Chưa thống nhất đối tượng, mức chi trả phụ cấp
Mới đây, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) tổ chức hội nghị tham vấn ý kiến về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với viên chức trong các cơ sở giáo dục công lập, chế độ làm việc của giáo viên phổ thông, dự bị đại học.
Theo báo cáo của đơn vị này, hiện nay, việc thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo còn chưa thống nhất giữa các địa phương do sự chồng chéo trong các văn bản quy định về việc phân vùng để xác định đối tượng, mức chi trả; do sự sáp nhập, điều chỉnh loại đơn vị hành chính dẫn đến việc điều chỉnh mức chi trả chưa kịp thời; do quy định tại văn bản còn chưa thực sự chặt chẽ dẫn đến cách xác định đối tượng hưởng còn khác nhau...
Bên cạnh đó, nhân viên trường học chỉ hưởng lương cơ bản theo hệ số, không được hưởng mức trợ cấp, phụ cấp như nhà giáo nên đời sống vật chất còn khó khăn. Điều này dẫn đến thực trạng nhiều vị trí việc làm nhân viên không tuyển dụng được người làm việc, nhiều nhân viên xin nghỉ để chuyển đổi nghề nghiệp…
Cục Nhà giáo đề xuất xây dựng nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi đối với viên chức trong các cơ sở giáo dục công lập thay thế quy định hiện hành. Trong đó, một số đối tượng được đề xuất điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi nghề để phù hợp hơn với mức độ phức tạp công việc; việc phân chia đơn vị hành chính được điều chỉnh để thống nhất với các quy định hiện hành của pháp luật; quy định rõ ràng hơn về đối tượng được hưởng và không được hưởng phụ cấp ưu đãi...
Sẽ quy định rõ hơn về chế độ việc làm của giáo viên
Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT còn tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc của giáo viên phổ thông, dự bị đại học. Dự thảo có một số quy định mới và điều chỉnh so với các thông tư hiện hành.
Ví dụ, thời gian làm việc của giáo viên được thực hiện theo năm học, được quy đổi thành tiết dạy trong 1 năm học hoặc tiết dạy trung bình trong 1 tuần để nhà trường linh hoạt trong việc phân công, bố trí giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và thuận lợi cho việc tính tiền dạy thêm giờ.
Trường hợp phải phân công giáo viên dạy nhiều hơn định mức tiết dạy trung bình trong 1 tuần (bao gồm cả các tiết dạy quy đổi đối với các nhiệm vụ kiêm nhiệm) thì số tiết dạy vượt quá không lớn hơn 25% định mức tiết dạy trung bình trong 1 tuần để đảm bảo hiệu suất lao động của giáo viên và đảm bảo quy định về thời gian làm thêm giờ tại bộ luật Lao động.
Quy định thống nhất số tuần thực dạy dành cho việc giảng dạy các nội dung giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông là 35 tuần để đảm bảo phù hợp với quy định tại Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về khung thời gian năm học.
Dự thảo cũng dự kiến sẽ quy định mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 2 nhiệm vụ (bao gồm cả kiêm nhiệm công việc chuyên môn; kiêm nhiệm chức vụ đảng, đoàn thể và tổ chức khác; kiêm nhiệm vị trí việc làm khác). Theo Bộ GD-ĐT, điều này để đảm bảo giáo viên tập trung cho các nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục.
Bổ sung trường hợp không phải dạy bù và được tính dạy đủ số tiết được phân công gồm có trường hợp giáo viên nghỉ đi khám, chữa bệnh; dự thảo cũng dự kiến tăng số tiết giảm cho giáo viên chủ nhiệm lớp ở cấp tiểu học lên 4 tiết/tuần như ở cấp THCS và THPT; bổ sung quy định đối với trường hợp giáo viên dạy liên trường…
Bộ GD-ĐT cho rằng, dự thảo thông tư nếu được ban hành sẽ khắc phục được các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các quy định về chế độ làm việc của giáo viên phổ thông trong thời gian qua, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục trong việc phân công, bố trí, sử dụng giáo viên.