Những cảnh này gồm nụ hôn giữa Superman (do David Corenswet thủ vai) và nhân vật Lois Lane (được Rachel Brosnahan đóng chính). Theo đó, có 2 lần khi siêu anh hùng cúi xuống hôn Lois Lane thì phim đột nhiên chuyển cảnh, cắt cảnh ngay sau một cái ôm. Tổng thời gian của 2 cảnh này là 33 giây.

Một trong những cảnh bị cắt khỏi phim tại thị trường Ấn Độ
ẢNH: IMDB
Bên cạnh đó, cảnh Guy Gardner (do Nathan Fillion hóa thân) giơ ngón giữa với chiếc nhẫn siêu năng lực của mình cũng bị cắt bỏ. Các nhà kiểm duyệt cho rằng hành động giơ ngón giữa dài 8 giây này là "cử chỉ khiếm nhã" trong văn hóa Ấn Độ.
Tuy vậy, bất chấp những cảnh cắt này, Superman vẫn đang oanh tạc phòng vé Ấn Độ khi giữ vị trí quán quân với doanh thu cuối tuần mở màn cao nhất từ trước đến nay đối với một phim thuộc vũ trụ siêu anh hùng DC tại quốc gia này. Phim hiện đang được chiếu tại các rạp với các ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Hindi, tiếng Tamil và tiếng Telugu.
Theo đó, Superman không phải bộ phim gây sốt duy nhất phải cắt bỏ một số cảnh để ra mắt tại các rạp chiếu phim ở Ấn Độ. Trước đó vài tuần, phim F1 có Brad Pitt đóng chính cũng được hãng Apple Original tự kiểm duyệt trước khi nộp lên CBFC. Cụ thể, hành động giơ ngón giữa của Pitt cũng là vấn đề, cuối cùng được thay bằng một cái đấm tay.
Dẫu vậy trên mạng xã hội, nhiều người hâm mộ DCU tại Ấn Độ đã bày tỏ sự thất vọng khi không được chứng kiến cảnh phim đặc biệt này và cáo buộc CBFC đã đưa ra những yêu cầu "tùy tiện" và "tiêu chuẩn kép" khi cho phép những cảnh bạo lực nặng nề, sự kỳ thị phụ nữ nhưng lại cắt một cảnh hôn nhau trong phim Hollywood.
Một người xem đã chia sẻ trên mạng xã hội rằng: "CBFC cho phép những cảnh bạo lực và tấn công tình dục kinh hoàng trong một bộ phim được chứng nhận là trẻ em được phép xem, nhưng sẽ không cho phép cảnh hôn có sự đồng thuận trong một bộ phim ai nhìn cũng biết là hư cấu và trẻ em phải xem dưới sự giám sát của người lớn".
Một người khác nói: "Vậy là Superman không được phép hôn Lois Lane trên màn ảnh Ấn Độ. Nhưng tất cả những gã đàn ông tồi tệ trong phim Ấn Độ thì đều được phép kéo, sờ mó, tấn công, rình rập, tát và làm bất cứ điều gì họ muốn với nữ chính của mình".
Một người hâm mộ khác chỉ trích sự gián đoạn đột ngột do những đoạn cắt thô thiển gây ra: "Hội đồng kiểm duyệt Ấn Độ đã tự làm xấu mình với những đoạn cắt đột ngột mà họ thực hiện. Bỏ qua 'đạo đức' của việc kiểm duyệt, cách họ làm hỏng mạch phim thật là kinh khủng".

Nhiều người hâm mộ phản ánh quyết định khó hiểu này
ẢNH: IMDB
Điện ảnh Ấn Độ từ lâu đã có mối quan hệ không mấy thoải mái với cảnh hôn trên màn ảnh. Ngoại trừ cảnh hôn dài 4 phút trong phim Karma (1933), cho đến những năm 1990, việc âu yếm trên màn ảnh chủ yếu chỉ giới hạn ở những cái ôm hoặc được biểu tượng hóa bằng hình ảnh những bông hoa. Mặc dù thái độ đã thoải mái hơn trong những năm gần đây, nhưng nhiều cảnh hôn nhau thân mật vẫn phải chịu sự kiểm duyệt.
Trước đó, hội đồng kiểm duyệt cũng đã phải đối mặt với những cáo buộc mang tính chính trị quá mức. Chẳng hạn phim tiểu sử về Donald Trump - The Apprentice đã bị cấm chiếu rạp vào năm ngoái sau khi đạo diễn Ali Abbasi từ chối cắt bỏ các cảnh quay theo yêu cầu của CBFC.
Ông nói: "Tôi đã chạy trốn khỏi sự kiểm duyệt của Iran nhưng lại gặp phải sự kiểm duyệt của các tập đoàn Mỹ. Giờ lại đến Ấn Độ. Thật sao? Kiểm duyệt dường như đang trở thành một 'đại dịch' vào lúc này".