Độc lạ Bảo vật quốc gia: Bộ tượng Tam tổ Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm

Tôn vinh rất cao các vị tổ Trúc Lâm

Bảo vật quốc gia bộ tượng Tam tổ Trúc Lâm hiện được lưu giữ tại chùa Vĩnh Nghiêm (tỉnh Bắc Ninh). Bộ tượng gồm 3 pho mô tả Đệ nhất tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông (ở giữa), Đệ nhị tổ Pháp Loa (bên phải) và Đệ tam tổ Huyền Quang.

Độc lạ Bảo vật quốc gia: Bộ tượng Tam tổ Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm- Ảnh 1.

Tượng tam tổ Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm

ẢNH: CỤC DI SẢN VĂN HÓA

Tượng Đệ nhất tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông được tạc liền khối, thể hiện đức Phật hoàng ngồi tọa thiền trên bệ gỗ vuông trong thế buông thư, thân khoác y cửu điều. Tượng có thân hình, khuôn mặt cân đối, hài hòa, sống mũi thẳng, mắt hơi nhắm, miệng mỉm cười, tai to và dài, đầu cạo tóc. Tượng được đặt trong khám thờ chạm khắc đẹp. Khám có dáng long đình với 2 tầng mái, phần mái trên chạm hình rồng chầu nguyệt ở phía trước, 4 mặt mái xung quanh chạm hình rồng, trên đỉnh mái tạo hình nụ sen, cánh cửa chạm hình chim phượng.

Độc lạ Bảo vật quốc gia: Bộ tượng Tam tổ Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm- Ảnh 2.

Tượng Phật hoàng trong bộ tượng

ẢNH: CỤC DI SẢN VĂN HÓA

Tượng Đệ nhị tổ Pháp Loa được tạc liền khối, gồm tượng và bệ. Tượng mang dáng vẻ của một nhà sư, dáng người thon cao, đầu cạo tóc, khuôn mặt cân đối, mũi cao, tai dài, thần thái rất từ bi, phúc hậu. Tượng ngồi trong tư thế thiền, 2 chân xếp bằng, 2 tay kết ấn để trong lòng đùi.

Tượng Đệ tam tổ Huyền Quang được tạc liền khối, gồm tượng và bệ. Khác với tư thế ngồi thiền của tượng Đệ nhị tổ Pháp Loa, tượng Đệ tam tổ Huyền Quang được tạc trong tư thế ngồi ngay ngắn trên bệ, ở tư thế thiền định, đầu cạo tóc, mặt vuông, mũi cao, tai to. Hai chân xếp bằng, tay trái để úp lòng bàn tay trên đùi trái, tay phải cầm cuốn sách.

Hồ sơ bảo vật cho biết trong nhà thờ Tổ phật Trúc Lâm chỉ thờ 3 tượng tổ Trúc Lâm này. Điều này khác biệt hoàn toàn với chùa Phổ Minh và chùa Côn Sơn (cũng trong quần thể di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc mới được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới). Tại hai chùa trên, bên cạnh các tượng tam tổ còn có lớp tượng tổ Thiền tông Ấn Độ. "Có thể nói phật điện Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm phản ánh sự tôn vinh ở mức độ rất cao đối với vị thế của chùa Vĩnh Nghiêm trong hệ thống chùa tháp Trúc Lâm cũng như vị thế sáng lập của các vị tổ Trúc Lâm", hồ sơ bảo vật cho biết.

Cũng theo hồ sơ, các tượng tam tổ Trúc Lâm thế kỷ 19 đều chung tư thế thiền định, song vẫn có các tư thế riêng. Nét nổi bật của tượng Vĩnh Nghiêm là tượng Phật hoàng có tay đang lần tràng hạt, tượng Huyền Quang tay cầm sách. Phật hoàng lần tràng hạt là sự lột tả vị trí của một vị hoàng thượng đi tu đã đắc đạo nhưng rất gần gũi đời thường. Tượng Huyền Quang cầm sách nhấn mạnh vị thế của hòa thượng đã đỗ Trạng nguyên Tam giáo, văn hay chữ tốt bậc nhất của triều đại nhà Trần.

Con đường Phật giáo Trúc Lâm

Hội đồng Di sản quốc gia đánh giá bộ tượng tam tổ Trúc Lâm phản ánh giá trị của một dòng phái Phật dân tộc có tư tưởng nhân văn mang đặc trưng của văn hóa VN, thể hiện sự trường tồn của Phật giáo Trúc Lâm xuyên suốt lịch sử VN từ thời Lý, Trần tồn tại đến ngày nay.

Độc lạ Bảo vật quốc gia: Bộ tượng Tam tổ Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm- Ảnh 3.

Đệ nhị Pháp Loa

ẢNH: CỤC DI SẢN VĂN HÓA

Chùa Vĩnh Nghiêm không chỉ là một công trình kiến trúc nổi tiếng thời Lý - Trần mà còn là một trung tâm Phật giáo, ngôi cổ tự linh thiêng nằm trong khu vực sườn tây Yên Tử, trên con đường hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Chùa là một trong những nơi vua Trần Nhân Tông tu hành, dạy học, giảng kinh giới thí và cũng là "trụ sở" giáo phái khi Phật giáo Trúc Lâm được thành lập.

Theo hồ sơ UNESCO của quần thể di tích danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc, quần thể này đã cho thấy "con đường Phật giáo" của cả Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng như Phật giáo Trúc Lâm. Điều này cũng được thể hiện ở việc Phật hoàng đã để lại nhiều tác phẩm thơ văn, phú, ngữ lục được in khắc trên mộc bản giữ tại chùa.

Độc lạ Bảo vật quốc gia: Bộ tượng Tam tổ Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm- Ảnh 4.

Tam tổ Huyền Quang

ẢNH: CỤC DI SẢN VĂN HÓA

Hồ sơ bảo vật quốc gia có nhắc tới văn bia ghi lại về 3 vị tổ Trúc Lâm. Theo đó, văn bia có ghi: "…Năm Giáp Thìn, Hưng Long thứ 12 (1304) Ngài đi chu du khắp các đạo tìm người kế thừa đạo pháp…. Ngày 1 tháng 1 năm Mậu Thân (1308), Ngài sai Pháp Loa đến huyện Siêu Loại tại Báo Ân thiền tự khai giảng trụ trì. Tháng 4 năm ấy Điều Ngự đến chùa Vĩnh Nghiêm ở Lạng Giang làm lễ kết hạ, lệnh cho Pháp Loa trụ trì khóa hạ. Điều Ngự giảng Truyền Đăng Lục, lệnh cho quốc sư (Pháp Loa) giảng Pháp Hoa Kinh cho chúng tăng".

Theo hồ sơ bảo vật quốc gia, bộ tượng tam tổ Trúc Lâm này không chỉ thể hiện sự liên kết giữa các vị tổ, mà còn phản ánh sự truyền đạt và chuyển giao tri thức và pháp môn từ thế hệ này sang thế hệ khác trong Phật giáo Trúc Lâm. Điều Ngự đã truyền dạy cho Pháp Loa và sau đó Pháp Loa truyền dạy cho Huyền Quang. "Qua quá trình này, cho thấy tri thức và tinh hoa của Phật giáo Trúc Lâm được duy trì và phát triển qua thời gian", hồ sơ cho biết. (còn tiếp)

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao