Trước ngày Thông tư 29 có hiệu lực: Dạy thêm 'truyền thống' tăng tốc hợp thức hóa

ĐĂNG KÝ HỘ KINH DOANH

Gia đình có kinh doanh một số mặt hàng, đã đăng ký kinh doanh theo mô hình hộ kinh doanh nên Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30.12.2024 vừa ban hành, cô Ngọc Hà (tên giáo viên (GV) được thay đổi), GV một trường công lập, có luyện thi tiếng Anh tại Hưng Yên đã nhanh chóng bàn với chồng (là chủ hộ, người đứng tên đại diện của hộ kinh doanh) đến UBND huyện hỏi thủ tục để có thể đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh để cô có thể dạy thêm hợp lệ. Các thủ tục hoàn thành, vừa kịp Thông tư 29 chuẩn bị có hiệu lực giúp cô yên tâm mở lại lớp luyện thi tiếng Anh, luyện các chứng chỉ cho học sinh (HS) THCS và THPT. "Khi chồng tôi tới đăng ký kinh doanh, người hướng dẫn thủ tục cũng nhấn mạnh theo Thông tư 29 thì không được tổ chức dạy thêm học thêm cho HS tiểu học", cô Hà nói. Nhiều đồng nghiệp của cô cũng phải tạm dừng các lớp dạy thêm để tìm hiểu quy định đăng ký kinh doanh.

Trước ngày Thông tư 29 có hiệu lực: Dạy thêm 'truyền thống' tăng tốc hợp thức hóa- Ảnh 1.

Học sinh tại một lớp học thêm ngoài giờ chính khóa tại TP.HCM trước đây, trước khi có Thông tư 29

ẢNH: Q.N

Trong những ngày qua, chúng tôi ghi nhận nhiều ý kiến của độc giả Báo Thanh Niên là giảng viên, GV nghỉ hưu… từ trước đến nay vốn dạy thêm tại nhà theo mô hình truyền thống đi hỏi về thủ tục đăng ký để hợp thức hóa việc dạy thêm học thêm tránh việc bị phạt sau ngày 14.2.

Một giảng viên dạy trường CĐ y tế hỏi: "Tôi hiện tại có các nhóm dạy tại nhà từ lớp 2 tới lớp 9 môn tiếng Anh, vậy thủ tục nào để tôi được hợp thức hóa việc dạy tại nhà?". Một cô giáo tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) băn khoăn: "Tôi là GV đã nghỉ hưu, tôi vẫn dạy tại nhà ôn thi các môn vào ĐH. Tôi đọc Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT yêu cầu phải đăng ký kinh doanh, không biết cụ thể như thế nào?".

XIN KÝ HỢP ĐỒNG "DẠY THUÊ" VỚI CÔNG TY GIÁO DỤC

Trong thực tế, có một số GV tìm cách lách quy định trong Thông tư 29 để dạy thêm. Nói với PV Thanh Niên, giám đốc một công ty giáo dục có trung tâm ngoại ngữ - tin học tại TP.HCM cho biết những ngày qua, nhu cầu các GV đăng ký xin ký hợp đồng "dạy thuê" bất ngờ tăng cao. Giám đốc này thường xuyên nhận được câu hỏi "có cho ký hợp đồng thuê chỗ dạy không?".

"Có thầy cô chia sẻ thật là chỉ muốn ký hợp đồng với công ty để có mặt bằng dạy và hợp thức việc dạy thêm. Còn nội dung dạy, giáo trình dạy thì thầy cô lo hết, HS cũng đã có sẵn rồi, chỉ kéo qua học. Tôi đều phải từ chối bởi như vậy là sai quy định, trung tâm tôi được cấp phép với những giáo trình, đội ngũ GV… được Sở GD-ĐT phê duyệt và quản lý. Nếu làm không đúng giấy phép, khi đoàn kiểm tra tới chúng tôi sẽ phải đối mặt với việc bị xử phạt, rút giấy phép, mất hết sự nghiệp", vị này cho biết.

GIA SƯ ĐẮT HÀNG, KHUYẾN KHÍCH ĐĂNG KÝ QUA CÔNG TY

Khi nhiều GV dừng hàng loạt lớp dạy thêm học thêm tại nhà, dịch vụ gia sư đắt hàng hơn. Anh Trung Thông (tên nhân vật được thay đổi), gia sư toán bậc THPT tại TP.HCM, cho hay mình vẫn dạy kèm 1-1 cho HS tại nhà theo yêu cầu của phụ huynh.

Thầy Bách (tên GV đã thay đổi), đã nghỉ công tác tại trường công lập nhiều năm nay và hiện là gia sư dạy toán kèm tại nhà cho các HS bậc THPT, thắc mắc: "Mình cũng như các bạn sinh viên dạy 1-1 tại nhà cho HS chưa rõ có cần đăng ký kinh doanh theo quy định tại Thông tư 29 hay không?". Ngoài ra, thầy Bách cho biết: "Còn lại GV các trường trung học công lập vốn mở lớp dạy thêm tại nhà cho các HS theo cách truyền thống từ trước đến nay đều phải tạm dừng hết. Mọi người đang liên hệ để ký hợp đồng với các trung tâm, cơ sở dạy thêm học thêm có giấy phép để chuyển địa điểm dạy. Hiện tại mọi người cũng không dám nhận HS mình đang dạy trên lớp để dạy nữa. Chúng tôi cũng đang nghe ngóng xem sắp tới có hướng dẫn cụ thể gì không".

Đại diện một công ty gia sư lớn có hơn 8 năm kinh nghiệm tại TP.HCM cho biết sau Tết Nguyên đán 2025, Thông tư 29 "nóng dần", nhiều phụ huynh nhận được thông tin thầy cô dạy trên lớp không dạy thêm cho HS nữa, đặc biệt HS tiểu học nên nhiều người tìm công ty, trung tâm gia sư để hỗ trợ.

"Tuy nhiên điều này có thể dẫn tới câu chuyện loạn chi phí, nhiều trung tâm gia sư "treo đầu dê bán thịt chó" tận dụng thời điểm để nâng giá nhưng không đi đôi với chất lượng mà chỉ chạy theo số lượng trong thời điểm. Sinh viên đi dạy kèm 1-1 tự do tại nhà của HS vẫn được nhưng chúng tôi khuyến khích đăng ký qua công ty gia sư để đảm bảo quyền lợi cho phụ huynh, HS và chính gia sư đi dạy", đại diện công ty gia sư này cho biết thêm.

Trước ngày Thông tư 29 có hiệu lực: Dạy thêm 'truyền thống' tăng tốc hợp thức hóa- Ảnh 2.

Phụ huynh đưa con cấp tiểu học đến một lớp học thêm trước khi có Nghị định 29

ành: NHẬT THỊNH


CƠ HỘI ĐỂ THAY ĐỔI

Ông Lê Hoàng Phong, Giám đốc học thuật, Tổ chức Giáo dục và đào tạo YOUREORG, nhìn nhận Thông tư 29 là cơ hội để thiết lập lại bức tranh dạy thêm học thêm vốn "trăm hoa đua nở" từ trước đến nay. Đây cũng là lúc phụ huynh nhìn nhận lại thực tế con mình có thật sự cần học thêm không, hay thay vì chạy theo mô hình học thêm - dạy thêm truyền thống, phụ huynh có thể hướng con đến các chương trình học giúp phát triển toàn diện.

Những mô hình dạy học thêm theo hướng truyền thống sẽ phải thay đổi để làm đúng quy định pháp luật, tuân thủ Thông tư 29 để yên tâm hoạt động. Các trung tâm dạy thêm học thêm, công ty giáo dục, trung tâm ngoại ngữ… vốn đã đầy đủ về khâu pháp lý rồi cũng sẽ phải tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và HS trong bối cảnh mới.

Hai mô hình đăng ký kinh doanh dạy thêm, học thêm

Luật sư Hoàng Tư Lượng, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 14.2.2025 với nhiều quy định siết hoạt động dạy thêm, một trong số đó là yêu cầu dạy thêm phải đăng ký kinh doanh. Hiện nay, có hai mô hình có thể lựa chọn là đăng ký kinh doanh theo hộ kinh doanh hoặc đăng ký thành lập doanh nghiệp. Sự khác nhau của hai mô hình trên nằm ở thủ tục, cơ cấu tổ chức, cách thức hoạt động và thuế phải nộp. Tùy vào quy mô hoạt động mà cá nhân có thể lựa chọn đăng ký hộ kinh doanh hay doanh nghiệp. Song với quy mô nhỏ và vừa nên đăng ký hộ kinh doanh.

Tuy nhiên, luật sư Lượng lưu ý theo khoản 3 điều 4 của Thông tư 29 quy định: "GV thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường". Như vậy, theo quy định trên, GV trường công không thể đứng tên là chủ hộ để đăng ký kinh doanh dạy thêm mà chỉ có thể là thành viên hộ (không có quyền quản lý điều hành); hoặc ký hợp đồng dạy thuê với một cơ sở dạy thêm có đăng ký kinh doanh ngành nghề dạy thêm.

Ngoài ra, theo điều 4 Thông tư 29 quy định các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm bao gồm: "Không tổ chức dạy thêm đối với HS tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống". Như vậy, việc dạy thêm tiếng Anh cho HS tiểu học nếu là dạy theo đúng Chương trình giáo dục phổ thông (2018), tổ chức cho HS trả bài, dò bài như chương trình tiếng Anh trên lớp chính khóa là không được phép. Còn hoạt động dạy ngoại ngữ cho các em HS không theo chương trình phổ thông như dạy TOIEC, IELTS, HSK…thì sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư 29 về dạy thêm.

Luật sư Lượng cũng nhấn mạnh theo khoản 1, điều 6, Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường thì sau khi đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, cá nhân, tổ chức dạy thêm học thêm phải công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh (theo mẫu số 02 tại phụ lục kèm theo Thông tư 29).

Trước ngày Thông tư 29 có hiệu lực: Dạy thêm 'truyền thống' tăng tốc hợp thức hóa- Ảnh 3.

 

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao