Đây là số liệu được đại diện các trường ĐH đưa ra trong chương trình tư vấn trực tuyến Chọn ngành học cho tương lai: "Nóng" với khối ngành sức khỏe do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 11.2.
Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ: thanhnien.vn, Fanpage Facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.
ĐIỂM TRÚNG TUYỂN LUÔN CAO
Có mặt tại chương trình tư vấn, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó giám đốc thường trực ĐH Duy Tân, chia sẻ: "Chỉ tiêu khối ngành này hằng năm khoảng 50.000 - 60.000, chỉ chiếm khoảng 10% tổng chỉ tiêu nhưng đây là một trong những nhóm ngành có tỷ lệ thí sinh nhập học cao nhất. Trên thực tế tại một số trường tỷ lệ chọi ngành y khoa, răng hàm mặt... cũng không quá cao như một số ngành khác, chỉ 1/2, 1/3, 1/5 nhưng điểm trúng tuyển trong nhiều năm qua luôn cao bậc nhất. Lý do vì đa số thí sinh điểm cao, hầu hết trên 25 điểm khối B00, mới đăng ký vào các ngành sức khỏe, nhất là các ngành y khoa, răng hàm mặt và dược".
Theo thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, khối ngành y dược đã thu hút thí sinh giỏi nhiều năm qua vì nhu cầu nhân lực cao, nghề nghiệp ổn định, có giá trị nhân văn và được xã hội tôn trọng.
![Lưu ý khi chọn học 'ngành của những thí sinh giỏi'- Ảnh 1. Lưu ý khi chọn học 'ngành của những thí sinh giỏi'- Ảnh 1.](https://images2.thanhnien.vn/thumb_w/640/528068263637045248/2025/2/11/tuvan-173928339174922899268.jpg)
Các chuyên gia chia sẻ thông tin về khối ngành sức khỏe tại chương trình tư vấn của Báo Thanh Niên chiều qua 11.2
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Tại các trường ngoài công lập, điểm chuẩn khối ngành sức khỏe dù không cao như các trường công lập nhưng thường cao nhất trong số các ngành học. Chẳng hạn năm 2024 ngành y khoa tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT là 23 điểm; răng hàm mặt 22,5; dược học 21... Tương tự tại ĐH Duy Tân, điểm chuẩn y khoa và răng hàm mặt là 22,5 điểm; dược học 21.
ĐA DẠNG NGÀNH CHO THÍ SINH LỰA CHỌN
Tiến sĩ Đặng Thị Ngọc Lan, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, cho biết năm 2024 và sắp tới trường này tuyển 6 ngành khối sức khỏe gồm y đa khoa, dược, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học với chỉ tiêu là 40% trên tổng số 5.600 chỉ tiêu toàn bộ các ngành.
"Trường xét 2 phương thức gồm học bạ và điểm thi THPT, kèm theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD-ĐT. Về học phí, ngành y đa khoa thu mức 34 triệu đồng/học kỳ, dược học 18,7 triệu đồng/học kỳ, các ngành còn lại 11,6 - 14 triệu đồng/học kỳ", tiến sĩ Lan thông tin.
Trong khi đó, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đào tạo 3 ngành khối sức khỏe là dược (200 - 300 chỉ tiêu/năm), điều dưỡng (100 chỉ tiêu) và kỹ thuật xét nghiệm y học (100 chỉ tiêu). Điểm chuẩn năm 2024 ngành dược là 21 điểm; điều dưỡng và kỹ thuật xét nghiệm y học là 19.
"Ngoài ra, nếu các em thích học một số ngành liên quan đến sức khỏe mà không cần ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào thì có thể chọn ngành khoa học công nghệ y sinh hay công nghệ thẩm mỹ tại trường", tiến sĩ điều dưỡng, dược sĩ Nguyễn Phương Tùng, Trưởng khoa Điều dưỡng và xét nghiệm Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho hay.
Thạc sĩ Trương Quang Trị cho biết Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đang đào tạo 10 chuyên ngành sức khỏe, trong đó có một số ngành mới mở trong mấy năm gần đây như quản lý bệnh viện, kỹ thuật phục hồi chức năng, răng hàm mặt, y học cổ truyền, hóa dược.
Còn ĐH Duy Tân hiện đào tạo 6 ngành khoa học sức khỏe gồm y đa khoa, răng hàm mặt, dược, điều dưỡng, kỹ thuật y sinh và công nghệ sinh học. Trong đó, ngành điều dưỡng nhiều chỉ tiêu nhất, khoảng 250, dược học 200, y đa khoa và răng hàm mặt mỗi ngành 100 chỉ tiêu.
Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, ĐH Duy Tân có 4 phương thức xét tuyển gồm xét tuyển thẳng, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và TP.HCM, xét học bạ.
![Lưu ý khi chọn học 'ngành của những thí sinh giỏi'- Ảnh 2. Lưu ý khi chọn học 'ngành của những thí sinh giỏi'- Ảnh 2.](https://images2.thanhnien.vn/thumb_w/640/528068263637045248/2025/2/11/img5770-5-17393148210601427906135.jpg)
Đa số thí sinh điểm cao, hầu hết trên 25 điểm khối B00, mới đăng ký vào các ngành sức khỏe, nhất là các ngành y khoa, răng hàm mặt và dược
ảnh: Phạm Hữu
NHÂN LỰC THIẾU CẢ VỀ SỐ LƯỢNG LẪN CHẤT LƯỢNG
Tiến sĩ Võ Thanh Hải cho biết khối ngành khoa học sức khỏe luôn quan trọng bậc nhất do liên quan trực tiếp tới tính mạng con người. "Chất lượng nguồn nhân lực quyết định thể trạng và sức khỏe của người dân. Chính vì thế Bộ GD-ĐT luôn đặt ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào", tiến sĩ Hải nhận định.
Theo tiến sĩ Hải, Đề án phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2023 - 2030 định hướng 2050 đặt ra mục tiêu tỷ lệ bác sĩ trên một vạn dân là 19, dược sĩ là 4 và điều dưỡng là 33. Tuy nhiên số liệu năm 2024 cho thấy mới chỉ đạt 14 bác sĩ và 16,5 điều dưỡng/vạn dân, thấp hơn nhiều so với Mỹ, Pháp, Úc, Trung Quốc, Singapore...
"Cả nước cần 632.510 nhân lực y tế nhưng hiện chỉ đạt 431.724. Các chuyên gia đánh giá là thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Hiện nay các bệnh viện công lập của nước ta có tỷ lệ 1,2 - 1,5 điều dưỡng/bác sĩ trong khi thế giới yêu cầu là 4 điều dưỡng/bác sĩ. Những thông tin trên cho thấy nhu cầu nhân lực trong khối ngành sức khỏe rất lớn", tiến sĩ Hải cho hay.
Tiến sĩ Đặng Thị Ngọc Lan cũng cho rằng khi nền kinh tế phát triển, con người ngày càng quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn, nhất là khi chúng ta đã trải qua đại dịch Covid-19.
![Lưu ý khi chọn học 'ngành của những thí sinh giỏi'- Ảnh 3. Lưu ý khi chọn học 'ngành của những thí sinh giỏi'- Ảnh 3.](https://images2.thanhnien.vn/thumb_w/640/528068263637045248/2025/2/11/img5694-3-1739314893077424408237.jpg)
Sinh viên y khoa trong thời gian thực tập ở bệnh viện
ảnh: phạm hữu
"Chính vì tầm quan trọng của khối ngành mang tính đặc thù mà thời gian học cũng dài hơn các ngành khác, từ 5 - 6 năm trở lên với khối lượng kiến thức rộng và chuyên sâu. Thực hành cũng là một trong những điều kiện quan trọng và bắt buộc khi học khối ngành này, cần tối thiểu 60% thời lượng. Ngoài ra, các trường ĐH phải chú trọng quan tâm đầu tư đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, đảm bảo trang thiết bị, phòng thí nghiệm, thực hành tại trường, tại bệnh viện theo định mức quy định của Bộ Y tế thì mới được xét duyệt tuyển sinh và đào tạo các ngành sức khỏe, nhất là ngành y đa khoa", tiến sĩ Lan thông tin.
Tiến sĩ điều dưỡng, dược sĩ Nguyễn Phương Tùng cũng nhìn nhận hiện nay nhu cầu đào tạo nhân lực của các ngành sức khỏe tại VN rất cao, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Nhiều quốc gia cũng thiếu hụt nhân lực y tế nên phải nhập khẩu nhân lực.
Nhu cầu nhân lực gia tăng đột biến
Nhu cầu nhân lực ngành sức khỏe gia tăng đột biến, nhất là sau đại dịch Covid-19, đặt lên trọng trách đối với các cơ sở giáo dục có đào tạo khối ngành sức khỏe.
Tiến sĩ Đặng Thị Ngọc Lan (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long)
Phải có sức khỏe
Các em học khối ngành sức khỏe, nhất là y đa khoa không chỉ cần có học lực giỏi mà còn phải có sức khỏe do chương trình học dài và vất vả.
Thạc sĩ Trương Quang Trị (Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành)
Cần phải khéo léo, linh hoạt về thao tác
Học khối ngành sức khỏe sinh viên còn phải khéo léo, linh hoạt về thao tác thực hành, có sự nhạy cảm để đánh giá tình trạng của người bệnh. Đó chính là điều trí tuệ nhân tạo không bao giờ có thể thay thế.
Tiến sĩ điều dưỡng, dược sĩ Nguyễn Phương Tùng
(Trưởng khoa Điều dưỡng và xét nghiệm Trường ĐH Công nghệ TP.HCM)
Thu nhập phụ thuộc vào năng lực và trình độ
Thu nhập của mỗi cá nhân sau khi học ngành y đa khoa, răng hàm mặt phụ thuộc vào năng lực và trình độ của bác sĩ. Nếu muốn có thu nhập vượt lên thì các em phải học giỏi, đạt giải thưởng về chuyên ngành, có nhiều kinh nghiệm...
Tiến sĩ Võ Thanh Hải (Phó giám đốc thường trực ĐH Duy Tân)