Ngày 13.1, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.Đà Nẵng cho biết 14 điểm trang trí hoa cùng 8 vị trí trang trí điện chiếu sáng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sẽ đưa vào nhằm phục vụ người dân từ ngày 15.1.
Dự án trang trí hoa - điện chiếu sáng phục vụ Tết Ất Tỵ năm 2025 được UBND TP.Đà Nẵng đầu tư hơn 18,6 tỉ đồng, với 14 điểm trang trí hoa. Bao gồm: Trung tâm hành chính (đường Thành Điện Hải), tại 42 Bạch Đằng và khu vực phía trước 42 Bạch Đằng, 32 Bạch Đằng, 72 Bạch Đằng, 12 Trần Phú, 23 Trần Phú, cầu chữ T đường Bạch Đằng, phía bắc và phía nam đuôi cầu Rồng (địa phận Q.Hải Châu), phía bắc đầu cầu Rồng (địa phận Q.Sơn Trà), vòng xoay Nguyễn Hữu Thọ - Duy Tân, tượng Mẹ Âu Cơ công viên biển Đông, chợ Hàn, đài tưởng niệm đường 2.9.
Tết về trên từng con đường, hẻm nhỏ: Rộn ràng không khí chuẩn bị ở TP.HCM, Đà Nẵng
Ngoài ra, có 8 điểm trang trí chiếu sáng gồm: đường Thành Điện Hải (2 vị trí), giao lộ Võ Nguyên Giáp – Hồ Xuân Hương, đường Nguyễn Văn Trỗi, đường 30.4, đường Trần Hưng Đạo (cầu Rồng), đường Phạm Văn Đồng, đường Võ Văn Kiệt.
Nhà thầu thi công là liên danh Công ty TNHH Tư vấn và xây lắp Minh Tuấn Tú – Công ty CP Điện chiếu sáng công cộng Đà Nẵng.
Theo ông Ngô Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và xây lắp Minh Tuấn Tú, năm nay các điểm trang trí hoa tết TP.Đà Nẵng sử dụng khoảng 200.000 chậu hoa, gồm các loài hoa xác pháo, cánh bướm, trạng nguyên, đỗ quyên, tú cầu, hồng ri, dạ yến thảo nhiều màu, vạn thọ, mai địa thảo, cúc nhám, diễm châu, oải hương, dừa cạn, thược dược, mào gà và cúc các loại (mâm xôi, pha lê, đại đóa, nút áo tím…).
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.Đà Nẵng, tổng thể công trình có mặt đứng hài hòa và kết nối với hiện trạng xung quanh, thiết kế cảnh quan tạo thể thống nhất và phù hợp quy mô, tính chất công trình.
Với đặc thù các điểm trang trí, tiểu cảnh, linh vật nằm ở không gian mở, người tham quan tiếp cận từ nhiều hướng, nên đội ngũ thiết kế xác lập các hình thức kiến trúc đơn giản với phân vị đứng ngang rõ ràng. Toàn bộ công trình là thể thống nhất, đa dạng về hình khối và màu sắc để tạo góc nhìn đẹp từ mọi hướng, mang lại tính hòa nhập cao giữa hình khối kiến trúc với tổng thể cảnh quan xung quanh, tạo điểm nhấn đẹp cho kiến trúc đô thị.
Do đó, dù ở bất cứ góc nhìn, góc chụp nào, người dân và du khách cũng đều có được những bức ảnh check-in độc đáo.
Bên cạnh đó, với cảm hứng thiết kế từ linh vật rắn, tạo hình sắp đặt hoa, tiểu cảnh... đều mang nhiều đường nét uốn lượn mềm mại.
Hiện tại, ở 14 điểm trang trí hoa tết, Công ty TNHH Tư vấn và xây lắp Minh Tuấn Tú đã huy động 60 công nhân, kỹ sư cùng trang thiết bị, phương tiện để chạy đua với tiến độ.
Trong đó, các hạng mục được đặc biệt chăm chút là vị trí đặt linh vật rắn - biểu tượng của năm Ất Tỵ. Đây cũng chính là các điểm được check-in nhiều nhất.
Linh vật rắn tạo hình phong phú
Linh vật chính nằm tại phía nam cầu Rồng phía Q.Hải Châu (đối diện Bảo tàng Chăm). Tại đây bố trí những đường hoa uốn lượn dẫn về cụm hoa ở giữa, là nơi đặt linh vật rắn. Linh vật rắn này do nghệ nhân Đinh Văn Tâm (Quảng Trị) đang thi công tại Quảng Trị, dự kiến ngày mai (14.1) sẽ vận chuyển vào TP.Đà Nẵng lắp đặt..
Theo thiết kế, linh vật chính được tạo hình rắn hổ mang cao 5m, phần mang phùng rộng 2,6m, phần thân uốn lượn rộng trên nền diện tích 6,35 x 4,6m. Chất liệu thi công gồm khung sắt bên trong, chất liệu chính là xốp, phần vẩy rắn đắp vật liệu tạo độ chân thật, mềm mại và màu sắc vàng óng ánh, như được bao phủ một lớp áo giáp vàng.
Một linh vật rắn hổ mang khác với tạo hình tương tự nhưng quy mô nhỏ hơn (cao 3m, rộng 4,5m, sâu 4m) được đặt tại cầu chữ T.
Nếu bờ tây phía Q.Hải Châu trang trí các linh vật rắn uy nghi, thì tại bờ đông sông Hàn, khu vực cầu Rồng (phía Q.Sơn Trà) tô điểm các linh vật rắn được thiết kế dựa trên cảm hứng từ phim hoạt hình thiếu nhi với các đường nét, tạo hình vui nhộn.
Trứng rắn, rắn theo phong cách Chibi… tại đây hứa hẹn là khu vườn ngộ nghĩnh, chắc chắn sẽ khiến các em nhỏ thích thú.
Ngoài ra, vườn hoa xuân còn có các mô hình "Nàng xuân", mục đồng, trẻ múa lân, múa rồng…tái hiện tết miền quê với những hình ảnh bình yên, hạnh phúc.
Ông Trần Minh Hiền (71 tuổi, ngụ Q.Hải Châu) cho biết những ngày qua, khu vực quanh cầu Rồng, đường Bạch Đằng được rất nhiều người dân theo dõi tiến độ thi công hoa tết, chờ đợi để tham quan khi các điểm trang trí mở cửa phục vụ.
"Những không gian trang trí tết không chỉ là nơi chụp ảnh mà còn kết nối người dân, du khách, là nơi "hút" không khí tết, mang lại năng lượng tích cực cho mọi người, cho thành phố bắt đầu một năm mới thịnh vượng, an khang. Cho nên tôi nghĩ đây là nơi mọi người đều trông chờ và đổ về tham quan", ông Hiền nói.