![Cách tính điểm xét tuyển phương thức tổng hợp Trường ĐH Bách khoa TP.HCM năm 2025- Ảnh 1. Cách tính điểm xét tuyển phương thức tổng hợp Trường ĐH Bách khoa TP.HCM năm 2025- Ảnh 1.](https://images2.thanhnien.vn/thumb_w/640/528068263637045248/2025/2/12/cach-tinh-diem-xet-tuyen-bk-2024-17393324646311457246834.png)
Cách tính điểm xét tuyển phương thức xét tuyển tổng hợp nhiều tiêu chí của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM năm 2024
ẢNH CHỤP MÀN HÌNH
Phương thức tuyển sinh dự kiến vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM năm 2025
Ság 12.2 tại hội thảo "Các phương thức tuyển sinh và kỳ thi đánh giá năng lực tại ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2025, PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chia sẻ thông tin 5 phương thức tuyển sinh dự kiến năm 2025 của trường.
Phương thức 1 là xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT (1-5% tổng chỉ tiêu).
Phương thức 2 là xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của ĐH Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM (10-15% tổng chỉ tiêu).
Phương thức này áp dụng với thí sinh giỏi, tài năng của các trường THPT (1 học sinh thuộc nhóm 5 học sinh có điểm trung bình cộng học lực 3 năm THPT cao nhất được hiệu trưởng trường THPT giới thiệu).
Bên cạnh đó, phương thức này cũng xét thí sinh thuộc danh sách 149 trường THPT ưu tiên xét tuyển vào ĐHQG TP.HCM.
Phương thức 3 là xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài (1-5% tổng chỉ tiêu).
Phương thức 4 là xét tuyển theo kết quả THPT kết hợp phỏng vấn đối với thí sinh dự tính du học nước ngoài (1-5% tổng chỉ tiêu).
Phương thức 5 là xét tuyển tổng hợp bao gồm các tiêu chí về học lực (kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả quá trình học tập THPT); năng lực khác; hoạt động xã hội (75-90% tổng chỉ tiêu).
Phương thức xét tuyển tổng hợp được triển khai ra sao?
PGS-TS Bùi Hoài Thắng cũng chia sẻ cách thức triển khai dự kiến của phương thức xét tuyển tổng hợp năm 2025 của trường này.
Cụ thể, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM dự kiến sử dụng 3 thành tố chính với các trọng số cố định bao gồm: điểm thi đánh giá năng lực chiếm 70%; điểm thi tốt nghiệp THPT chiếm tỷ trọng 20%; điểm học lực THPT chiếm 10%.
Các điểm thành phần trên quy về thang điểm 90 điểm. Ngoài ra, điểm thưởng (tối đa 10 điểm) gồm: năng lực học tập khác (5 điểm); hoạt động xã hội, văn thể mỹ (5 điểm).
Thông tin thêm về định hướng chung của trường với phương thức này, PGS-TS Bùi Hoài Thắng cho biết, trường giữ nguyên trọng số các thành phần và tiếp tục quy đổi điểm cho các thí sinh không dự thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM. Đồng thời, tiếp tục xem xét quy đổi điểm từ các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy của các cơ sở giáo dục khác.
PGS-TS Bùi Hoài Thắng cho rằng việc thực hiện phương thức kết hợp sẽ đánh giá đầy đủ năng lực của thí sinh, tạo công bằng cho tất cả thí sinh tham gia xét tuyển, đa dạng nguồn tuyển sinh, tạo động lực cho các thí sinh có năng lực học tập và năng lực cá nhân khác tham gia xét tuyển.