"Đây tôi gửi lại cho anh nè. Tôi lượm tôi giữ lại hết trơn, tôi sợ khi tôi nói lên người khác lại nhận… Cái tâm của tôi là vậy đó", đoạn clip chỉ khoảng 30 giây nhưng có tới gần 500.000 lượt xem sau 2 ngày đăng tải.
LÒNG TỐT CỦA ÔNG CHỦ QUÁN CHÈ
Anh Nguyễn Đức Huy (40 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM) - người đăng clip, cũng là con trai chủ quán chè, cho biết sự việc xảy ra vào ngày 4.1 vừa qua ở quán chè của gia đình tại hẻm 163 Tô Hiến Thành.
"Buổi trưa hôm đó trời nắng, chú khách vào ăn chè xong 4 tiếng sau quay lại nói làm rớt tiền. Đó là tiền của công ty chú vừa đi nhận về để nộp. Sau khi xác nhận đúng số tiền là 11 triệu, ba tôi đã gửi lại cho chú. Chú mừng lắm, cảm ơn rối rít", anh kể.
Đoạn clip sau khi chia sẻ đã nhận được hàng chục lượt thả tim của cư dân mạng. Tuy nhiên, ngoài những lời khen lòng tốt của chủ quán chè, một số người thắc mắc vì sao khi trả lại tiền cho người đánh rơi lại phải nhắc họ đếm lại.
Về việc này, anh Huy giải thích: "Tôi và ba kêu chú khách đếm lại là để xác nhận chú đã nhận lại đủ 11 triệu đồng, tránh những điều không hay về sau. Làm gì cha con tôi cũng rõ ràng".
Nhiều tài khoản mạng xã hội cũng đồng ý với quan điểm này của gia đình anh Huy và cho rằng xác nhận 2 bên là điều cần thiết khi liên quan đến tiền bạc.
NHIỀU LẦN TRẢ ĐỒ CHO KHÁCH ĐỂ QUÊN
Mở đầu chia sẻ với PV, ông Nguyễn Phú Đức (66 tuổi, chủ quán chè) nói: "Trời ơi, chuyện có đáng gì đâu, tiền mồ hôi nước mắt của người ta mà". Theo ông Đức, buổi trưa hôm đó chỉ có 2 bàn khách, khi khách về ông ra dọn bàn thì thấy cọc tiền 11 triệu rơi dưới đất. Ông nói với vợ cứ giữ đó, chờ 1 ngày xem có ai quay lại nhận không, nếu không thì mang báo, gửi bảo vệ dân phố.
Ông nói: "Mình rớt 2 - 3 triệu đã thấy xót ruột, huống gì đây là số tiền lớn, nên tôi đoán thế nào người làm rơi cũng quay lại tìm. Nhà tôi bán chè ở đây đã hơn 20 năm, từ thời ly chè có 1.000 đồng, giờ lên 15.000 đồng. Quán chè nuôi cả nhà tôi, uy tín là quan trọng, không phải tiền của mình thì không tham".
4 tiếng sau, có khách quay lại quán nói làm rơi tiền, ông Đức nhìn là nhận ra khách đã ngồi lúc trưa. Sau khi hỏi số tiền, xác nhận đúng người làm rơi, chủ quán chè trả lại cọc tiền cho khách. Vị khách cảm ơn rối rít, đề nghị gửi 500.000 đồng hậu tạ nhưng ông Đức không nhận và cũng không hỏi thêm thông tin cá nhân của người làm rơi.
Ông Nguyễn Văn Trung, bảo vệ dân phố tại KP.10, P.13, Q.10, xác nhận quán chè nhà ông Đức ở gần chốt trực nên mỗi lần khách quên đồ, chủ quán lại mang sang gửi. "Nhiều lần khách tới ăn chè quên điện thoại, quên xe đạp, có người quên cả xe máy… chủ quán mang qua chốt trực bảo vệ dân phố gửi, nói chúng tôi giữ giùm chờ người để quên quay lại nhận", ông Trung chia sẻ.