ trợ các trường hợp khó khăn.

"Vườn sâm kết đoàn như là một nguồn quỹ. Đoàn viên, thanh niên trên địa bàn xã gặp khó khăn thì sẽ được hỗ trợ 20 - 30 cây sâm giống. Việc này cũng như "trao cần câu cơm" để những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, khi cây sâm đã lớn sẽ đem bán để hỗ trợ người già neo đơn hoặc những người có công với cách mạng", Bí thư Đoàn xã Trà Linh nói.

Gia đình anh Hồ Văn Dấu may mắn có vườn sâm Ngọc Linh. Với suy nghĩ "cùng chia nửa làm giàu", từ năm 2019 anh đã tính đến chuyện tặng cây sâm giống Ngọc Linh cho thanh niên cũng như người dân nghèo trong thôn. Chàng trai Xê Đăng 32 tuổi này vừa nêu ý tưởng, người vợ lập tức đồng ý. Kể từ đó, có tổng cộng gần 500 gốc sâm giống đã được chia cho hộ thanh niên khó khăn, hộ mới tách ở riêng, trường hợp ốm đau, bệnh tật... để góp phần cổ vũ tinh thần thoát nghèo. Hiện nay, việc tặng sâm không chỉ bó hẹp ở thôn 3 (nơi vợ chồng anh Dấu sinh sống) mà còn mở rộng dần sang các thôn lân cận. Hàng chục hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã thoát nghèo từ món quà thiết thực ấy...

Tặng sâm để... giữ rừng- Ảnh 2.

Anh Hồ Văn Dấu (bìa phải) trong vườn sâm giống Ngọc Linh của mình

ẢNH: NAM THỊNH

Hồi tháng 6.2024, vợ chồng anh Dấu còn tặng 200 gốc sâm giống loại 1 năm tuổi cho 10 hộ thanh niên khó khăn ở thôn 3, tặng 20 cây sâm giống loại 2 tuổi cho bà Hồ Thị Huân thuộc diện khó khăn của xã với kinh phí ước tính gần 100 triệu đồng. "Là đảng viên trẻ, mình phải đi đầu trong việc giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Sâm Ngọc Linh là gia tài lớn do mẹ rừng ban tặng, nên bằng cách nào đó phải chia sẻ lại để những người có hoàn cảnh khó khăn hơn cũng được hưởng lợi", anh Dấu tâm sự.

Các tổ, nhóm trồng sâm, tổ trực chốt bảo vệ sâm Ngọc Linh của cộng đồng do anh Dấu lập ra cũng đã giúp người dân chuyển đổi phương thức sản xuất hiệu quả. Quỹ sâm giống cũng lớn dần, chia sẻ nhiều hơn cho thanh niên khó khăn. Sau hơn 5 năm triển khai mô hình, vườn sâm tại các chi đoàn thôn huy động nhiều hộ thanh niên tham gia với phương châm: ai có gốc góp gốc, có hạt góp hạt, có công góp công; góp bao nhiêu, sau khi thu hoạch chi đoàn sẽ hoàn vốn và lãi bấy nhiêu. Nhờ vậy, từ ý tưởng ban đầu của chàng bí thư Đoàn xã, đến nay mô hình vườn sâm kết đoàn đã có gần 500 cây sâm Ngọc Linh từ 1 - 5 năm tuổi. Hàng trăm hộ thanh niên thoát nghèo và tiếp tục tham gia quỹ sâm.

CHIA BỚT GIA TÀI ĐỂ CÙNG LÀM GIÀU

Tháng 8 - 10 hằng năm là thời điểm các chủ vườn sâm Ngọc Linh ở H.Nam Trà My thu hoạch hạt, lá và gieo trồng vụ mới. Mùa này, những hộ nghèo ngoài có sâm giống do chi bộ tặng còn được các hộ khá giả trong làng tặng.

Tặng sâm để... giữ rừng- Ảnh 3.

Chị Hồ Thị Vẽ nhận sâm Ngọc Linh giống từ ông Hồ Văn Đuôi, Bí thư Chi bộ thôn 2

ẢNH: NAM THỊNH

Tại vườn sâm Chi bộ thôn 2 (xã Trà Linh), 50 gốc sâm giống 1 năm tuổi được gói cẩn thận, chia thành 5 bọc nhỏ, tặng 5 hộ đảng viên có hoàn cảnh khó khăn. Chị Hồ Thị Vẽ (37 tuổi, ở làng Tak Ngo, thôn 2), người từng nhận sâm giống, xúc động: "Thời gian qua, vợ chồng tôi chăm sóc rất kỹ số sâm do chi bộ thôn tặng, không để chuột cắn phá nữa. Các đảng viên khó khăn và bà con trong thôn ai cũng vui vì được tặng sâm giống để thoát nghèo". Gia đình chị Vẽ dù chăm chỉ làm ăn nhưng chưa thoát được cái nghèo. Trước đây, vườn sâm của gia đình chị luôn bị hư hại do sương muối và chuột cắn phá...

Vườn sâm Chi bộ thôn 2 mỗi năm gieo ươm khoảng 100 - 200 hạt. Tùy từng năm, tùy hoàn cảnh mà số hộ được tặng và số sâm tặng mỗi hộ khác nhau. Ví dụ, hộ đông con, có người ốm đau hay neo đơn sẽ được tặng nhiều sâm hơn những hộ còn lại. "Ngoài tặng sâm, chúng tôi còn cắt cử những người có kinh nghiệm hỗ trợ, hướng dẫn bà con trồng, chăm sóc sao cho hiệu quả cao nhất để sâm phát triển tốt nhất có thể", ông Hồ Văn Đuôi, Bí thư Chi bộ thôn 2, nói.

Vị bí thư chi bộ thôn còn trích nguồn sâm giống của gia đình mình tặng các hộ khó khăn trong thôn. Người Xê Đăng có phong tục tặng sâm giống Ngọc Linh cho các cháu nhỏ dịp thôi nôi, sinh nhật, tặng sâm nhân dịp cưới hỏi, mừng nhà mới... để các hộ có vốn làm ăn. "Bây giờ cho tiền thì bà con cũng tiêu hết. Mà trẻ nhỏ thì nhận tiền để làm gì, cũng không có chỗ để tiêu nên người dân mình nghĩ ra cách tặng sâm như một phần của để dành. Bây giờ tặng 5 cây, 10 cây, mấy năm sau các cháu sẽ có thêm 30 cây, 40 cây làm vốn sau này", ông Đuôi nói.

Huyện vùng cao Nam Trà My được biết đến là thủ phủ sâm Ngọc Linh. Nhờ sở hữu báu vật này, nhiều người dân vươn lên thoát nghèo, nhiều người giờ đã thành tỉ phú. Ông Hồ Văn Dang, Phó chủ tịch UBND xã Trà Linh, cho hay những người có thu nhập lớn nhờ sâm đã sẵn lòng chia bớt gia tài để giúp người khó khăn cùng làm giàu qua cách thức tặng sâm giống Ngọc Linh, mà Bí thư Đoàn xã Trà Linh Hồ Văn Dấu là gương điển hình. Ngoài đổi công lấy sâm giống, việc tặng sâm giống cho người nghèo ngày càng được lan tỏa mạnh trong cộng đồng vùng cao.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao