Những hình ảnh về nhà thờ giáo xứ Thánh PhanxicôXavie (Q.Bình Tân, TP.HCM) trang trí tết được mọi người chia sẻ nhiều trên mạng xã hội . Tết Nguyên đán là dịp lễ lớn trong năm của người Việt, thời điểm để đoàn tụ gia đình và tôn vinh truyền thống văn hóa. Người Công giáo tiếp tục trang trí nhà thờ với nhiều biểu tượng truyền thống như bánh chưng, bánh tét, hoa mai, hoa đào...
Anh Đỗ Văn Cường (33 tuổi) người dân giáo xứ Thánh PhanxicôXavie cho biết, hiện mọi người tiếp tục trang trí ở khu vực cổng nhà thờ và dự kiến vài ngày nữa sẽ hoàn tất. Sau lễ Giáng sinh, hang đá được thay thế bằng những biểu tượng Tết Nguyên đán
Người dân trong giáo xứ dành khoảng một tuần để thực hiện việc trang trí. "Sau lễ Chúa hiển linh mọi người thu dọn hang đá, bắt đầu trang trí khung cảnh ngày tết", anh Cường nói
Anh Cường chia sẻ, năm nào anh cũng tham gia hỗ trợ cộng đoàn trang trí tiểu cảnh. Dịp tết, người dân đến nhà thờ tham dự thánh lễ đông, chúc tết, chúc tuổi, mừng xuân nên muốn trang trí nhà thờ ấm cúng. "23 tháng chạp, chúng tôi sẽ gói bánh chưng để tặng những người khó khăn, mong họ có cái tết đầm ấm, yêu thương", anh nói
Nhà thờ rực rỡ sắc xuân, với nhiều biểu tượng về tết truyền thống. Anh Cường quê ở Nam Định, sát Tết Nguyên đán, anh sẽ về quê đón tết cùng gia đình. Dù vậy, những ngày này anh vẫn ở nhà thờ chung tay trang trí cùng mọi người
Anh Cường cho hay, ngoài việc trang trí nhà cửa, các giáo xứ thường tổ chức Thánh lễ đặc biệt vào đêm giao thừa hoặc sáng mùng 1 tết. Người Công Giáo tham gia cầu nguyện cho năm mới với lòng biết ơn và sự hy vọng, nhiều giáo xứ cũng tổ chức các hoạt động giao lưu cộng đồng
Người dân ở giáo xứ Hoàng Mai (Q.Gò Vấp, TP.HCM) trang trí đón Tết Nguyên đán. Ông Khanh (48 tuổi) cho biết, những năm gần đây mọi người chung tay trang trí để đón cái tết sum vầy, đẹp mắt
"Đầu tháng 1, tức là sau lễ Giáng sinh ít ngày, anh em cùng chung tay thực hiện. Chúng tôi còn tổ chức ăn tất niên để gắn kết với nhau", ông Khanh bày tỏ