Nay Nhà hát Trần Hữu Trang tái dựng với bàn tay đạo diễn NSƯT Hoa Hạ và lực lượng diễn viên trẻ, vẫn ngọt ngào thấm đẫm trái tim người xem.
Tiếng hò sông Hậu đã tạo nên những vai diễn để đời cho các nghệ sĩ, chẳng hạn NSND Diệp Lang vai Hội đồng Dư, NS Hồng Nga vai bà Tư Hậu, NSƯT Giang Châu vai Thừa, NS Ngọc Bích vai Lành, NS Tuấn Thanh vai Chơn… Nay các nghệ sĩ trẻ kế thừa và thật sự đã ca diễn rất tốt. Không thể so sánh với những cây đa cây đề của thế hệ trước, ở đây chỉ nhận xét trên cơ sở thực lực của họ và với thế hệ hôm nay, thì họ đã làm tròn nhiệm vụ chuyển tải một tác phẩm nổi tiếng.
Vở lấy bối cảnh Sóc Trăng nói riêng, cả miền Nam nói chung, vào thời Pháp đô hộ và Nhật chuẩn bị thay chân. Thời cuộc rối ren, nông dân bị chủ điền bóc lột tàn tệ đến không còn lúa để ăn, phải bươn chải lam lũ lại còn bị hà hiếp, đánh đập. Gia đình bà Tư Hậu (Hà Như đóng) và những người nông dân khác như Thừa (NSƯT Lê Tứ), chú Ba Thạch Sên (Thanh Phong), Lài (NSƯT Thu Vân) đều chịu đựng đến tức nước vỡ bờ. Cuộc xô xát nổ ra và Chơn (Hoàng Hải), con trai bà Tư Hậu, bị án tù chung thân nơi Côn Đảo. Bốn năm sau, Chơn vượt ngục, trở lại quê nhà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Nhật và Pháp. Cách mạng thành công, trả lại ruộng đất và tự do cho người nông dân, trả lại những mối tình nồng thắm, thủy chung nơi làng quê thanh bình.
Nội dung đầy tính chính luận như thế nhưng được soạn giả Điêu Huyền viết rất trữ tình, đúng chất cải lương, khán giả mê mẩn xem từ đầu đến cuối. Người ta mê Tiếng hò sông Hậu vì say sưa với từng lời ca đầy tính văn chương, từng bài bản đặt đúng chỗ vô cùng đắc địa, từng chi tiết hấp dẫn, lôi cuốn, và Hoa Hạ với bản tính dựng vở luôn đẩy tiết tấu nhanh hơn, màu sắc hiện đại hơn, tạo thành một tổng thể đẹp vượt qua thời gian. Hoa Hạ vẫn sử dụng đan xen màn hình LED và cảnh trí tả thực, nhưng không hề bị chỏi, mà vẫn ra chất truyền thống, phù hợp với bối cảnh miền quê. Một vài lớp ca cảnh cài vào khiến vở thêm mượt mà, dễ thương.