Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi may mắn được gặp ông Trần Thanh Xuân (72 tuổi), thế hệ thứ 4 của gia đình họ Trần, được nghe kể lại về sự lịch sử hình thành của căn nhà cổ 118 năm tuổi.
Từ những ký ức chắp vá của ông bà xưa, ông Xuân cũng chỉ nhớ đại khái một số thời kỳ, giai đoạn mà chính ông và các thành viên khác cùng nhau sinh sống dưới mái nhà này từng trải qua.
Hành trình lịch sử của căn nhà
Đầu tiên, theo lời ông Xuân, nguồn gốc xuất xứ của căn nhà này bắt đầu từ thời ông Trần Văn Bằng, ông cố của ông.
Ở thời đó, vùng Gò Vấp thuộc tỉnh Gia Định, khu vực này đa phần người dân trồng trọt, làm nông nghiệp. Ông cố của ông Xuân cũng vậy, là người dư dả, có sở hữu đất đai rộng lớn ở vùng Gò Vấp. Ông mua đất chủ yếu để trồng trọt như bao người và dành một phần làm mồ mả tổ tiên.

Ông Trần Thanh Xuân (bên trái) chủ căn nhà cổ cùng con trai và cháu
Ảnh: Phạm Hữu
Khu đất lúc đó diện tích lên đến hàng chục hecta, ước tính từ nhà ông Xuân hiện tại (đường Phạm Ngũ Lão, Q.Gò Vấp) lên đến tận bệnh viện 175 bây giờ. Tuy nhiên, trước năm 1945, thực dân Pháp nhiều lần ra lệnh buộc người dân tại khu vực này phải dời đi, lấy đất để xây bệnh viện, do đó một phần đất canh tác của ông Bằng cũng dần thu nhỏ lại.
Đến khi sinh người con thứ 7, khoảng năm 1907, ông Trần Văn Bằng mới bắt đầu xây dựng ngôi nhà bằng gỗ kiên cố hơn cho gia đình trú ngụ, nay thuộc đường Nguyễn Thái Sơn, Q.Gò Vấp, TP.HCM.
Ông Xuân không rõ nghề nghiệp của ông cố là gì mà chỉ biết bà cố là nghiệp chủ, với nghề bánh tráng. Đồng thời, nhà thuộc dạng dư dả mới có thể xây được căn nhà gỗ như vậy. Cũng trong thời kỳ này, nơi ông Bằng sinh sống, đa phần người dân đều làm công nhân cho xưởng đóng tàu Ba Son ở Sài Gòn. Do đó, ông Trần Văn Tám (ông nội của ông Xuân) và ông Trần Văn Mừng (ba của ông Xuân) cũng từng làm ở xưởng đóng tàu.
Thời đó, người Pháp đã xây tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh, có đi ngang qua Gò Vấp, cách nhà không xa, cho nên ông nội và ba của ông Xuân thường đi từ nhà ra nhà ga, lên xe lửa để vào xưởng Ba Son làm việc. Ngoài ra, việc di chuyển của các ông cũng có thể là xe đạp hoặc thổ mộ.
Đến khoảng 1945 – 1954, bệnh viện của người Pháp xây dựng tiến sát đến gần nhà ông Xuân, chỉ cách nhau một con đường. Rồi người Pháp cũng xây các lô cốt gần đó làm cứ điểm, bảo vệ bệnh viện.

Với lối kiến trúc đơn giản ở bên ngoài, căn nhà cổ này nằm lọt thỏm giữa các căn nhà cao tầng xung quanh

Khu vực phòng khách cùng gian thờ
Trước ngôi nhà cũng là nơi diễn ra nhiều cuộc giao tranh giữa lính thực dân Pháp và lực lượng Việt Minh. Từ đó, ngôi nhà ít nhiều bị dày xéo bởi súng đạn, nạn trộm cắp, trốn giặc khiến nhà nhiều lần thất lạc đồ đạc và gia đình phải chôn giấu bớt. Do vậy, ngôi nhà gần như là "chứng nhân lịch sử" của khoảng thời gian chiến tranh loạn lạc.
"Tiếp đến là tôi cũng không nhớ rõ thời điểm nào ông cố giao nhà lại cho ông nội tiếp quản, chắc khoảng năm 1950. Thời gian đó, ba tôi cùng các cô, chú, ông, bà cùng ở chung ngôi nhà, khoảng 20 người, như một đại gia đình", ông Xuân nói và cho biết thêm: "Sau năm 1945 gia đình cũng không còn khá giả gì, cũng bươn chải kiếm sống như bao người. Gia đình giữ gìn được gì thì ráng giữ chứ khó mà nguyên vẹn được".
Đến thời kỳ chiến tranh ác liệt, kỷ niệm nhớ nhất khi sống trong căn nhà này với ông Xuân có lẽ vào năm 1968, lúc ông chỉ mới 15 tuổi. Thời điểm này, cuộc chiến tranh của Mỹ gây ra tại Việt Nam và nhất là ở Sài Gòn diễn ra rất ác liệt. Lúc đó, khu vực nhà ông Xuân đạn bay tứ tán, trực thăng thì vòng vèo trên mái nhà, bắn nát các khu xung quanh. Gia đình ông phải đào hầm lớn sau nhà, lấy bộ ván ngựa làm nắp hầm để đậy lại. Hễ nghe tiếng súng cả gia đình ai nấy đều nhanh chóng cùng chui xuống hầm lẩn tránh. May mắn thay, thời kỳ đó, căn nhà vẫn đứng vững, không bị thiệt hại bởi bom đạn chiến tranh.
Nhà Nam bộ xưa giữa lòng TP.HCM
Khoảng sau năm 2000, ông Xuân được nhận căn nhà, chính thức làm chủ và giữ gìn, tiếp nối giá trị truyền thống của dòng họ. Đồng thời, khoảng đất xung quanh nhà cũng được ông bà chia lại cho các chi trong dòng họ xây nhà sinh sống. Cho nên, xung quanh căn nhà cổ hiện nay các gia đình đều có chung huyết thống với nhau.

Những tấm liễn, bàn, bộ ván ngựa cùng bàn thờ cũng có tuổi đời gần bằng với căn nhà
Về căn nhà cổ 118 năm tuổi, ông Xuân nói rằng nguyên thủy của nhà này theo lối kiến trúc rường Nam bộ, kiểu nhà 3 gian chữ đinh, có nhà trên và nhà dưới. Nhà có 7 hàng cột, gồm: cột hàng nhất (còn gọi là cột cái). Không gian thờ được nằm ở ngay hàng cột cái. Cột hàng hai (hay gọi hàng nhì), nằm kế tiếp ở hàng cột cái nằm chỗ để dãy bàn, ghế tiếp khách. Cột hàng ba và hàng tư kết nối tạo thành hiên nhà (hay còn gọi là cột hành lang).
Ở phía trên, mái nhà lợp bằng ngói âm dương. Phía dưới mái ngói là kèo vỏ đậu đùi ếch (hay còn gọi là kèo vỏ đậu). Mối nối mộng chốt, không sử dụng đinh hay ốc vít. Nhà có 3 cửa chính, mỗi cửa hình vuông, được ghép từ nhiều tấm ván lại với nhau. Cửa hầu như có diện tích chiều cao bằng nhau là 1,8 m. Hầu hết cấu trúc nhà được làm bằng loại gỗ căm xe chắc chắn.
Vách nhà khi xưa được làm bằng đất. Kiểu vách lửng, có 2 cánh én (khoảng không hình tam giác phía dưới mái nhà). Sàn nhà được lót gạch tàu. Cốt nền nhà vẫn giữ nguyên vẹn từ ngày xây dựng.
Về sau nhà xuống cấp, ông Xuân buộc phải sử dụng vật liệu mới để phải thay thế một số vị trí trong căn nhà. Đó là vách đất đã mục, ông Xuân buộc phải phá bỏ và xây lại bằng gạch thông thường.
"Dàn kèo vỏ đậu hiện vẫn còn nguyên gốc, còn những kèo trên mái ngói tôi đã thay bằng các thanh sắt, do bị mối ăn gần hết. Tôi mua ngói tây thay vào vì không thể phục chế được nữa", ông Xuân chia sẻ.
Diện tích nhà gỗ hiện tại là 230 m2, phía sau khoảng 100 m2. Hàng lang trước nhà ông đã xây lại và mô phỏng giống khi như xưa. Ngoài ra, khung nhà hay cách bài trí ông đều gần như giữ nguyên như 118 năm trước đây.
Đến năm 1990, ông Xuân mới xây thêm ngôi nhà kiên cố, nhiều tầng phía sau để ở. Căn nhà gỗ này để dành thờ tự, tiếp khách và không còn ở như xưa.
Đến hiện tại căn nhà nằm lọt thỏm giữa các căn nhà cao tầng khác. Tuy nhiên, đây cũng là điểm nhấn khác biệt độc đáo của căn nhà cổ này. Nội thất căn nhà ông dường như cũng giữ nguyên hiện trạng. Cụ thể là 2 chiếc bàn thờ bằng gỗ, chạm khắc tinh xảo nằm ở giữa và bên trái có tuổi đời gần bằng căn nhà. Kèm theo đó là 2 bức tranh kiếng lâu đời cũng được tạo tác từ thời đó. Hai hàng cột giữa, ông Xuân gìn giữ cẩn thận 4 bức liễn khảm xà cừ có tuổi đời hơn trăm năm.

Hầu như ông Xuân vẫn giữ nguyên vẹn những đồ vật cũng như cách bài trí trong hơn 100 năm qua
Ông Xuân nhìn lại giai đoạn ở nhà này là hành trình giữ gìn căn nhà thật sự khó khăn. Có những thời điểm, gia đình phải bươn chải kiếm sống, đôi lúc tận dụng ngôi nhà để làm điểm kinh doanh kiếm tiền. Dần dần kinh tế gia đình ổn định, ông Xuân chú trọng nhiều hơn đến việc gìn giữ mọi thứ ở căn nhà. Ông may mắn được anh em, bà con dòng họ đều quan tâm căn nhà. Hễ sửa chữa, xây dựng gì mọi người đều chung tay góp sức.
"Do đó, căn nhà này giờ giống như của cải của tổ tiên để lại, cho dù có khó khăn cách mấy, trải qua nhiều thứ, ba mẹ tôi cũng đã cố giữ, đến đời tôi cũng vậy, chỉ mong sao đời con cũng sẽ giữ được ngôi nhà, xem nó như ngôi từ đường của dòng họ", ông Xuân bày tỏ.