12 bức ảnh về các phương tiện di chuyển đường bộ, đường hàng không và đường biển hướng đến “giao thông xanh” do các công ty Pháp thực hiện được trưng bày ở bờ tường trước Dinh Tổng Lãnh sự Pháp (Q.1, TP.HCM) đến cuối tháng 3.2025. Từ lâu, giao thông bị xem là nguyên nhân gây ô nhiễm và tạo khí thải nhà kính hàng đầu. Để giảm tình trạng này, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó Pháp đã tiên phong nỗ lực phát triển hệ thống giao thông công cộng, và khuyến khích các phương tiện di chuyển thân thiện với môi trường.
Ở thủ đô Paris, một trong những đô thị có hệ thống giao thông công cộng dày đặc bậc nhất thế giới, phần lớn dân cư ít khi dùng đến xe cá nhân vì có 14 tuyến tàu điện ngầm, hàng chục tuyến tàu điện, tất cả được kết nối với hơn hai chục tuyến tàu điện đi về các khu ngoại ô, và cần phải tính thêm vô số tuyến xe buýt… Hệ thống vé cũng rất tiện dụng, với nhiều loại để người dùng chọn lựa, từ vé năm, vé tháng, vé tuần, đến vé lẻ; vé đi một phương tiện hoặc vé đi được tất cả các phương tiện giao thông công cộng; vé chia theo phạm vi sử dụng…
Tại buổi khai mạc ngày 7.1, Tổng Lãnh sự Pháp tại TP.HCM Emmanuelle Pavillon-Grosser cho biết: “Để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, chính phủ Pháp đã đặt quá trình chuyển đổi sinh thái của các phương tiện giao thông là trọng tâm, qua đó sẽ cải thiện được việc đi lại hằng ngày cho mọi người dân trên toàn lãnh thổ, nhờ vào những giải pháp di chuyển dễ dàng hơn, ít tốn kém hơn và sạch hơn. Để giao thông được bền vững thì cần tính đến nhiều yếu tố như môi trường, kinh tế - xã hội…, đồng thời cũng phải đảm bảo những phương tiện mà ai cũng có thể tiếp cận”.
Bà Pavillon-Grosser nhận định việc thay đổi thói quen sử dụng xe cá nhân vốn “không phải là điều dễ dàng”. Từ cuối năm 2019, chính phủ Pháp đã cho áp dụng khoản hỗ trợ “phương tiện di chuyển bền vững” có thể lên đến 800 euro/năm dành cho những người chọn đi làm bằng những phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. Điều thú vị là khoản hỗ trợ dành cho người dùng giao thông công cộng, người đi xe đạp, còn có những hình thức như dùng ván trượt, hoặc “đi chung xe hơi” - vì một xe 4 chỗ có 4 người sẽ giảm hẳn ô nhiễm so với 4 người đi 4 xe hơi cá nhân. Khoản hỗ trợ này góp thêm vào nhiều ưu đãi đã có từ trước của chính phủ Pháp để khuyến khích người dân ưu tiên “giao thông xanh” thay cho xe cá nhân, bao gồm giảm giá vé cho người cao tuổi, trẻ em, người trẻ dưới 26 tuổi, người có thu nhập thấp…
Những bức ảnh được triển lãm lần này giới thiệu các công trình tàu điện, tàu điện ngầm, cáp treo, tàu cao tốc… mà các công ty của Pháp đã xây dựng, sản xuất và được sử dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Tại Việt Nam, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, thuộc hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội, mang đậm dấu ấn của các công ty Pháp, đã phục vụ hành khách đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) từ tháng 8.2024. Với tuyến metro số 1 ở TP.HCM vừa chính thức hoạt động, các công ty Pháp cũng tham gia vào một số hạng mục như thiết kế, an toàn xây dựng…