Theo ghi nhận của Thanh Niên, chiều 13.1, Nhà Văn hóa Thanh Niên (đường Phạm Ngọc Thạch, Q.1) trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn tại TP.HCM, khi Phố ông đồ 2025 chính thức khai mạc, thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan và trải nghiệm không gian tết cổ truyền rực rỡ.
Sự kiện diễn ra từ ngày 13.1 đến 2.2 (tức mùng 5 tết), với không khí tết đậm chất dân tộc, tái hiện những hình ảnh và hoạt động quen thuộc trong những ngày xuân của người Việt.
Đường hoa mai vô cực vừa mở cửa đã gây sốt, hẻm nhỏ 'chơi lớn' trang hoàng tết
Khám phá không gian tết rực rỡ với đường mai và phố ông đồ đậm chất mùa xuân
Phố ông đồ 2025 mang đến một không gian truyền thống và đầy màu sắc. Những con đường rợp bóng mai vàng, phố ông đồ tấp nập với các gian hàng bán câu đối đỏ, tranh thư pháp, và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đặc biệt, không thể không nhắc đến tiểu cảnh “Ngôi nhà ngày xuân”, nơi tái hiện một ngôi nhà sàn truyền thống vùng An Giang.
Ngôi nhà với gian bếp ấm cúng, vườn hoa rực rỡ và những chi tiết sống động mang đậm hơi thở làng quê, tạo nên một không gian hoàn hảo cho du khách chụp ảnh và tham quan.
Đến với Phố ông đồ năm nay hầu hết mọi người đều diện áo dài truyền thống, tạo nên một không gian đầy sắc màu và ấm áp. Những tà áo dài thướt tha của các cô gái, cùng những bộ áo dài lịch lãm của các chàng trai, làm nổi bật vẻ đẹp thanh lịch giữa không gian tươi mới, tạo nên những khoảnh khắc tuyệt vời bên các tiểu cảnh đặc sắc.
Bên cạnh những hình ảnh quen thuộc như phố ông đồ và đường mai vàng rực rỡ, lễ hội năm nay còn mang đến sự độc đáo khi tái hiện sinh động các làng nghề truyền thống nổi tiếng như làng gốm Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương), làng chiếu Định Yên (tỉnh Đồng Tháp), làng nghề đan lát Mỹ An (tỉnh An Giang),…
Lễ hội truyền thống với những bức ảnh đẹp
Tại lễ khai mạc, đông đảo người dân diện áo dài đến Nhà Văn hóa Thanh Niên tham quan và chụp ảnh. Bà Nguyễn Ngọc Bích (52 tuổi, Q.1) cho biết năm nào bà cũng ghé Phố ông đồ và cảm nhận không khí rộn ràng tại đây.
Theo bà, khu phố luôn được trang trí rất đẹp, mang đậm nét truyền thống ngày tết. Năm nay, bà đặc biệt chuẩn bị áo dài để chụp ảnh và còn mua một chiếc quạt vừa làm kỷ niệm vừa làm phụ kiện chụp hình. “Năm nào tôi cũng đến đây tham quan và chụp ảnh. Năm nay, tôi thấy những mặt hàng bày bán ở đây rất độc đáo và truyền thống, như cây quạt tôi đã mua”, bà Bích cười nói.
Bà Hà Nguyễn (62 tuổi) một Việt kiều Úc, cùng gia đình đến Phố ông đồ từ rất sớm. Tranh thủ tham quan, chụp ảnh và mua sắm, bà nhận xét rằng năm nay phố ông đồ được trang trí đẹp mắt hơn mọi năm. Đặc biệt, vì đến đúng ngày khai mạc không khí càng thêm phần sôi động, với những tiết mục ca nhạc và múa lân rộn ràng.
Anh Dương Hoàng Việt (24 tuổi), một ông đồ tại Phố ông đồ, cho biết anh bắt đầu học viết thư pháp từ năm 2015. Cơ duyên đưa anh đến với nghề này bắt nguồn từ những lần được gia đình dẫn đi xin chữ vào dịp tết. Sự tò mò về nghệ thuật thư pháp đã thôi thúc anh tìm hiểu và học hỏi, và từ đó anh đã gắn bó với nghề cho đến nay. Theo anh Việt, năm nay mực vàng được ưa chuộng hơn so với mực đen truyền thống. Điều này bắt nguồn từ xu hướng mọi người thích mua bao lì xì có chữ thư pháp: “Mực vàng không chỉ nổi bật mà còn tạo nên sự khác biệt, làm cho các chữ viết trên bao lì xì đẹp hơn và ấn tượng hơn”, anh Việt cho biết.
Phố ông đồ là một điểm nhấn văn hóa đặc biệt, mang đến không khí tết truyền thống giữa lòng thành phố hiện đại. Với những nét chữ thư pháp và các hoạt động văn hóa ý nghĩa, sự kiện này không chỉ giữ gìn giá trị văn hóa dân tộc mà còn kết nối cộng đồng, tạo nên một không gian tết đậm sắc xuân.